Từ Harvard… đến trường nghề

(TBKTSG) – Ước có một lần thăm trường Harvard, chỉ cần đứng xa xa bên ngoài để nhìn cái chóp tháp trường rồi ra về, vậy thôi.

Harvard nổi tiếng thế giới ai cũng biết. Trường nghiên cứu và đào tạo nhiều ngành, nhiều nghề. Nghe nói nổi trội nhất vẫn là ngành doanh thương. Biết là rất khó và… dở hơi song vẫn mong gặp được một vài vị dạy doanh thương ở trường này. Để làm chi? Để hỏi họ đào tạo sinh viên bằng cách gì, công cụ gì mà nhiều người ra trường kiếm tiền giỏi thế!

Thật vậy, Harvard đã sản sinh ra những nhà kinh doanh đại tài cho nước Mỹ và cả thế giới, kể cả nhiều người xuất thân từ khoa doanh thương. Nghe nói sau một thời gian hoạt động thực tế thành công trong môi trường kinh doanh, có người trở thành tổng thống, thống đốc, bộ trưởng kinh tế tài chính… cho chính nước Mỹ và cả cho nhiều nước trên thế giới.

Nhưng điều chắc chắn không thể chối cãi rằng khoa doanh thương của Harvard đã đào tạo nên nhiều tầng lớp doanh nhân kiếm tiền giỏi. Vậy thì cái bí quyết thành công trong đào tạo nằm ở chỗ họ dùng công cụ nào để đào tạo được như thế.

Không mong có câu trả lời chính xác và thỏa đáng nhưng nếu có dịp thì chắc chắn phải tranh thủ hỏi.

Thật ra, không ít thành phố và doanh nghiệp lớn nhỏ tại Việt Nam đã từng mời nhiều vị có tiếng kinh doanh giỏi, xuất thân từ Harvard và nhiều trường doanh thương nổi tiếng trên thế giới đến nói chuyện. Dù có cơ hội, vẫn không mấy ai hỏi các diễn giả được mời đã sử dụng công cụ nào để họ kiếm ra tiền tốt thế. Nhiều dịp, khách mời trong nước đến nghe phải trả tiền triệu phí tham dự. Có sao đâu, ăn bánh trả tiền mà! Nhưng không ít lần khán thính giả phải thất vọng vì diễn giả chỉ toàn quảng cáo về doanh nghiệp mà không chịu “xì” chút bí quyết nào cho biết họ đã từng sử dụng cái gì để kiếm tiền thành công đến vậy!

Nhớ có một lần dự hội nghị về giao dịch trên thị trường tài chính phái sinh. Các thắc mắc được nêu lên từ khán phòng đều xoay quanh nội dung “theo ngài, giá dầu (giá bông vải, cà phê, vàng…) sắp tới tăng hay giảm, tăng mức bao nhiêu, giảm đến mấy phần?”. Trời Phật ạ! Không thấy ai hỏi “ngài sử dụng cách nào để nói được như thế, có bảng biểu gì để chứng minh là ngài nói đúng không?…”.

Con người trở thành homo faber (con người lao động, con người sáng tạo), trước và sau tiến hóa lên tới cấp độ này đều phải là homo instrumentalis tức con người công cụ, biết sử dụng công cụ để lao động làm việc. Muốn làm vườn nhưng không biết cầm cuốc sao cho đúng, cho hợp lý, trồng cây vào bầu đất sao cho cây sinh rễ… đều cần qua thực tế.

Trong nhà trường một thời gian rất dài, các dụng cụ dạy học, “công cụ trực quan” chính là các vật dụng mô phỏng từ thực tế để qua đó học sinh tập tành với công cụ và khi ra đời không bỡ ngỡ với công việc mình làm vì đã chạm công cụ, ít ra trong môi trường mẫu ở lớp học. Thế mà, nhiều trường để giáo cụ mốc meo… vì thầy bảo “biết khái niệm “cái cuốc” như thế là được rồi”!

Dạy nghề là tập cho thợ ngày mai sử dụng công cụ trong công việc họ làm. Nhưng… không phải nghề nào bạn cũng học được. Đôi khi có khả năng nhưng chẳng có điều kiện.

Một cháu gái người gốc phố núi Buôn Ma Thuột xinh đẹp, khỏe mạnh cả thể lực và trí lực. Cách đây mấy năm, cháu thi đậu và được chọn học nghề lái máy bay. Những đợt thi vào, thi tín chỉ, thực hành và lý thuyết các khóa đầu đều qua tốt. Nhưng đùng một cái… nơi đào tạo yêu cầu nộp mấy tỉ đồng để tiếp tục học. Cha mẹ nghèo, bán nhà cũng không đủ tiền nộp học phí, đành phải nghỉ. Cho nên, đừng tưởng mình có tài, có sức mà có được điều mình muốn!

Vậy thì, dám mơ sao mà vào học doanh thương tại trường Harvard? Học để ra làm giáo sư dạy kinh doanh ư? Trong lỗ tai mấy ông bạn tôi, nghe thế là họ nể vì cả tỉnh quê tôi mê mệt bằng cấp. Nhưng nếu nói trả tiền vào học Harvard để về đi kiếm tiền thì họ không chịu đâu! Thực tế thế đấy!

Trời ạ! Hành nghề nào phải sử dụng được các công cụ của nghề đó, mỗi ngành mỗi mục đích. Học Harvard để đi dạy kiếm sống ở thời đại này, thì chẳng bằng về trường trung cấp học một nghề nào đó phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, đất nước và sức vóc của mình…thì nghe ra có lý à nghen!

NGUYỄN QUANG BÌNH, TBKTSG 24/12/2017

Hits: 51