Trời bắt, người cấm

Nó nghiện bóng đá. Từ ngày khai mạc World Cup 2014 tại Brazil đến nay, thằng cháu tôi chưa bỏ xem một trận nào. Oái ăm là giờ thi đấu của nước chủ nhà ở tận châu Mỹ Latinh tréo ngoe với giờ nước mình.

Có những bữa đúng cái lúc đáng ra hắn vào “khất” ngủ say, thì lại chính là lúc ngồi trước màn hình để “giải nghiện”. Vòng chung kết bóng đá thế giới cả tháng mới hết. Thế có khổ không? Ngủ không đủ, vác xác mình đi còn không nổi, lấy sức đâu để làm việc.

Nghe tin đang có phong trào chống ngủ trưa tại một công sở nọ, đúng cái nghề nó làm… tôi lại càng lo vì không biết có phải hãng của cháu không. Họ hàng có thói ngủ trưa. Đêm không ngủ đủ, thì dù có khỏe trẻ mấy, đến trưa lại càng như anh tài xế đường dài, mắt mở mà trí cứ “nhíp” nhưng vẫn tưởng mình tỉnh táo… thế là lái xe vào bụi. Trường hợp thằng cháu không đến tệ như thế, nhưng nếu lỡ nằm vật ra giữa sàn làm việc… thì chỉ có nước bị đuổi việc!

Đúng là vào thăm một văn phòng, gặp lúc giữa trưa, thấy bàn ghế ngổn ngang, người nằm xuôi kẻ nằm dọc, người vật kẻ vã chẳng ra làm sao!

Nhưng nếu vì vậy mà cấm mọi người ngủ trưa, thì tội quá! Đã qua nhiều nghề, đi công tác nhiều nơi, tôi cứ tưởng ở cái xứ nhiệt đới gió mùa khó chịu thế này, hầu hết người mình đều được “cài đặt mặc định” như cái máy vi tính có sẵn “default setting” rồi chứ: mươi phút chợp mắt sau khi ăn trưa là cần thiết, đặc biệt ở nhiều vùng ở duyên hải miền Trung và miền Bắc, nơi khí hậu nhiều mùa có mức độ khó chịu đến nỗi ít có chỗ nào dám đọ…

Thật ra, mấy ông Tây có thói quen làm việc hùng hục, qua đây dăm bảy bữa có thể thấy chuyện nghỉ trưa là kỳ cục, nhưng nếu ở lâu chừng dăm ba năm, đố các vị ấy có thể kiên trì “thông tầm”! Thế nào rồi không bằng cách này cũng tìm cách khác kiếm chỗ nghỉ ngơi giữa trưa, như có người vào ngồi thả lỏng ở các tiệm cà phê vắng vẻ, hay có người tìm nơi massage hay một chỗ spa yên ắng…

Thật tiếc rằng ở xứ ta khi cấp trên hay lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra bất kỳ một quyết định nào, thường dựa trên cảm tính, thấy được, thấy đẹp, thấy thuận tiện cho công việc quản lý và mục tiêu riêng của ngành, đơn vị mình là được, nặng về định tính.

Mới đây, tổng giám đốc một hãng công nghệ thông tin tầm cỡ đóng tại Hà Nội chủ trương không ai được nằm ngủ trưa tại sở làm. Ông lý luận rằng đến 80% lãnh đạo tâp đoàn và các đơn vị trực thuộc đâu có ai ngủ trưa, nhưng vẫn là những vị thành công cả, người vẫn phây phây, làm ra tiền ào ào. Ai nói không có “định lượng”?

Nhiều người đã ủng hộ quyết định của vị giám đốc và cho rằng ngủ trưa là một “thói quen xấu”, cần phải loại bỏ. Sao lại xấu? Có dịp đi thăm một số nước Tây Âu và Bắc Mỹ, nhiều khi phải ganh tị vì thời tiết, khí hậu những nơi ấy quá thuận lợi. Những lần đi công tác, tôi đều may mắn gặp những lúc thời tiết khô ráo, mát mẻ, áo quần có khi vài ngày không giặt cũng không chua, cơm canh để liên tù tì mấy ngày vẫn chưa thiu ôi… Giá như xứ mình có được thời tiết khô mát như thế để nghiên cứu, để đọc sách, để làm việc… Mấy ông bạn đồng nghiệp nước ngoài cũng thường hỏi cảm tưởng của tôi về đất nước họ. “Quê mấy ông giàu khá hơn xứ tôi là phải… Nhà cửa, vật liệu… sơn phết cả năm, bảy năm, chưa hề tróc chưa hề mòn gỉ… còn vùng tôi ở, chỉ cần qua năm… tất cả đều biến thành đồ cũ… do gió mùa và ẩm thấp. Vật liệu sắt thép còn mòn… huống chi là con người”, tôi nói thẳng.

Đúng là thời tiết, khí hậu quy định con người ghê gớm. Khi chưa tìm hiểu hết, chỉ dùng ý chí để vượt qua nó, thì phong trào đòi “cấm ngủ trưa” dẫu có thành công, đấy cũng chỉ là tạm thời và mang tính “nhiệm kỳ” mà thôi.

NGUYỄN QUANG BÌNH, TBKTSG SỐ 25-2014

Hits: 90