Nhắc lại chuyện cũ, tôi chẳng khoái mấy. Vì, sống với dĩ vãng nhiều, nếu rôm rả, dễ đưa con người ta tới tự mãn; nếu dở hơi, hay kéo sang uẩn chí.
Xóm cũ tôi, thường thôi, nằm cách cột cờ Phú Văn Lâu kinh đô Huế chẳng bao xa. An Lăng, bấy giờ, nó vẫn chỉ được xem là ngoại ô của đất thần kinh mơ màng.
Đó là một nhúm dân cư nhiều thành phần, hầu hết là dân lao động. Tôi còn nhớ…vợ chồng bác Bất, thợ chuyên làm nhà. Ngày xưa, làm nhà không như bây giờ có thầu có thợ bản vẽ bản vung. Ai muốn dựng nhà, chỉ cần “hú” cho bác Bất một tiếng, chỉ trong một tuần tới mươi ngày là có nhà ở, từ tranh lợp tới vách đất trộn rơm pha với ít cứt trâu.
Chú Báu, kéo xe vận tải. Vận tải thời ấy rất thân thiện với môi trường. Vận tải là một cỗ xe kéo, dùng sức người kéo phía trước chứ không dùng xăng dầu ngạo mạn xịt khí thải ô nhiễm như thời nay.
Cậu Thành, sửa xe ô tô và cơ giới. Ông Đàng, thợ may áo dài nức tiếng cả vùng nam sông Hương, Huế. Vợ chồng anh Sáng chị Nữ, may đồ gia dụng…
Bấy giờ, trong xóm có một anh đậu được cái bằng tú tài đôi, gia đình mổ bò ăn mừng, mời cả làng cả xóm đến chung vui…hết biết.
Xóm cũ, tôi có cảm giác ngày nào cũng mới. Thi thoảng, bác Bất quá chén do nghiệp “thầu”, có chiều bác hơi to tiếng một chút, song chuyện rồi cũng đâu vào đấy.
Anh Sáng, thỉnh thoảng đi làm xa nghe đâu tận Đà nẵng về ngày hôm trước, hôm sau chị Nữ miệng cười trông khỏe. Bác Bất, chú Báu, họ đều có khá nhiều con, mỗi người năm bảy đứa. Đặc biệt, các chị con gái của hai người này, ai nấy đều xinh, ai nấy đều tươi. Nhiều chị có chồng khá “oách”, chắc nhờ các chị đều có sắc. Nghe nói ba mạ các chị sống vô tư hồn nhiên, không nghĩ ngợi nên đẻ mấy chị ra ai cũng đẹp, chảu lảy cả. Chồng các chị hầu hết nghe nói đi làm đâu ở Hội An, Quy Nhơn, và có người còn xa hơn nữa. Mỗi lần, chồng của một chị từ xa về, là họ cứ rủ nhau lúm xúm cười tủm tỉm sau chợ sáng về. Có lúc có chị tươi đến nổi bật miệng lên hát mấy đoạn nhạc vui như “Xuân đã về, này đàn én…” nghe đã phết.
Trong xóm, chẳng ai “ghè” ai. Thỉnh thoảng, bụi tre sau nhà mất một mụt măng, chủ lùm tre hô hoán lên kêu cả xóm cùng ra “mục sở thị”, nhưng sau đó vài giờ, căng thẳng đều tan biến. Ngoài ra, ở chỏm đầu xóm, có một tiệm sửa xe đạp, là nơi tập trung của giới mày râu lớn bé. Cứ một lần có người đem xe tới sửa, cả trăm lời khen chê tốt xấu quanh cái may-ơ, cái niềng xe…đủ hết giờ.
