Bốn tháng nằm nhà vì phải chấp hành lệnh phong tỏa. Lòng thấy vui khi nhận được tin thành phố được gỡ bỏ lệnh giãn cách…Xưa kia, không biết vị tổ sư thiền có cảm giác như thế nào khi ngài xong đợt “cửu niên diện bích” nhỉ? Còn tôi qua gần một trăm hai chục ngày tu tập với sách vở, nhạc cổ điển…và kể cả thiền ở mọi “oai nghi” với các kiểu đi đứng nằm ngồi, thế mà khi nghe ngoài đường có tiếng ơi ới là như chim muốn sổ lồng.
Nói thiệt chứ cả một đời vọng động, tự nhiên có bấy thời gian để tự tìm chuông mõ, được dịp tịnh tâm và thả nổi mình với cái yên tĩnh -một thứ thinh lặng chưa từng có của phố phường vốn không lúc nào lắng tiếng ồn như ở Sài Gòn-, được ngấm mình vào cái bao la của đất trời, thì sống như thế không thiệt sướng là gì! Còn hơn cả ai đó cuối đời lượm được bí kíp!
Qua bốn tháng, thời gian không lâu nhưng vẫn thấy khá dài, nhất là khi quanh mình quá nhiều mất mát, từ bạn bè đến anh em xóm trên xóm dưới. Họ ra đi trong vật vã đau đớn vì bệnh dịch, lặng lẽ cô quạnh đến xót xa…bỗng thấy mình sướng hơn rất nhiều người vì…đã vượt qua được những ngày chiến đấu một mất một còn với đại dịch dù có bị nhiễm hay không nhiễm bệnh.
Thế cho nên bỗng thấy thèm một lần leo lên xe phóng như bay đi thật xa. Đi đâu cũng được, miễn là ra khỏi nhà để hy vọng hưởng lấy cái khí trời…(dù chưa dám hít sâu). Bỗng dưng thích thăm lại chốn mình đã từng sống với thôn buôn ruộng rừng. Nhưng cuối cùng cũng chỉ là mơ thôi!
Đoạn đường về Tây Nguyên chỉ ba bốn trăm cây số. Khi chưa phong tỏa, phóc lên xe, cái vèo là đến nơi. Nay sau phong tỏa, vẫn còn biết bao nút chặn, biết bao trắc trở chối từ. Thôi đành phải đợi.
Sở dĩ tránh nói đến từ “hạnh phúc” vì riêng cái “cảnh giới” ấy là cả một thiên triết lý, người hạ giới bàn từ khai thiên lập địa đến nay vẫn chưa tìm ra kết luận. “Sướng” cũng là hạnh phúc, nhưng có thể là bất chợt mà cũng có thể dài lâu. Dù trong ý nghĩ chẳng có chi tiêu cực, nhưng giả sử như đùng một cái có lệnh phong tỏa lại…thì cũng phải tìm một cách để vui để sống, để “tự sướng” với hoàn cảnh mới thôi.
Ở cái thời mà các nước giàu có, đầy đủ phương tiện y tế còn chưa dò được phải làm cách chi để chặn, để diệt coronavirus, rồi cuối cùng phải xin huề và sống chung với nó…thì tìm cách sướng được lúc nào hay lúc đó có gì sai? Nghe nói người dân xứ Ăng-lê đã bắt đầu bận rộn với việc chuẩn bị lễ Tết sắp tới, Noel hay Tết tây…nhưng chính quyền ở đó cũng vẫn chuẩn bị kế hoạch A kế hoạch B nếu như làn sóng lây lan dịch bệnh tự dưng quay lại, mạnh lên thì sao…
Chẳng phải trù ẻo gì: Ở Israel, giới chức y tế mới phát hiện một biến thể AY.4.2 của biến chủng Delta, nó còn cao tay hơn cả con Delta quái quỷ đã hành tình hành tội thành phố tôi từ mấy tháng nay. Vô thường đến thế là cùng! Thôi thì cứ cầu mong cho dân Tây Nguyên có đầy đủ vaccine để anh em ở xa ít nữa có cơ hội về thăm một chuyến!
Thật ra, về lại Tây Nguyên sau một thời gian dài sống với bức xúc là mong tìm lại thế cân bằng giữa cái riêng với cái chung, giữa con người với thiên nhiên. Hình như do nhiều đời chịu quá nhiều rủi ro với dịch bệnh và thiếu thốn phương tiện y tế, tôi có cảm giác (không biết có đúng không) đồng bào dân tộc mình có dịp sống chung ở Tây Nguyên không mấy khi họ hoảng loạn trước thiên tai, dịch họa. Với họ, giữa vật chất và tinh thần, sự sống và cái chết như được dung hòa, không có lằn ranh giữa con người với đại ngàn, giữa cá nhân với tập thể. Về chơi với họ một chuyến thật ra là để được sống lại cái bầu khí cộng đồng sau nhiều ngày tự thân cảm thấy tù túng, cô đơn của một kiếp người.
Lo lắng, hoảng loạn quá trước một vấn đề có khi làm sống dậy quá mức cái cá nhân đáng ghét của mình. Và đi tìm lại một cuộc sống đơn sơ, cộng đồng chân chất cũng là một cách cách ly với các tâm lý tiêu cực ấy. Chọn thế mới sướng…Sướng như thế thì ai mà không muốn sống và được sống?
Nguyễn Quang Bình
bài đã đăng trên Tạp chí Kinh tế Sai Gòn số 46-2021
Hits: 208