Nếu chỉ dựa trên yếu tố cung-cầu trong một ngành hàng kinh doanh trên các sàn giao dịch hàng hóa thương phẩm là chưa đủ mà cần có cái nhìn rộng hơn.
Trước đây, yếu tố tiền tệ (đồng Usd và Brl) là rất quan trọng đối với giá cà phê giao dịch hàng ngày trên 2 sàn. Tuy nhiên, mới đây, nhờ lượng tiền cung ứng nhiều, các nhà đầu tư có thể dùng đồng vốn của mình để mua chỗ này bán chỗ kia hay chia vốn để mua bán nhiều nhóm hàng để tránh rủi ro. Vì sao? Nếu sàn này rớt giá, có sàn khác tăng giá để bù trừ. Chính vì thế, giá cả cà phê phái sinh thường được cho là “khó lường” có lẽ một phần xuất phát từ đó.
Giá cà phê xuất khẩu hiện nay đang ở mức chênh lệch âm thấp nhất lịch sử, nhưng có lẽ do cước tàu quá cao. Nếu chi phí cước tàu container là 400 Usd/tấn, thì giá thực của hạt cà phê bán tại Việt Nam ngang bằng với giá tại sàn London, nếu nói một cách sơ sài cho dễ hiểu.
Thói quen của người bán cho đến hiện nay vẫn thường được “cân chỉnh” theo giá phái sinh. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, khi cước tàu quá cao, thì không thể đòi hỏi gì hơn. Nhưng đó chính là cơ hội để cho các nước sản xuất tách dần khỏi ảnh hưởng của các sàn giao dịch phái sinh (thường nặng yếu tố kinh doanh tài chính và đầu cơ nhiều hơn).
Chính vì vậy, ai có điều kiện và cơ hội tách khỏi ảnh hưởng của sàn phái sinh sớm, sẽ có cơ may sống lâu với nghề cà phê nhiều hơn. Ai theo đuổi giá phái sinh, thì có thể gặp may nhưng lành ít dữ nhiều.
Nếu cứ tình thế này, giá chênh lệch giữa cảng đi và cảng đến quá xa, tưởng là một mối nguy nhưng trong nguy có cơ, “cơ” ở đây như đã trình bày phía trên.
Theo đà tăng tiệm tiến của thị trường nội địa, có thể tin rằng giá trong tháng cuối năm có lúc sẽ lên 43,5 triệu đồng/tấn nhưng ít có khả năng tăng cao hơn vì giá sàn London càng tăng, người mua càng kéo giãn giá chênh lệch ra xa, giả sử hiện nay là trừ 400 Usd/tấn thì sẽ có trừ 450 Usd/tấn.
==
NGUYỄN QUANG BÌNH
0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.
Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…
Hits: 833