Cứ như thế, mọi người hòa đồng vui vẻ. Chuyện nhà này chưa kể, nhà kia đã biết. Trong xóm, chỉ có mỗi một gia đình chú Vĩnh được xem là nhà “trí thức”. Chú làm ở bưu điện trung tâm, nghe đâu ngồi bàn giấy, bấy giờ vậy là oách lắm. Chú có một chiếc “mô-bi-lếch” (mobilette), giọng nổ rất êm. Chú lại có bà vợ lớn hơn chú nghe đâu cả chừng một giáp. Hai người hay cãi nhau có khi chén bát rơi cả xóm đều nghe. Nhưng vì đó là nhà “trí thức” cao nhất xóm, không ai dám đến gần hay vào can khi có chuyện. Chỉ trừ có một bữa, thím ghen dữ dội, khóc la như bị thọc huyết, vài người bạo gan mới xông vào can. Bữa đó xong, phải mấy ngày sau cả xóm mới hoàn hồn. Của đáng tội, chẳng phải chuyện gì, do thím mắc bệnh ghen, chắc vì chú trẻ hơn, lại làm thơ ký kiểng bưu điện, thím sợ chú ra đường bà khác cuỗm.
Thỉnh thoảng, tôi may mắn được gửi vào Sài Gòn chơi. Nhà cậu tôi ngay cạnh nhà của một giảng sư đại học khoa học thời ấy, thầy nổi tiếng lắm, bây giờ các ông bạn già tôi vẫn còn nhắc tên thầy với lòng kính trọng. Nhà thầy lầu cao, ít khi mở cửa, có xe ô-tô và vợ thầy rất “nhon” (mignonne). Tôi ở nhà cậu chừng hai tuần nhưng vợ chồng vị giảng sư này cãi nhau lia chia. Cũng lại do ghen, thiệt hết biết! Có khi trông thầy thê thảm, mặt giận tím vì cô quá “à la mốt” (à la mode).
Rồi sau này, tôi vô ở thẳng Sài Gòn. Cũng có dịp đến ở chơi tại vài khu biệt thự sang trọng. Hầu như, nhà ai nấy biết. Nhiều khi, giật mình thấy một mệnh phụ tươm tất, sáng ra cửa miệng lầm bầm như có điều gì chưa thỏa.
Tôi thấy, ở các khu ấy, có nhiều người giàu có hết biết, học hành hết bằng hết bến, nhưng hình như nhiều người không mấy hạnh phúc với cái mình có, tôi tin họ đang lo điều gì cho dương thế. Chắc họ chưa tìm ra điều cao siêu? Hay họ đang loay hoay tìm một triết lý sống cho khoảng trời riêng…?
Nghĩ mông lung về hàng xóm, tôi thỉnh thoảng giật mình vì quên rờ chóp mũi mình xem nó còn nhọn chăng, quên vuốt mấy sợi lông mày xem nay dài hay ngắn. Chuyện gần thế, không muốn biết. Nhưng chuyện đâu đâu bên Tây bên Tàu, thậm chí chuyện đá két trên cung trăng đều được bàn tán rất bảnh, rất mạch lạc. Cứ no thỏa chuyện trên trời dưới đất, vẫn thấy mình như thiếu một thứ gì đó… không giải thích nổi.
Xa xóm đã dễ cả trên bốn chục năm. Cái xóm lao động, sáng dậy, tiếng soạn cuốc xẻng đi làm, tiếng nện búa sửa xe, tiếng cười rúc rích tỉ tê của các chị có chồng xa về, tiếng cọt kẹt của lùm tre sau nhà… sao mà thân thuộc, mà người đến thế.
Giật mình khi ở khu biệt thự nơi thành đô tráng lệ. Cũng có cây lá um tùm nhưng sao không tìm ra bóng mát. Cũng có chim về chuyền cành hót líu lo, nhưng vẫn không nghe nổi tiếng chim kêu.
Có hết đó chứ! Chỉ tội mình lơ không thấy bóng râm và không nghe tiếng chim hót sáng.
NGUYỄN QUANG BÌNH, với TBKTSG online 11-2011
Hits: 493