Đúng tròn hai tháng, sàn cà phê robusta London xảy ra hai đợt bắt ‘chặn lỗ‘ (stoploss). Một lần giữa tháng 8/19 và vừa qua 13/9.
Nhiều nhà vườn và doanh nghiệp cung ứng chưa quen lắm với hiện tượng chặn lỗ. Vậy ‘chặn lỗ’ là gì? Chặn lỗ là lệnh được đặt bán hay mua để ngăn không để lỗ thêm.
Giải thích cơ chế chặn lỗ trong kinh doanh cà phê
Thí dụ: Khi giá thị trường đầu năm nay ở mức 35 triệu đồng/tấn. Bạn bán 100 tấn cà phê. Nhưng vì lý do gì đó, bạn không bán ngay để lấy đủ tiền liền mà chờ lên 35,5 triệu mới bán. Thế là bạn giao hàng vào kho người mua. Người mua trả cho bạn 70% của giá thị trường. 70% của 35.000 đồng/kg là 24.500 đồng.
Như vậy, người bán chỉ nhận 2,45 tỷ đồng cho cả hợp đồng 100 tấn cà phê. Đổi lại, bạn được quyền chốt giá bán với bất kỳ khối lượng nào trong 100 tấn ấy. Nhưng bạn chỉ được quyền chốt giá bán trong khi sàn London giao dịch.
Tuy nhiên, bất kỳ khi nào trong giờ sàn kỳ hạn giao dịch, giá chạm 24,5 triệu đồng/tấn, bấy giờ bạn phải bán. Bạn không muốn bán, người mua cũng phải cắt để ngăn lỗ nảy sinh.
Sở dĩ có cơ chế chặn lỗ này vì người kinh doanh lo ngại ‘nhỡ như giá xuống 23 triệu, thì từ 24,5 xuống 23 triệu, ai sẽ chịu’? Nếu bạn không muốn bán, trước khi nghi ngờ giá xuống gặp mức chặn lỗ, đối tác yêu cầu bạn nộp thêm tiền hay hàng. Họ lấy giá trị nộp thêm, trừ vào mức 24,5 triệu để hạ mức chặn lỗ xuống. Nếu không chạm mức đã đóng thêm tiền/hàng, bạn thoát phải bán tự động.
Giả sử mức cũ là 24,5, mức mới là 22 triệu. Nếu giá xuống chạm 22 triệu đồng, bạn bị chặn lỗ lần này. Vậy thì cả 100 tấn cà phê cộng với hàng/tiền nộp thêm chỉ bán với giá 22 triệu đồng/tấn.
Áp dụng qua hợp đồng bằng USD
Trên là một thí dụ bằng tiền VND cho dễ hiểu.
Hầu hết các hợp đồng cà phê xuất khẩu đều được tính bằng USD. Giả sử một lúc nào đó trong các tháng trước, bạn bán 100 tấn giá cơ sở tháng 11/19 mức -70 USD.
Khi giao hàng, giá 1.700 USD/tấn. Nếu bạn chốt ngay thời điểm giao hàng là 1.700 trừ cho giá bán xuất khẩu 70, bạn sẽ nhận về 163.000 USD. Nhưng vì một lý do nào đó, bạn không thể chốt ngay do thích chờ giá tăng hay vì giá nội địa cao…Vậy là bạn đồng ý nhận tiền tạm tính 70% giá trị hợp đồng.
70% của 1.630 là 1.141, tức tổng tiền tạm tính cho 100 tấn là 114.100 USD. Nếu tính thêm giá xuất khẩu trừ lùi 70 USD. Như vậy, mức chăn lỗ của hợp đồng là 1.141+70=1.211.
Ngày 13/10, giá London tháng 11/19 chạm đúng 1.211. Thế là hợp đồng của bạn phải bán chặn lỗ.
