07/10/2023 Giá kỳ hạn mặt hàng ‘vàng nâu’ sẽ đi đến đâu?

(KTSG) – Mới đây, giá cà phê nguyên liệu trong nước bỗng giật lên 73 triệu đồng/tấn đối với vài hợp đồng nhỏ do một vài nhà kinh doanh xuất khẩu thiếu hàng cần giao. Đây là cú “dợm thử” cho những đợt giá tăng tiếp sau hay không? Những yếu tố nào sẽ làm ảnh hưởng đến hướng giá cà phê từ nay đến cuối năm và trong hai năm tiếp theo?

Dù không phải là đại trà, con số 73 triệu đồng/tấn giá cà phê nguyên liệu được xem là kỷ lục của mọi kỷ lục từ khi hạt cà phê Việt Nam bước ra thị trường thế giới. Thị trường thương phẩm cà phê gồm hai sàn giao dịch kỳ hạn arabica New York và robusta London sẽ như thế nào nếu nhìn từ nội tại của hai sàn, cộng với các chính sách tiền tệ của các nước sẽ đưa giá kỳ hạn mặt hàng “vàng nâu” đi đâu?

3 dự báo, 3 kết quả

Hiện nay, trên thị trường có ba luồng dự báo về cung cầu hoàn toàn khác nhau.

Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) trong Báo cáo định kỳ mới nhất vào tháng 8-2023 cho rằng, tổng sản lượng toàn cầu niên vụ 2022-2023 đạt 171,3 triệu bao (bao = 60 ki lô gam) nhưng nhu cầu tiêu thụ lên đến 178,5 triệu bao. Vậy là, bước vào niên vụ mới 2023-2024 thế giới thiếu 7,2 triệu bao.

Ngân hàng nông nghiệp Hà Lan Rabobank thì đoán cung cầu cà phê niên vụ mới cân bằng với 172,6 triệu bao. Còn Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong báo cáo thị trường tháng 6-2023 lại cho rằng trong năm kinh doanh mới bắt đầu từ 1-10-2023, tổng sản lượng thế giới ước đạt 174,34 triệu nhưng nhu cầu chỉ 170,23 triệu, dư 4,11 triệu bao. Điều đáng ghi nhận nhất trong niên vụ qua là thị phần cà phê robusta tăng lên trên 40% và là năm thứ hai liên tiếp người tiêu thụ nâng dần lượng sử dụng cà phê robusta, loại cà phê mà Việt Nam có lượng sản xuất và xuất khẩu số 1 thế giới.

Có thể thấy rất rõ rằng ước đoán về sản lượng chung hầu như ngang nhau với bình quân cho niên vụ 2023-2024 là 172 triệu bao. Còn thừa hay thiếu, xuất phát từ góc nhìn từ phía tiêu thụ, ít nhiều mang tính chủ quan và võ đoán.

Nghi ngờ là có lý vì con số dự đoán về tiêu thụ cà phê toàn cầu có vẻ hơi quá. Vì sao? Nói tiêu thụ tăng nhưng sao xuất khẩu cà phê lại giảm? ICO cho biết trong tám tháng đầu năm 2023, xuất khẩu toàn cầu đạt 103,74 triệu bao giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2022. Ngay hàng từ Việt Nam đi trong giai đoạn này, Tổng cục Hải quan cũng ước chỉ được chừng 1,21 triệu tấn, giảm 5,4%. Riêng xuất khẩu cà phê sang các vùng tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới của Việt Nam cũng giảm như qua EU trong tám tháng giảm 10,7% và sang Mỹ trong tháng 8-2023 giảm 58,9%, số liệu của Tạp chí Công Thương chỉ ra vậy.

Hay là nên nói như thế này: nguồn cung tương đối đủ nhưng đường ra thị trường của hạt cà phê không mấy rộng.

