Thấy thương ông già Noel!

Chỉ khi vào Sài Gòn ăn Noel cách đây 50 năm, tôi mới nhận ra mỗi nơi ăn mừng lễ Giáng sinh mỗi khác.

Dọc hai bên đường Kỳ Đồng của thành phố mà bấy giờ gọi là “Hòn ngọc Viễn Đông”, cả tháng trước ngày 25-12, đã bày bán đủ các loại đồ trang trí dùng cho lễ Giáng sinh, từ tranh tượng, máng cỏ làm sẵn bằng giấy hay bằng đất nung, đến các loại đèn hoa màu sắc sặc sỡ, cây thông làm giả mà như thật… Ở khu vực quanh nhà thờ Đức Bà hay khu Tân Định còn có nhiều quầy bán thiệp in sẵn hoặc được vẽ tay bởi một số nghệ nhân tài hoa. Rõ là một không khí Noel cho tất cả mọi người, không của riêng ai!

Ngày ấy, vui Noel ở Huế nhẹ nhàng và sâu lắng hơn, không có vẻ “bị” thương mại hóa lắm như Sài Gòn. Chỉ một vài nhà ở phố mới sắm đồ trang hoàng lộng lẫy mừng lễ. Còn lại thì hào nhoáng lắm là có được nhánh thông rừng còn thơm mùi nhựa cây đặt hay xin trước từ các nhà chùa hay đan viện miệt núi phía Tây về trưng bày trong nhà với ít bóng đèn nhấp nháy xanh đỏ và vài dây kim tuyến trang hoàng đơn sơ nhưng đủ ấm cúng.

Một vài gia đình mời anh em bạn bè từng nhóm nhỏ thân thiết đến mừng lễ tại nhà các đêm 24 hay 25-12 để vừa đàn hát các bản nhạc giáng sinh truyền thống, vừa chung vui với ít bánh trà; nếu sang hơn là nhâm nhi ít rượu vang cùng bánh champagne, và cùng hòa giọng những bài thánh ca như Đêm thánh vô cùng, Jingle Bells… bất phân tín ngưỡng. Sài Gòn thời đó đã thấy nhiều “ông già Noel” bụng phệ, râu trắng, áo quần đỏ thắm đây đó; còn ở Huế và các tỉnh khác hiếm gặp.

Những bài học tiếng Pháp trong sách giáo khoa trước đây nói rằng cứ đến dịp lễ Noel, có một ông già tốt bụng vào nhà bằng đường ống khói để tặng quà cho các bé. Thật ra, ông già Noel chẳng phải là một ông thánh, một hình tượng tín ngưỡng riêng của những người theo Kitô giáo. Đấy như là một ông bụt mang niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi nhà, nhất là trẻ con nhân dịp Giáng sinh.

Cũng một ông ấy, người Hà Lan gọi là thánh Klaas, ở Thổ Nhĩ Kỳ là thánh Nicolas, ở Mỹ là Claus, ở Pháp gọi là ông già Noel… Đấy là một vị bụt đầy lòng nhân ái, bảo vệ trẻ em, đặc biệt giữa lúc thời tiết khắc nghiệt, lạnh giá nhất các em cần được hỗ trợ, nâng đỡ.

Đến nay nhiều nơi vẫn giữ nét nhân văn ấy. Ở góc nhìn văn hóa, chẳng có gì để cấm kỵ mà nên để các cháu có dịp vui chơi, hòa đồng với các cộng đồng dân tộc và tôn giáo khác. Ngay như ở Nhật, một nước chỉ chừng 1% dân số theo đạo Kitô, họ dành ra một bữa vào ngày 25-12 để đưa con cái đến các tiệm KFC, làm sao cho chúng “vấy” được mỡ, mùi gà rán theo kiểu Mỹ như là cách ăn mừng Noel, giúp tăng doanh số cuối năm cho các cửa hàng nước ngoài, dù người Nhật được cho là kỹ càng và bảo thủ trong ẩm thực.

Càng về sau, nhiều thương gia có đầu óc thực tế ở Mỹ và các công ty bán lẻ trên thế giới đã biết “lợi dụng” lòng tốt của ông bụt này và biến hình tượng ấy trở thành nhân viên PR hay là phương tiện tiếp thị hiệu quả.

Noel cũng là lúc chuẩn bị vào năm mới, mùa cao điểm tặng quà, lúc làm ăn của ngành bán lẻ. Ngay đầu thế kỷ 19, người Mỹ đã “nhờ” ông già Noel quảng bá bán hàng tại các chợ, tiệm ăn, khu vui chơi… thu hút khách hàng, làm cho không khí mùa giáng sinh càng thêm vui nhộn. Thật ra, đôi khi khá dung tục nếu nhìn hình ảnh ấy theo cách nhìn của những người có “tín ngưỡng”, tội nghiệp cho vị bụt này!

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp bán lẻ và cung cấp dịch vụ tặng quà còn lập nên các đội gồm nhiều ông già Noel, đưa quà đến tận tay các cháu theo yêu cầu của bố mẹ hay người thân.

Trong khi ngành “shipping” giao quà Noel càng lúc càng phát triển, thì nghề vẽ thiệp giáng sinh lại có nguy cơ biến mất. Thư điện tử, Facebook, Instagram… và trao đổi trên các mạng xã hội đã làm mất đi một nét văn hóa lãng mạn. Nay chỉ cần một cú nhấp chuột, bạn bè, bà con đã có thể trao nhau những lời chúc yêu thương.

NGUYỄN QUANG BÌNH, đã đăng trên TBKTSG 23/12/2018

Hits: 34