Lạm phát, nói nôm na cho dễ hiểu là tiền in ra nhiều hơn hàng hóa, ai có lợi thế nhất và ai hưởng lợi? Giá xăng dầu trong nước tăng lên mức cao nhất tính từ hàng chục năm, giá phân bón tăng gấp ba, bốn lần, chi phí vận tải đường bộ và đường biển tăng chóng mặt, thế mà các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các hiệp hội ngành hàng im thin thít, chưa chỉ cho ra ai là người hưởng lợi nắm lợi thế nhất.
Rõ ràng các nhà máy sản xuất, chế biến, trong thời này, là “trung tâm quyền lực”, muốn hô giá bao nhiêu cũng được với nhiều lý do như giá mua vào nguyên liệu tăng, chi phí lao động và chi phí vận tải tăng…v.v…nên giá bán hàng nhà máy tăng.
Không thể nương vào giá các sàn hàng hóa thương phẩm để nói rằng giá thế giới tăng, giá nông sản tăng và ngược lại. Cách giải thích này của một số vị phụ trách kinh doanh ngành hàng chẳng qua là để khỏa lấp và lười đi thực tế.
Thiết nghĩ cần tìm hiểu chi phí sản xuất của nhà nông để công bố minh bạch cho thị trường liên quan, cho khách hàng trong và ngoài nước để bảo đảm nhà nông làm hột lúa, cà phê.. không thể làm công không cho thị trường, làm “nhà bếp cho thế giới” mà cứ móc tiền túi ra nấu cho thiên hạ ăn và chịu lỗ thì có gì là vinh dự!
Người mua nông sản về chế biến cứ ki bo hưởng lợi một mình, còn khổ sở để nhà nông chịu…thì thật là quá đáng. Nông dân nước người ta quản lý hàng (chục) ngàn héc-ta…nông dân nước mình mỗi người chỉ vài công đất…thì tư cách đâu mà minh bạch chi phí sản xuất?
Nhiều hiệp hội nông sản đang rất xa rời nông dân, không quan tâm đến sinh kế của nhà vườn mà chỉ giao cho các cơ quan “phi chính phủ” hỗ trợ với các chương trình sản xuất bền vững, sản xuất nông sản sạch…và chỉ đứng lên bục hô hào thì biết khi nào nông dân mới cầm được lợi thế hô giá trong tay để bảo vệ sinh kế của mình?
==
NGUYỄN QUANG BÌNH
0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.
Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…
Hits: 222