Sàn hồ tiêu, có cần lắm không?

 

 

Những người trồng tiêu và giới kinh doanh trong nước đang có nhiều ý kiến ngược chiều xung quanh ý tưởng  nảy sinh từ Hội nghị Thường niên lần thứ 43 của Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC) rằng Việt Nam và Ấn độ có thể sẽ lập sàn giao dịch kỳ hạn hồ tiêu ở TPHCM.

Nếu xét về mặt phát triển, đấy là một hướng tốt. Song về kinh nghiệm đi trước, nhiều sàn kỳ hạn như cà phê của nước ta đã được thành lập, đang hoạt động èo uột thiếu hiệu quả và gây tốn kém tài lực không nhỏ.

Từ không tên tuổi vào cuối thập niên 1990 thế kỷ trước, hồ tiêu Việt Nam đã làm nên chuyện lớn khi không còn “đóng vai phụ” trên thị trường xuất khẩu. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam trở thành nước sản xuất và xuất khẩu số 1 thế giới, là nhà cung ứng chủ lực cho thị trường hồ tiêu toàn cầu.

Liên tục từ 15 năm nay, năm nào lượng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam cũng chi phối hơn  50% thị phần thế giới. Một điều đáng ngạc nhiên là sản lượng tăng mạnh, lượng xuất khẩu lớn đều, giá hồ tiêu trong nước và xuất khẩu vẫn ở mức cao. Nói về giá, nếu như giá xuất khẩu hồ tiêu mỗi tấn cách nay khoảng 20 năm chỉ chừng 600-700 đô la Mỹ/tấn, thì đến năm nay, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng này đạt trên 9500 đô la Mỹ/tấn, tiêu trắng có lúc giá đến trên 13.500 đô la Mỹ/tấn. (Giá thời điểm viết bài).

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam dự báo lượng xuất khẩu hồ tiêu năm nay có thể giảm xuống còn 130.000 tấn so với 156.000 tấn của năm ngoái, nhưng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng cao hơn với 1,24 tỷ đô la Mỹ so với 1,21 tỷ năm 2014. Thật ra nếu như không có dự báo thị trường tốt và điều phối lượng xuất khẩu nhịp nhàng từ hiệp hội thì sự tăng trưởng bền bĩ của ngành hàng này khó được hưởng lâu dài đến như vậy.

Ở thế thượng phong về sản lượng, điều tiết được xuất khẩu và giữ được giá, mặt hàng hồ tiêu có một lợi điểm ít mặt hàng khác hưởng được như cao su, cà phê hay nhiều ngành hàng khác. Tuy hồ tiêu có sàn giao dịch tại Ấn độ, có khi cũng giao dịch tại sàn kỳ hạn Singapore, phải công nhận tính liên thông của các sàn giao dịch này với thị trường tài chính thế giới không nhiều. Mua bán dựa trên cung cầu hàng thực là chủ yếu, dùng giá giao dịch bằng đồng nội tệ của Ấn độ và Singapore mà phiên ra các đồng tiền khác để trao đổi. Nhờ vậy ảnh hưởng tiêu cực do các đồng ngoại tệ mạnh thường bị khuynh loát bởi giới đầu cơ trên thị trường hồ tiêu không nhiều. Mặt khác, giá tăng lâu bền của mặt hàng hồ tiêu còn được trợ giúp bởi các nhà đầu tư trên sàn hồ tiêu tại Ấn độ, họ thường mua bán trao tay hợp đồng tài chính hay “hàng giấy” hơn là hàng thực, nên giá hồ tiêu trên sàn giao dịch ở đó có khi đội lên mỗi lúc mỗi cao, thiếu thanh khoản nên nên người giữ vị thế mua khó thoát mà phải ôm chặt.

Hàng nông sản làm ra là để bán xuất khẩu. Khi hồ tiêu “hàng thực” còn mua bán xuôi chảy, dòng xuất khẩu hàng hóa thuận buồm, nên chăng ngành hồ tiêu nên hưởng cho hết lợi thế ấy với vị trí thượng phong hiếm ngành hàng nào có. Đấy có thể là một chọn lựa an toàn để phát triển, nhất là trong giai đoạn chiến tranh tiền tệ đang khốc liệt, có thể ảnh hưởng đến giá bất kỳ loại nông sản nào như lật bàn tay.

Nguyễn Quang Bình, viết cho SGTT và đã được đăng

Hits: 215