Nhân trò chuyện mới đây, bạn bè hưu chúng tôi sực nhớ những hợp đồng xuất khẩu cà phê đầu tiên nay đã tròn ba chục năm. Bấy giờ, ai kiếm được một mối mua cà phê xuất khẩu thường được tôn vinh như người đi tiên phong, vì trên thị trường cà phê thế giới mấy ai biết Việt Nam sản xuất được cà phê, chứ chưa nói đến xuất khẩu.
Từ vài trăm ngàn tấn, nay có năm cả nước xuất khẩu đến gần 2 triệu tấn với tổng kim ngạch mặt hàng cà phê lên đến trên 3 tỷ đô la Mỹ. Cà phê Việt Nam trở thành yếu tố “tham chiếu” quan trọng đối với bất kỳ nhà kinh doanh cà phê nào trên thế giới.
Phải nói rằng nhờ nhiều doanh nhân trong nước nhanh chóng tiếp cận và tham gia tích cực vào các hoạt động thương mại quốc tế, đã giúp thúc đẩy sản lượng cà phê Việt Nam ngày càng tăng và không ít người có tiếng tăm trên thương trường.
Ba chục năm trước, người xuất khẩu cà phê phải đi tìm khách hàng hụt hơi, nhưng ba mươi năm sau thì chẳng cần đi đâu xa. Chính sách mở cửa và tư nhân hóa thương mại của Việt Nam đã thu hút hàng chục đại gia kinh doanh và chế biến cà phê thế giới về đóng đô ngay trong nước, mua bán trực tiếp không chỉ với nhà xuất khẩu mà cả nhà vườn, mở kho nội ngoại quan đủ kiểu.
Vị trí của hột cà phê Việt Nam không còn khiêm tốn như trước. Với gần 2 triệu tấn cà phê xuất khẩu hàng năm, cà phê Việt Nam chiếm tỷ lệ một phần năm nguyên liệu của mỗi ly cà phê tiêu thụ trên toàn cầu! Mới đây, Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) cho biết “nhờ nhu cầu cà phê ngày càng tăng trên toàn thế giới, giá trị cà phê xuất khẩu hàng năm (gồm cả cà phê hột/nguyên liệu, rang và hòa tan) đã tăng hơn gấp 4 lần trong vòng ba chục năm qua”. Còn nói con số cụ thể thì tổng giá trị kinh doanh cà phê (từ vườn đến ly người uống) được ICO ước chừng trên 200 tỷ đô la Mỹ. Cung cấp 20% lượng cà phê, nhưng chỉ được chia 1,5% của tổng giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Có ông bạn già ngồi xem lại đường đi của hột cà phê Việt Nam. “Hột cà phê mình làm ra đem bán cho nhà nhập khẩu, nhà nhập khẩu đưa về nước, chế biến thành phẩm, rồi lại mang cà phê qua bán cho mình uống. Đau là cái hành trình vòng tròn ấy giá bán ban đầu như đi làm thiện nguyện, khi mà mua cà phê để uống với giá cao hơn gấp nhiều lần.”
Thì cũng phải chấp nhận thôi. Vì khi ta chào bán cà phê là bán dưới dạng hàng hóa (commodity), chất lượng chỉ cần “phè phè” nên giá cả cũng chỉ “phải chăng”. Và 99% hàng cà phê Việt Nam đang được bán theo kênh này so với tỷ lệ bình quân của tất cả các nước sản xuất trên thế giới hiện nay là 90%.
Chiến tích về kim ngạch xuất khẩu cà phê hàng năm xứng đáng được ghi nhận. Nhưng có ai nghĩ đến mặt sau của tấm huy chương ấy là sinh kế của nhà vườn bấp bênh, của nhà kinh doanh xuất khẩu là rủi ro về thị trường và đói vốn. Giá công lao động tăng từng năm, giá xăng dầu cao, chi phí linh tinh cho vật liệu và tư liệu sản xuất ngày một lớn. May mà nhà vườn cà phê Việt Nam đã chuyển dần diện tích sản xuất của họ sang khai thác các loại cây khác mới mong tồn tại.
Sau ba chục năm, nhờ cú hích của cây cà phê Việt Nam, thị trường cà phê thế giới nói chung tăng trưởng nhanh chóng từ sản xuất đến xuất khẩu. Chỉ nói riêng phần các nước sản xuất, từ 1990 đến nay, sản lượng cà phê thế giới tăng 60% với tỷ lệ hai loại cà phê chính là cà phê chè (arabica – A) và cà phê vối (robusta – R) với tỷ lệ 60/40. Trước khi cây cà phê Việt Nam nổi đình nổi đám, tỷ lệ A/R là 70/30. Nếu như tổng sản lượng cà phê toàn cầu hiện nay được ICO ước 172 triệu bao (60 ki-lô-gam/bao), thì chỉ 30% cà phê được tiêu thụ tại nội bộ các nước sản xuất, số còn lại đều được xuất khẩu. Nếu như năm 1991, các nước sản xuất bán ra (dưới dạng hột/nguyên liệu, rang và hòa tan) đạt 8,4 tỷ đô la, thì đến năm 2018 tăng hơn 4 lần đạt 35,6 tỷ đô la. Tất cả cũng chỉ chiếm 1/6 giá trị trong toàn chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu.
Nhìn kỹ ra, có thể thấy rằng, sau 30 năm, nỗ lực làm tăng giá trị hột cà phê của nhà vườn cũng chỉ trong việc “lấy công làm lời” (nhưng chắc chi đã có lời). Còn các nước không-sản xuất cà phê (non-producing countries) đã thực sự trở thành các nước xuất khẩu cà phê nhưng ở tầm “chiếu trên”. Họ chia phần lớn (5/6 giá trị trong chuỗi cung ứng) nhờ năng lực tài chính, máy móc thiết bị chế biến cao cấp đắc tiền và các kỹ thuật khai thác chất lượng của ly cà phê…
Không riêng ở Việt Nam. Hầu hết các nước sản xuất đang loay hoay với các sàn hàng hóa phái sinh, với cách làm cũ cung ứng hàng xuất khẩu, thì ngành cà phê tại các nước không-sản xuất đi cách khác: loại trừ cách kinh doanh cà phê với tư cách hàng hóa thương phẩm (de-commodization) tức tái xuất cà phê sau khi đã chế biến sâu.
Cho nên mới thấy rằng trong xuất khẩu cà phê ranh giới giữa nước sản xuất và nước không-sản xuất đã không còn rạch ròi như trước nếu không muốn chẳng còn nghĩa lý gì để phân biệt.
Một số bạn trẻ tâm huyết với ly cà phê đang đi theo con đường de-commoditization trong kinh doanh cà phê với các tìm tòi các loại cà phê ngon, sành điệu đặc sản. Có người “mật báo” đã xuất khẩu vài ngàn tấn cà phê “chất lượng riêng, theo yêu cầu” với giá sống khỏe. Nhưng họ đòi giấu tên, không phải do sợ lộ bí mật, mà ngại bị đàn anh khiển trách tại sao không theo mặt bằng chung của thị trường cà phê hàng hóa mà phá giá mua hàng nguyên liệu.
NGUYỄN QUANG BÌNH, bài được đăng trên Tạp chí Kinh tế Sàigòn số 11-2021 ngày 11/03/2021
==
Tài liệu tham khảo: “ICO Coffee Development Report 2020”
Hits: 114