Niên vụ cà phê cũ vừa khép lại. Những người làm cà phê vẫn còn giật mình. Hẳn họ chưa hết băn khoăn và tự hỏi liệu mùa trước có đóng hết lại các lo toan về giá và thị trường cà phê? Cho đến những ngày cuối cùng của niên vụ trước, khó khăn còn đầy ắp. Niên vụ cà phê 2019/20 đã bắt đầu từ 1-10. Liệu khai trương có xua tan ‘xúi quẩy’ cũ để họ còn có thể sống vui với nghề cà phê?
Loanh quanh được mùa-mất mùa
Cứ mỗi khi vào mùa kinh doanh mới, hầu hết người kinh doanh thường đoán cà phê năm nay sai quả, còn nhà nông lại hay báo vườn nhà mình mất mùa. Cũng dễ hiểu, đó là do thói quen nghề nghiệp. Người hành nghề thu gom cần mua hàng nhiều và giá rẻ để bán, còn nông dân ngại nói được mùa e sợ bị ép giá. Nhớ đầu mùa năm ngoái (10-2018), hầu hết các nhà kinh doanh trong và ngoài nước đều cho rằng sản lượng cà phê Việt Nam nhiều hơn và chất lượng tốt hơn.
Qua suốt cả năm mười hai tháng, chưa nghe ai kiện tụng nhau về chất lượng. Nhưng các khẳng định được mùa nên cần xem lại. Ước báo mới nhất của Reuters dẫn nguồn từ Tổng cục Thống kê cho hay xuất khẩu cà phê Việt Nam trong niên vụ 2018/19 chỉ đạt chừng 1,7 triệu so với 2017/18 đến 1,8 triệu tấn, giảm 100.000 tấn.
Vườn cà phê co dần vì giá thấp (ảnh NQB)
Đến nay, nhiều đơn vị vẫn sử dụng con số thống kê diện tích cà phê rất to: người nói 650 người bảo 680 ngàn héc-ta. Đúng là nếu lấy các con số ấy nhân cho năng suất bình quân 3 tấn mỗi héc-ta thì sản lượng to thật! Nhưng lượng xuất khẩu giảm qua từng tháng liên tục, lẽ nào cứ phải tin cà phê được mùa? Số liệu thống kê xuất khẩu nhỏ là một lẽ, nếu đi thực tế vào các vùng trồng cà phê truyền thống mới thấy lý do vì sao cà phê Việt Nam từ nay về sản lượng không nhiều nếu giá cả không cải thiện.
Sầ riêng bảo đảm sinh kế nông dân cà phê hơn(Ảnh NQB)
Đứng trước một thị trường bấp bênh, giá ngày càng thấp, chắc chắc đã có một sự chuyển dịch cây trồng mạnh mẽ do nông dân tự tìm cách giải cứu sinh kế của mình. Khi cây hồ tiêu được giá, nhiều diện tích cà phê chịu hy sinh. Nhưng rồi cả hồ tiêu và cà phê rủ nhau rớt giá, rất nhiều nhà vườn không còn muốn quay lại khai thác kinh doanh thuần với cây cà phê nữa. (Giá hồ tiêu đen chuẩn hiện quanh mức 39 ngàn so với đỉnh 220 ngàn đồng mỗi ki-lô-gam). Thay vào đó, là cây sầu riêng, bơ (avocado), chanh dây và nhiều loại cây ăn quả khác như chuối, xoài và chôm chôm chẳng hạn.
Giá cà phê từ 50 triệu đồng mỗi tấn thì mùa vừa qua có lúc xuống chỉ còn trên dưới 30 triệu đồng. Biết là thị trường phải theo giá ‘thế giới’, nhưng giá cả thấp đã phá vỡ sự bền vững của sản lượng. Trước đây, khi sản xuất cà phê còn ‘có lời’, ‘cứ bao nhiêu tấn phân là bấy nhiêu sản lượng’, các nhà cung ứng phân bón thường nói thế. Nay chuyện khác đi nhiều.
Giá thấp, nông dân tiết kiệm chi phí, sử dụng phân xanh phân chuồng, vừa bảo đảm môi trường sống, vừa dưỡng cây cà phê sao cho qua khỏi cơn khủng hoảng giá hiện nay. ‘Càng chạy theo càng nợ ngân hàng và không khéo vỡ nợ chứ được ích gì!’, một chủ vườn trẻ tên Nguyễn Trình tại xã Ea Tân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk giải bày như một chọn lựa khôn ngoan khi quyết định đa dạng hóa nông sản và sản xuất cà phê bền vững.
Bám theo giá thế giới và chạy theo sản lượng giai đoạn này là nguy thật. Mất mùa, xuất khẩu giảm, giá trên các sàn kỳ hạn có tăng đâu mà trông chờ?