Lạm phát cao tại nhiều quốc gia trong toàn niên vụ vừa qua đã khiến người dân thắt lưng buộc bụng, nguồn tiền “dễ” đã không còn từ nhiều tháng qua do các ngân hàng trung ương tăng lãi suất và thắt chặt tín dụng, giới kinh doanh cà phê thận trọng hơn, chọn cách giảm nhanh tồn kho vì lãi suất ngân hàng cao hơn là mua vào để trữ làm hàng gối đầu cho các thương vụ suốt năm như tại các niên vụ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Nhờ đó, thị phần cà phê robusta tăng trưởng suốt hai năm liền (xem đồ thị). Khi một mặt hàng nào đó đắt đỏ, giới kinh doanh sẽ chọn một thứ khác rẻ hơn, ít dụng vốn mà vẫn có khả năng thay thế tốt nhất. Cũng chính vì thế mà nhờ sức mua, giá robusta trên sàn kỳ hạn được nâng vị thế trong khi giá arabica cứ trầy trật khi được khi mất. Mức chênh lệch giá arabica vừa qua thường cao hơn robusta trong khoảng từ 900-1.200 đô la Mỹ/tấn. Trong thời “gạo châu củi quế”, ngàn đô la là số tiền cần được cân nhắc, không phải vậy sao?

Thị phần hai loại cà phê arabica và robusta giai đoạn từ 1-10 đến 31-7 qua các năm

Cán cân cung cầu và thị phần hai loại cà phê. Nguồn: ICO

Giá trên hai sàn cà phê trong cả niên vụ thường đi ngược chiều nhau. Tính từ 52 tuần đến ngày 21-9-2023, tức sáu ngày giao dịch trước khi niên vụ 2022-2023 kết thúc, giá kỳ hạn London cơ sở giao dịch tháng 1-2024 tăng 11,85%, tương đương với tăng 252 đô la (2.650/2.378 đô la/tấn) và New York kỳ hạn tháng 3-2024 giảm 22,77% mất 46 cts/lb hay 1.014 đô la/tấn (202.05-156.05 cts/lb).

Nói vậy để thấy cần thận trọng hơn khi tiếp nhận thông tin (từ bất kỳ nguồn nào) cho rằng thị trường hụt cung, “thế giới đang thiếu cà phê!”.

Các chỉ báo ảnh hưởng đến giá kỳ hạn

Vị thế kinh doanh của các quỹ đầu tư tài chính. Trên các sàn kỳ hạn, chỉ báo “vị thế kinh doanh” (Commitment of Traders – COT) đóng một vai trò khá quan trọng vì chính nó định vị thị trường tương lai và giúp giới kinh doanh nhắm trước “độ giãn của hướng giá cho một thời gian dài hạn”.

Báo cáo COT hàng tuần ghi nhận hiện trạng mua bán rất chi tiết trên các sàn kỳ hạn của các nhà đầu tư lớn nhỏ trong một giai đoạn nhất định. Có ít nhất trên 90% lượng hợp đồng mua bán trên sàn kỳ hạn mỗi ngày được cho là vì mục đích kinh doanh tiền tệ chứ không phải là hàng thực. Nên theo dõi vị thế mua hay bán của các nguồn quỹ quản lý vốn (Money Managements – MM) giúp “đánh hơi” được luồng vốn sẽ đi đâu.

Tính đến ngày khóa sổ mới nhất (12-9-2023), lượng hợp đồng mua/bán ròng của các quỹ quản lý vốn (MM) là khá khiêm nhường.

Có thể đoán được rằng các nguồn quỹ chưa mặn mà đủ để chuyển vốn vào hai sàn cà phê nhằm kích mua bán nâng cao vị thế. Sự bấp bênh về thị trường vốn và tiền tệ khiến các nhóm MM này chừng mực, vị thế kinh doanh của cả hai sàn nằm tại mức trung tính.

Xem xét COT trong bài này với tư cách là “chỉ báo độ giãn” nên giả sử trên sàn kỳ hạn robusta, các quỹ đầu tư tài chính còn khả năng mua thêm, ắt giá sẽ tăng, điều này cũng giống bên sàn arabica nhưng theo chiều ngược lại, càng bán thêm giá kỳ hạn càng giảm.

Tỷ giá các đồng nội tệ VND Việt Nam và BRL Brazil. Ở bất kỳ thời điểm nào, tỷ giá đồng nội tệ so với đồng đô la Mỹ (USD) của hai nước sản xuất lớn nhất thế giới đều được cho là một chỉ báo quan trọng. Nếu như VND và BRL mạnh hơn USD, thì giá kỳ hạn thường theo xu hướng tăng. Ngược lại nếu VND và BRL mất giá, khả năng giá xuống nhiều hơn vì áp lực bán từ hai nước này mạnh hơn do nhà vườn bán cà phê ra để thu tiền nội tệ (VND và BRL) nhiều hơn.

