Rèn luyện kỹ năng sống: trẻ nhỏ quá cần

 

 

Chỉ mới đầu kỳ nghỉ hè, tin về những cái chết thương tâm của các học trò nhỏ không khỏi làm đau lòng xã hội. Tuần trước, ba em học sinh rủ nhau đi chơi, nhảy xuống hồ nước dùng để tưới rau và chết ở đấy trong một khu lao động nông nghiệp gần ngay nhà các em tại Hố Nai, thành phố Biên Hòa; một cháu khác đi học bơi cũng chết vì đuối nước tại tỉnh Hà Tĩnh. Đó là chưa kể biết bao nhiêu chuyện thương tâm khác xảy ra cho trẻ em khi vừa được thả ra khỏi trường từ tai nạn xe cộ, điện giật, cháy nổ…, thậm chí có khi thiệt mạng hay thương tích què quặt hoặc về thể lý hoặc tâm lý khi sử dụng các đồ chơi được cho là “nguy hiểm”. Điều đáng trách là khi tai nạn và mất mác xảy ra rồi, người lớn mới phát hiện và mọi cứu chữa đều quá trễ.

Cũng phải công nhận rằng từ mấy năm nay, một số trường học và cơ sở đào tạo đã có chú tâm vào việc huấn luyện kỹ năng sống cho học sinh và trẻ em. Không biết bao trung tâm rèn luyện loại này vẫn đang mọc ra như nấm sau mưa tại khắp các tỉnh thành, nhiều người vẫn nghi ngờ rằng chưa chắc ngành giáo dục, các cấp quản lý thiếu niên và nhi đồng,  ngành thể dục thể thao cũng như lao động-xã hội đã quan tâm nội dung và phương pháp sử dụng để rèn luyện đúng mức.

Thật vậy, ngay tại các thành phố, dù ở nhiều gia đình có điều kiện,  trẻ em được “bảo bọc” nhiều hơn, cha mẹ cũng chưa thể bớt lo lắng cho sự an toàn đối với con em mình. Ngày ngày, nhốt chúng lên xe đưa thẳng đến trường, hay quẳng cho mỗi đứa một máy tính bảng để “ém” chúng một nơi, nhiều người tưởng thế là xong!

Tuy đã có chủ trương tăng cường rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, nhà trường vẫn còn quá đặt nặng từ chương, chữ nghĩa, thành tích và bằng cấp trong khi cha mẹ thì quá tin vào nhà trường sẽ và phải giúp họ về mặt này. Cuối cùng, ngay tại trong trường, học sinh không có điều kiện và thiếu thời gian để vận động cơ thể và tư duy bằng những trải nghiệm thực hay bằng các mô hình giả lập để ứng xử có hiệu quả nhất trước một tình huống bất kỳ, dù thuận hay nghịch để vượt qua khó khăn, đối chọi vì nhu cầu cuộc sống hiện tại và áp dụng vào quá trình tồn tại và phát triển của chính bản thân họ sau này.

Chắc chắn thầy trò đều nghe và thấy biến đổi khí hậu là gì. Nhưng cứ thử hỏi tại ngay tại nhiều tỉnh miền trung, hàng năm tiếp nhận già non chục cơn bão lũ, liệu các cháu có được rèn luyện để giữ mình giữa giông bão. Đã ai bày cho các cháu tại các trường quanh khu vực thủy điện Sông Tranh tự bảo vệ mình nếu có một trận động đất lớn xảy ra? Hay như mùa hè cũng là mùa “hỏa hoạn”, mấy cháu được thực tập cách thoát nạn nếu một trận cháy nhà xả ra?

Tập bơi, học cách thoát nạn…vẫn chưa đủ. Học sinh cần được biết cách sơ cứu, cấp cứu để khi xảy ra chuyện, nếu không đủ sức cứu chữa, các cháu sẽ nhắc nhỡ cho người lớn cách các cháu học trong trường…thay vì chỉ đứng xem khi có hỏa hoạn chẳng hạn.

Rèn luyện kỹ năng sống không thể thực hiện bằng một phong trào ngắn hạn hay được giao cho các cơ sở đào tạo ngoại khóa làm ăn dịp nghỉ hè. Trải nghiệm cuộc sống và rủi ro của học sinh cần được lặp đi lặp lại liên tục theo một chương trình hẳn hoi. Nên chăng ngành giáo dục cần đưa vào chương trình học tập và rèn luyện bắt buộc, có đánh giá có theo dõi, mới may ra giúp các em học trò nhỏ tự bảo vệ mình khi người lớn bất cẩn hay quá lơ đễnh mà các em phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Nguyễn Quang Bình, bài viết cho SGTT và đã được đăng

Hits: 111