13/02/2022 “Không mợ, chợ cũng đông”.

Tàu thủy trên sông Sài Gòn - Ảnh NQB

Nhu cầu mua hàng luôn luôn hiện hữu miễn là người mua tìm được đầu ra. Biện pháp ngăn Covid-19 với chủ trương “zero Covid” và phong tỏa đã tạo ra nhiều hệ lụy đáng trách. Chính cách giải quyết cực đoan trong phòng ngừa chống Covid-19 này là tên tội đồ gây nên khủng hoảng thiếu container, thiếu nhân lực  nhân công tại các cảng và kho bãi, thiếu tài xế và xe tải…để các nhà máy chế biến phải đóng cửa và kể cả hàng hóa ùn ứ tại các cảng, các siêu thị và công ty phân phối không có người giao hàng.

Người trên thị trường cà phê vỡ òa khi phá được “ụ cản” do khủng hoảng logistics tạo nên, đã trao cơ hội vàng cho các hãng tàu container tăng giá cước, hàng hóa tiếp tục ùn tắc và châm thêm lửa cho lạm phát. Nhiều hãng kinh doanh cà phê, kể cả các kho thuộc sàn London đã xóa bỏ các định kiến về đóng gói bao bì (packing), chấp nhận bao “big bag” chứa 1 tấn/bao thay vì bao đay 60 kg/bao để đưa hàng đi trên các chuyến tàu rời (break bulk).

Nhìn qua tưởng vấn đề là đơn giản! Nhưng cú đột phá cho hàng quay lại với tàu rời (trước đây khi tàu container còn hiếm và thiếu) là một khởi động khơi thông lại mạch thị trường cứ tưởng như bị đông cục vì chính sách khắc khe của các biện pháp giãn cách xã hội. Cũng cần nói thêm rằng biện pháp giãn cách, phong tỏa là chẳng đặng đừng khi chưa có vắc-xin và tỷ lệ tiêm ngừa còn thấp. Một khi cộng đồng có tỷ lệ người được tiêm vắc-xin khá đủ, thì theo đuổi chính sách phong tỏa chỉ là tự hủy diệt hệ thống phân phối vốn rất quan trọng đối với một nền kinh tế và bản thân nền kinh tế của một địa phương và quốc gia.

Chính vì vậy, ta có thể thấy nếu một nước nhập khẩu hàng hóa nào đó, dù lớn hay nhỏ, áp dụng biện pháp giãn cách chặt vì chủ trương “zero-Covid”, thì không chỉ gây khó khăn cho dân tại vùng họ quản lý mà được xem như một cách vin vào dịch Covid-19 để phong tỏa hàng hóa của nước khác, một loại “hàng rào kỹ thuật” khôn khéo.

Bài học sản xuất và lưu thông phân phối được làm mới lại qua kinh nghiệm phản ứng với đại dịch của từng nước, từng địa phương.

Với ngành cà phê, qua những chuyến hàng đi khỏi lãnh thổ bằng tàu rời, dù lượng ít hay nhiều, đã giúp giá cà phê trong nước thăng hoa phần nào vì nếu như cà phê làm ra không xuất đi được do thiếu người mua. Giá cà phê nguyên liệu trong nước đã tăng lên khỏi mức đỉnh cũ 42 triệu đồng/tấn để lên tiệm cận 43 triệu đồng/tấn trong tuần trước dù giá sàn phái sinh vẫn còn 100 Usd mới đạt đến đỉnh cũ.

Sử dụng tàu rời để chở cà phê qua Châu Âu không chỉ khơi thông được dòng chảy hàng hóa của thị trường mà còn giúp giá cả trên thị trường nội địa tăng/giảm nhịp nhàng nhờ tồn kho được giải phóng.

==

NGUYỄN QUANG BÌNH

0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.

Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…

Hits: 374