Tại sao học sinh xa lánh trường dạy nghề?

 

Mới đây, tại một hội nghị giao ban các trung tâm dạy nghề trên địa bàn TP.HCM, một vị giám đốc người Nhật đã tỏ ra rất sốc khi chỉ tiêu tuyển sinh học nghề của Trung tâm dạy nghề Tokyo Beauty Art (quận 2) 130 học viên/năm thì nay mới có vỏn vẹn 9 em chịu vào học nghề tại trung tâm.

Vị lãnh đạo trung tâm, ông Maeda Atsutane nói thật lòng rằng dù thuyết phục đủ điều, nhiều em đã cho biết rằng cha mẹ muốn các em vào đại học hơn. Như vậy, tâm lý thích công việc nhẹ nhàng, bàn giấy và khả năng tiến thân trong đời sống nhiều tầng lớp dân chúng hiện nay không phải là không có cơ sở.

Cư dân đô thị ngại học nghề, sợ sau này ra làm công việc tay chân “nặng nhọc” cho cam, nhiều thôn làng nông nghiệp giàu có nhờ trồng cà phê, hồ tiêu, cao su…nay đã trở thành “vùng trắng thanh niên” vì cha mẹ đã gởi con đi học xa tại chốn thị thành, nay hoặc các em không muốn về hoặc được cha mẹ khuyến khích, tạo điều kiện “ở trên ấy” nhằm nở mặt nở mày với xóm làng. Không chừng hết đời cha, không người nối nghiệp!

Có người trách rằng vì cả nước nay có gần 380 trường đại học và cao đẳng, các cơ sở giáo dục này sẵn sàng hút hết lượng học sinh hàng năm từ các trường trung học, nên các trường dạy nghề gặp lắm khó khăn trong tuyển sinh. Trong năm học mới này, nghe rằng nhiều trường phải đóng cửa vì lượng tuyển sinh không đủ sĩ số tối thiểu để đảm bảo hoạt động của lớp học.

Nhưng, chớ vội quy kết tại sao nhiều người hiện nay chê học nghề mà phải xem đấy có phải là một phản ứng tâm lý xã hội trước cách đánh giá giá trị con người hiện nay: chuộng bằng cấp, hám danh và xã hội đang bảo bọc kẻ lười biếng?

Nhiều người tưởng cứ có bằng cấp cao là nâng cao được nguồn nhân lực. Đua theo bằng cấp bằng mọi giá…đang làm nền kinh tế chúng ta phải trả giá: gánh nặng gần 200.000 người có bằng cấp thạc sỹ, cử nhân…đang thất nghiệp, có đến gần 1/3 sinh viên đại học ra trường hàng năm không tìm được việc làm, hay nói như ông thầy người Nhật cho biết đến hơn một nửa sinh viên hàng năm ra trường không tìm đúng việc làm như ngành mình đã theo học.

Tuy có thể mang tiếng thực dụng, một trong những yêu cầu đào tạo lớn mà ngành giáo dục phải đảm đương theo tư duy kinh tế hiện thời là cung ứng lao động sử dụng được cho nền kinh tế.

Bao lâu chưa có chuyển biến mục tiêu giáo dục: đào tạo con người, công dân và người lao động, người thợ Việt Nam, bao lâu chưa thay đổi cách đánh giá con người dựa trên công việc được phân công chứ không dựa vào bằng cấp, bao lâu người công nhân làm công việc tay chân chưa được trả lương xứng đáng…thì nhiều người Việt Nam vẫn lánh xa trường dạy nghề.

Nguyễn Quang Bình, viết cho SGTT và đã được đăng

Hits: 81