(1-10-2018) Bức tranh thị trường đầu niên vụ 2018-2019

Giá kỳ hạn cà phê tuần cuối cùng của niên vụ cũ tăng khá mạnh. Qua một tuần giao dịch tính đến 28/09, sàn robusta tăng 65 Usd từ 1489 lên 1554 Usd/tấn, sàn arabica tăng 2.55 cts/lb tức 56 Usd/tấn từ 99.90 lên 102.45 cts/lb.

Đối với các nhà kinh doanh cà phê, phiên giao dịch ngày 28/09 là phiên cuối vụ, nhưng đối với các nhà đầu tư trên các thị trường tài chính đấy cũng là phiên cuối tuần, cuối tháng và cuối quý 3 năm 2018.

Đợt chỉnh tăng mạnh trong ngày cuối được cho là một phiên điều tiết và chỉnh vốn giữa các sàn với nhau. Hai sàn cà phê mất nhiều thì được điều chỉnh tăng để cân đối với mặt bằng giá hàng hoá nói chung. Với sàn arabica New York, đấy là phiên có giá đóng cửa tăng sau 3 ngày liên tiếp và London có một chuỗi tăng suốt cả tuần giao dịch với 5 phiên liên tiếp. Đợt tăng giá trên hai sàn kỳ hạn là một bắt đầu cho một đợt tăng từ đầu vụ hay một dấu chấm hết cho đợt tăng chỉnh giá của các quỹ đầu tư khi thị trường chuyển qua quý 4 năm 2018?

Thị trường cà phê hiện nay rất phụ thuộc vào lượng dư bán của các quỹ đầu tư trên 2 sàn kỳ hạn. Nếu họ vẫn tiếp tục nhồi lượng dư bán lên, hướng giá giảm vẫn khó thoát nhất là khi lượng bán xuất khẩu của hai nước lớn nhất Brazil (arabica + robusta) và Việt Nam (robusta) đang còn nằm phía trước.

Số liệu tồn kho cà phê tại các vùng tiêu thụ có được đến cuối tháng 09/2018 vẫn ở mức cao với gần 1,28 triệu tấn. Lượng cà phê đạt chuẩn (certified) trên sàn arabica vẫn tăng đều và mạnh chứng tỏ các nước xuất khẩu arabica như Brazil và Colombia đang không ngừng đưa hàng qua sàn kỳ hạn để tìm cơ hội. Trong khi đó, sàn kỳ hạn London đang ở mức thấp, chỉ 88.740 tấn (xem hình 2) . Hàng robusta đạt chuẩn Việt Nam không đến sàn được do giá trong nước cao. Liệu sẽ có bất ngờ không khi hàng robusta Brazil được đưa đến tham giá trên sàn? Khi hàng robusta Brazil được đưa qua sàn, thì đó là dấu hiệu cho thấy Brazil chịu bán giá rẻ và muốn chia thị phần với robusta Việt Nam.

NGUYỄN QUANG BÌNH, trích từ NCIF

Hits: 172