03/2/2024 Thương sao hai tiếng ‘đồng bào’

(KTSG) – Gió đầu mùa khô rít vào các khe tường bệt bằng cây nứa đập giập, gió luồn từ dưới sàn nhà, cũng được lót bằng một lớp nứa dày hơn, nhưng không làm sao mà chắn hết khí lạnh len lỏi vào từ khoảng trống dưới căn nhà sàn của mấy gia đình cùng huyết thống người dân tộc Mạ chia chỗ chung.

Một ngôi nhà dài truyền thống phục dựng của người Mạ ở Lâm Đồng. Ảnh: TTXVN

Nói là chung một mái nhà, nhưng vợ chồng con cái K’ Banh có cửa ra vào riêng, mỗi gia đình nhỏ đều có bếp của mình. Đối với đồng bào Mạ, nhà dài bao nhiêu tùy, nhưng chỉ cần lưu ý cửa chính trổ mấy cái thì biết ngay ở đó có bao nhiêu gia đình nhỏ.

Bất ngờ là trước mấy ngày Tết Nguyên đán, anh em cùng mẹ cha trong cái “đại nóc gia” gồm ba gia đình ấy ngồi quanh, cũng gói bánh tét bánh ú, cũng chuẩn bị vui lễ năm mới, “có nhiêu vui nhiêu” chứ không được đình đám như các gia đình người Kinh sinh sống gần làng.

“Xưa kia, lúc còn ông bà tôi, nhà cửa thưa thớt lắm, có khi cả một ngọn đồi chỉ một hoặc hai căn nhỏ hơn nhà này. Nay ở tập trung nên bà con gần gũi nhau hơn, và đời sống cũng thay đổi nhiều”, K’ Banh nói như muốn nhớ lại một thời xa xăm nào đó, Banh hình như vẫn còn chút ngậm ngùi với cái dĩ vãng một đời riêng tư, nhất là giữa khung cảnh núi rừng chập chùng hoang vắng thì người ngoài càng có cảm giác cô quạnh.

Nói là riêng tư nhưng không nên hiểu theo kiểu “duy cá nhân”, chuyện của ai người ấy biết. Đối với đồng bào Mạ, tinh thần cộng đồng tương thân tương ái trong bon (buôn, bản làng) đến nay vẫn chưa hề suy suyển dù ngoài kia nhiều người đang mê đắm trong cơn lốc hưởng thụ văn minh cá thể mà chiếc điện thoại thông minh đang tạo cho con người ta, nhất là lớp trẻ xa dần với giao tiếp xã hội và quên cộng đồng. Mỗi khi trong bon có ai dựng nhà, cưới gả, ma chay, hội làng… đều có sự chung tay của từng người, không thiếu mặt ai. Khi chúng tôi đến, thì anh Banh cũng vừa mới từ trạm xá xã về. Một bạn người Kinh gần đó vô ý để mảnh kính vỡ của cửa sổ nhà xé đứt cả bắp tay máu chảy dầm dề. Không cần phân biệt đó là ai, Banh và anh em người Mạ đều chạy đến quan tâm cứu giúp như đồng bào trong bon.

“Trước đây, lâu lắm rồi, người Mạ mình thường cúng thần lúa hàng năm, mình gọi là cúng “Yang Koi”, cũng vui chơi múa hát như Tết người Kinh. Cúng Yang Koi, bà con mình thường chuẩn bị cơm lam bằng lúa rẫy hạt to và thơm ngậy, các món ăn ngon như lá nhiếp, đọt mây nhét trộn thịt chung vào ống tre, ngồi quanh ché rượu cần trong tiếng nhạc trầm hùng của cồng chiêng, nhộn nhịp vô kể…”. Tay của K’ Banh vừa xây bánh nếp, nhưng ký ức một thời gợi về trên đôi mắt như muốn nhớ lại “món ngon mẹ nấu”, cổ người đàn ông trạc 55-60 tuổi bắt đầu nhồn nhột cử động như còn thòm thèm mỗi lần có ai đó nhắc các món ăn đến bây giờ đôi khi cả năm chưa tìm ra được.

Cuộc sống định canh định cư mang lại cho K’ Banh nhiều tiện nghi hơn, bon làng nay nhà nào cũng sáng điện, con cái cháu chắt đều được tạo cơ hội học hành, nhưng lứa đồng tuổi anh vẫn như còn cảm giác “ngứa ngáy” với công việc nương rẫy, lội rừng, một thời mà rày đây mai đó, vẫn còn luyến tiếc tiếng vọng của một thời sống giữa đại ngàn. Anh cho rằng rừng là chốn linh thiêng, Thần rừng cho đồng bào cơm ăn áo mặc nên chẳng cớ gì mà phá rừng. Thời còn du canh du cư phát rừng làm rẫy, không phải chỗ nào người đồng bào cũng đốt để làm rẫy được.

Nói rày đây mai đó, nhưng đậu nơi này chừng mươi năm, khi đất cằn cỗi hết cho cái ăn, hay có khi dịch bệnh hoành hành, dân làng phải dời đi nơi khác, cứ xoay vòng chừng ba bốn đời con cháu kể cũng đến vài chục năm, lại quay về chốn cũ để cũng chỉ phát rẫy làm nương. Suy đi nghĩ lại, có khi làm vậy mà rất hợp với tự nhiên, đất cũng cần có thời gian ngơi nghỉ để rồi sinh khoai sắn, lúa gạo… nuôi người trong bon no cái bụng.

Tết này vui! Chúng tôi tránh gọi K’ Banh là người “thiểu số”, người “dân tộc” và càng tối kỵ khi nhắc đến người “thượng” hay tệ hơn là người “mọi” như thời Pháp thuộc xưa. K’ Banh bằng lòng lắm vì anh em trong xã huyện không còn đối xử đồng bào khác như một “đối tượng công dân” không thuộc bộ tộc mình, nghe sao xa lạ và dễ tự ái quá.

Mấy đứa cháu của K’ Banh trong tầm tuổi lớp hai lớp ba đã bắt đầu không chịu ngồi yên. Chúng chờ nồi bánh được bắc lên bếp, lửa mới nhóm nổ lốp bốp càng làm chúng nóng lòng. Đời K’ Banh không được học cái chữ như chúng. Nay con cháu đã biết đọc biết viết, mạnh dạn giao tiếp với người ngoài bon, K’Banh cảm thấy an lòng và tin chắc chắn càng về sau với đám trẻ thông minh “con hơn cha” ấy, chúng được sống trọn trong tình nghĩa đồng bào ruột thịt, thân thiện và chan hòa, lòng K’ Banh rung lên như hoa phong lan rừng gặp gió.

NGUYỄN QUANG BÌNH

bài đã đăng trên TC KTSG số 4-2024

Hits: 267