Thử đoán giá kỳ hạn cà phê từ 2023 đến 2025

Phải nhìn nhận rằng sự can thiệp của ngân hàng trung ương các nước tiêu thụ và sản xuất cà phê lên chính sách tiền tệ có tác động rất lớn, qua mặt cả yếu tố cung cầu, vốn được cho là quân bình cho hai năm 2023 và 2024.

Thị trường cà phê chịu ảnh hưởng rất lớn từ giá trị đồng USD cả trên hai sàn kỳ hạn lẫn trong giao dịch nội địa hai nước chủ đạo là Việt Nam và Brazil. Dù Fed ngưng tăng lãi suất điều hành trong tháng 9-2023 nhưng thị trường vẫn còn bị “đe nẹt” bởi các chính sách tiền tệ cứng rắn thì lãi suất đến hết năm 2024 chưa chắc sẽ giảm xuống dưới 5%.

Chính vì vậy, trong thời gian từ nay đến hết 2023 và kéo dài đến 2024, giới kinh doanh cà phê nếu như cố cầm cự để giữ vị thế kinh doanh ở mức trung tính như hiện nay (đương nhiên thực tế mua bán trên thị trường sẽ có lúc tăng lúc giảm), giá cà phê arabica có khả năng tăng nhẹ từ nay đến cuối năm 2023 và tăng thêm chút nữa vào năm 2024. Giá robusta sẽ không được tốt như arabica do các quỹ đầu tư đang giữ vị thế mua ròng nhưng nhờ nền giá hàng hóa thương phẩm nói chung mà vẫn được nâng lên.

Thị trường sẽ hiếm hàng hơn và mua bán cà phê vẫn bị hạn chế do chính sách thắt chặt tín dụng và lãi suất cao, vả lại giá trị hàng hóa lớn làm cho công tác thu mua rời rạc, cầm chừng. Đó là chưa tính đến rủi ro khi vì một lý do bất ngờ nào đó, các nước đua nhau hạ lãi suất để tránh suy thoái kinh tế.

Về tỷ giá, giá trị đồng Reais có thể tăng ngược lại và mức 4,60 BRL đổi 1 USD được xem như là tích cực cho sàn arabica và nếu như 1 USD đổi 25.000 VND thì đó là dấu hiệu tiêu cực cho sàn robusta. Nhưng lưu ý không nhất thiết giá kỳ hạn giảm thì giá nội địa xuống do phụ thuộc vào tỷ giá so với USD.

Dự kiến sẽ có ba kịch bản giá cà phê trong giai đoạn 2023-2025

Thứ nhất, giá sàn kỳ hạn arabica có thể được nâng dần lên 170-180 cts/lb đến cuối 2023 so với giá hiện nay 156 cts/lb (kỳ hạn tháng 3-2024 tương đương với 3.440 đô la/tấn) miễn là sàn arabica không mất mốc 140 cts/lb, là vùng khỏi tăng từ giữa năm 2021. Giá robusta có đường đi khó nhọc hơn arabica nhưng cũng có cơ hội nhớm lên lại 2.580-2.650 so với hiện nay 2.378 đô la/tấn (kỳ hạn 1-2024) nếu như không để mất vùng 2.200.

Thứ hai, do tình trạng cung ứng cà phê ra thị trường hạn chế vì nguồn tín dụng và lãi suất, cho cả bên bán lẫn bên mua, giá cả hai sàn cà phê năm 2024 có thể được nâng nhẹ thêm đôi chút. Vả lại năm sau, Brazil vào chu kỳ mất mùa và có thống đốc ngân hàng mới, nên từ cuối năm 2024, có thể có cú sốc do giới đầu tư muốn “xóa bài, chơi lại” cho năm 2025 khởi tiến. Bấy giờ sàn arabica có thể tìm lại đỉnh cũ trên 250 cts/lb và robusta nhận được tương tác tốt từ sàn arabica để bung lên trên 2.800 đô la/tấn.

Thứ ba, một kịch bản xấu cần được tính tới khi arabica mất 140 cts/lb thì có thể về viếng vùng 90-100 cts/lb và robusta, nếu mất vùng 2.200 sẽ quay lại vùng 2,000 đô la/tấn.

Mọi dự đoán hiện nay đều khó khăn nhưng dựa trên những dữ liệu kinh tế và kỹ thuật từ các sàn cà phê kỳ hạn, hy vọng góp thêm chút “thực phẩm” cho quyết định kinh doanh đường dài.

NGUYỄN QUANG BÌNH, đã đăng trên TC KTSG bản in số 39-2023

Hits: 691