Câu chuyện thị trường
Chủ thương hiệu ‘Cội nguồn Cà phê Việt’, anh Hồ Trung nhắp nhắp vừa đủ trong miệng lượng cà phê robusta 100% không đường do chính anh pha và mời khách. ‘Tôi xin báo đây là cà phê chính hiệu đấy nhé, là sản phẩm signature vì nguyên liệu từ cây trồng, chế biến thô, rang xay…đều do chúng tôi làm ra tại đây cả đấy’, Trung hãnh diện khoe với khách.
Cà phê ‘chính hãng’ có khác, có mùi thơm rất dịu và tự nhiên, hậu vị thanh, uống đậm theo cách pha espresso không cần khuấy thêm đường vẫn phát hiện được cảm giác trên các dây thần kinh vị giác. Vậy mà hầu như bản tin nào về thị trường bằng tiếng Anh cũng đều chua vào ‘robusta là cà phê có vị đắng, chát và thường sử dụng để chế biến ra cà phê hòa tan’!
Từ ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là khi Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê có ‘số má’, như mùa qua bán ra 1,7 triệu tấn chiếm gần 20% thị phần thế giới. Thế mà cà phê robusta Việt Nam vẫn bị mang ‘đồng phục’ là ‘cà phê đắng’.
Hồ Trung vốn là Tổng giám đốc Công ty Cà phê Phước An, một doanh nghiệp từng là nông trường vừa xuất khẩu cà phê nguyên liệu lớn. Ngán ngẫm với ‘thời cuộc’ cà phê thế giới, nay anh càng say sưa với cà phê ‘chính hiệu’ sạch và ngon. ‘Giá cà phê hột nguyên liệu chế biến để cho ra ly cà phê như thế này, bây giờ 65 ngàn đồng một ki-lô-gam giao hàng cho đến tháng 2-2020 không có mà bán,’ Lê Đức Huy, một doanh nhân trẻ đi cùng nhóm tiết lộ.
Hầu hết các doanh nghiệp và nhà vườn cà phê nay nghe giá kỳ hạn là thấy ‘ớn lạnh’. Cảm giác ‘dị ứng’ ấy đâu có gì quá đáng!
Trong niên vụ qua, giá trên sàn kỳ hạn robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam hay sử dụng làm tham chiếu, giảm gần 17% giá trị tính trên cơ sở đóng cửa ngày 27-9-2019 là 1.321 đô la Mỹ/tấn. Còn nếu như tính lợi suất đầu tư từ 3 năm trở lại, giá trị mất ròng 35% (1).
Cứ tưởng tượng 3 năm kinh doanh, giá trị hàng hóa cà phê mất 35%! Vốn liếng đem ra mua bán từ đầu là 100 đồng, nay xóc túi chỉ còn 65 đồng. Chọn cách đi khác, một ‘ngách’ khác không đáng được mở rộng và được ủng hộ sao?
Nhìn về tương lai
‘Tương lai’ ở đây không có nghĩa như trong các bản tin giá cả nói về mua bán theo kỳ hạn trên sàn giao dịch phái sinh cà phê London, thường được dịch ‘futures market’ là ‘thị trường tương lai’.
Từ lâu, thất bát giá cả trên sàn kỳ hạn thường được đổ thừa cho được mùa, xuất khẩu tăng…Nhưng mấy năm nay, các biến động giá cà phê trên các sàn giao dịch thế giới bị cuốn theo dòng vốn của các quỹ đầu tư tài chính nhiều hơn tác động của cung-cầu. Vốn chảy vào đâu, ‘cần câu’ tới đó! Nên nếu chỉ dựa trên cán cân cung-cầu để phân tích hướng giá là không đủ.
Thương chiến Mỹ-Trung Quốc đã làm hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư co lại. Nay xuất hiện thêm chiến tranh tiền tệ, viễn cảnh suy thoái kinh tế trong thời gian tới đang được các nhà phân tích cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tình cảnh khó khăn ấy chắc còn theo đuổi giá cà phê, nhất là các sàn kỳ hạn, vì đó cũng là một nơi kinh doanh tài chính. Nhiều nhà đầu tư muốn gom vốn lại vì ngại rủi ro, huống chi các bà nội trợ, họ cũng phải dè xẻn chi tiêu dù thức uống cà phê đã trở thành nhu yếu phẩm của từng nhà tại các nước giàu có.
Nếu nhìn theo cách đơn giản này thôi, giá cà phê thế giới khó có đường tăng mạnh. Lấy giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta ngày 27-9-2019 là 1.321 đô la/tấn, cầu lấy lại những gì đã mất trong năm qua như các mức 1.580-1.600 đô la/tấn đã là giấc mơ xa vời.
Khai trương là mở ra. Ngọn gió lành cho kinh doanh niên vụ cà phê mới chắc sẽ đến cho nhà nào dám mở cửa ra hướng mới.
Nên cứ vững tin rằng người Việt chắc chắn sẽ uống được ly cà phê do nông dân mình làm ra, thơm ngon và ngọt ngào.
NGUYỄN QUANG BÌNH
đã đăng trên TBKTSG bản in ngày 3/10/19
Hits: 1006