Thực tế mua bán
Có bạn hỏi tại sao bây giờ giá cộng 100-120 USD sao lại -70 USD/tấn? Đó là do bán trước đây, khi thị trường còn mua trừ. Giá hợp đồng đã ký trừ, phải tính trừ,
Cũng có nhiều hợp đồng có giá xuất khẩu trừ 50/70 nhưng do không chốt bán được, chờ giá…Nên người bán phải làm thủ tục chuyển tháng từ 3 sang 7, từ 7 sang 9, từ 9 sang tháng 11. Mỗi khi chuyển tháng là phải cộng thêm chênh lệch và phí chuyển tháng. Giá bán gốc có khi chỉ trừ 50/70 thì nay đã trừ đến 120-150. Chính vì vậy mà rủi ro phải bán chặn lỗ ở mức cao hơn 1.211 là rất nhiều như 1.220-1.230 chẳng hạn.
Trong năm này, giá cà phê thị trường nội cao nhưng giá kỳ hạn ngày càng xuống thấp. Hầu hết giá kỳ hạn đi theo kiểu đỉnh và đáy trước cao hơn đỉnh và đáy sau. Chính vì vậy, càng đợi, giá càng bất lợi và không thể chốt bán và cuối cùng bị chặn lỗ.
Cũng có nhiều bạn hàng rút tiền tạm tính lô hàng bán đầu tiên, nhồi thêm hàng. Cứ lấy tiền tạm tính 70% lần giao hàng trước. mua và giao hàng đợt 2 rồi đợt 3… Nên thua lỗ lại càng nặng.
Có tránh được cách bán này không?
Thị trường cà phê xuất khẩu hiện nay hầu hết đều mua bán theo phương thức bán giao hàng trước, chốt giá sau. Làm sao tránh khỏi! Nên điều cần làm là chọn kênh/hướng đi của giá để quyết định bán và chốt lúc nào.
Tuy nói rằng bán, thực ra hàng bán theo phương thức này nếu chưa chốt được thì vẫn ở vị thế mua (long position) mà người ta thường gọi là ‘short diffrential‘ và long physicals. Tôi thường gọi nó là vị thế treo bán.
Khi ta treo bán, người mua hàng của ta phải treo bán trên sàn kỳ hạn vì sàn nay hoàn toàn tự động. Giá càng xuống sâu, họ phải giăng lên mạng để sẵn.
Miếng mồi thơm, giá rẻ nằm ở 1.230-1.200. Diễn biến trên sàn tuần trước trong khoảng 1.255-1.250. Từ mức cao này, chỉ cần ‘nhấn ga’ nhẹ, là những hợp đồng trong vùng thấp đều phải bán chặn lỗ.
Cho nên, xem hướng giá, chấp nhận bán giảm lỗ từng phần khi giá kỳ hạn còn trên cao là những quyết định cần bàn bạc. Cũng không nên chuyển qua tháng sau vì bao lâu còn treo bán nhiều, bấy lâu giá sẽ khó bung lên cao.
Qua hai đợt bán chặn lỗ, thị trường có thể thấy rõ rằng lượng treo bán không phải ít. Đến nay vẫn còn!
Trong khi đó, giá kỳ hạn khó có hướng tăng cao vì hầu hết các tin sản lượng đều bị bóp cho nhỏ lại. Thị trường tài chính của nhà nhập khẩu trong tình trạng thiếu tiền mặt, thiếu thanh khoản. Cơ sở của lời nói này chính là các chương trình bơm vốn của EU và Mỹ hiện nay.
Kết luận
Hợp đồng kiểu ‘treo bán’ là không tránh khỏi. Chỉ nên treo bán khi giá kỳ hạn có hướng tăng bền vững. Không nên chuyển tháng mà phải can đảm cắt để làm nhẹ vị thế treo bán trên sàn giúp giá thông hơn.
NÊN XEM THÊM:
–Người làm cà phê tự tìm lối thoát
NGUYỄN QUANG BÌNH
0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh bất kỳ dưới hình thức nào.
Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…
Hits: 669
Chào chú Bình,
Cháu chưa hiểu ý này của chú: “Tuy nói rằng bán, thực ra hàng bán theo phương thức này nếu chưa chốt được thì vẫn ở vị thế mua (long position) mà người ta thường gọi là ‘long diffrential’. Tôi thường gọi nó là vị thế treo bán.”
Nếu ở đây chú đang nói đến nhà xuất khẩu thì phải là vị thế bán (short position/short differential) chứ nhỉ?
Chú có thể giải thích thêm một chút để rõ hơn về ý này được không?
Cảm ơn chú.
Đúng là short differential. Cám ơn bạn.