Phải đóng cửa và cần lấy lại rừng tự nhiên

Chỉ mới chưa đầy mươi năm, đi dọc lại Quốc lộ 14 xuyên các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây nguyên, mới thấy xót xa vì rừng Tây nguyên bị đuổi đi đâu mất.

Ai đã từng sinh sống hay có thời gian công tác hoặc một lần thăm viếng nơi đây, đều phải bất ngờ và chóng mặt với tốc độ khai thác phung phí kinh hồn. Nhiều vùng đồi núi chập chùng cây xanh bao phủ ngàn đời nay đã bị con người cạo trọc do nhân danh phát triển. Nhiều khu dân cư mở rộng tự phát ngấu nghiến diện tích to nhỏ, đã biến nhiều khu rừng già thành từng nhúm cây trơ trọi…Không ít nơi lấy cớ đói nghèo để phá rừng đốt củi, trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, đào lộn hột…

Hạn hán thiếu nước, mực nước ngầm suy kiệt, lũ quét khắp nơi vì không còn lớp cây chắn bảo vệ, ảnh hưởng của biến đổi khi hậu trông thấy hàng ngày…đó là cái giá phải trả cho những bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, chuyển đổi đất rừng, cộng với tình trạng di cư tự do đã làm suy giảm nghiêm trọng tài nguyên rừng Tây nguyên và các tỉnh ven biển miền Trung nước ta.

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết có đến 67% rừng hiện hữu được xếp vào loại nghèo kiệt, các loại gỗ quý giá trị kinh tế cao không còn mấy, nhiều loại thảo dược thiên nhiên, động vật rừng cũng bị khai thác cạn kiệt và giảm đến con số cực tiểu.

Đứng trước tình trạng nguy kịch ấy, nếu không cứu rừng ngay thì không thể lúc nào cứu được nữa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên tại hội nghị bàn các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu cho giai đoạn 2016-2020 tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc.

Rõ ràng không thể vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường bằng mọi giá! Nếu như cái chết của cá biển dọc theo bờ biển bốn tỉnh miền Trung là do Formosa Hà Tĩnh xả độc và hậu quả đã được thấy nhãn tiền, thì phá rừng cũng mang lại nguy hại nhiều mặt, kể cả sinh kế cho dân cư sống trên vùng rừng núi, mà cái chết từ từ lừ đừ chứ không lập tức như vụ cá chết mới đây đã được Chính phủ chính thức công bố vào ngày 30-6 vừa qua.

Chỉ trong vòng 5 năm từ 2010-2014, rừng Tây nguyên giảm thêm 300.000 ha, rừng tự nhiên hiện có nay chỉ còn 2,25 triệu ha!

Không còn cách nào khác, Thủ tướng đã chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên Tây nguyên. Rất nhiều người đã đồng tình ủng hộ quyết định này của chính phủ, nhất là khi thủ tướng chỉ đạo đóng cửa các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên, ngăn chặn đầu ra của nạn phá rừng, buôn lậu gỗ…

Đến bây giờ, ai cũng đã biết thủ phạm xả thải gây cá chết hàng loạt trên bờ biển miền trung và họ phải chịu đền bù.

Rừng mất. Tiềm năng khai thác kinh tế rừng hầu như quay về với số không. Thiết nghĩ cũng cần có chính sách đòi lại rừng, khôi phục rừng từ diện tích rừng đã bị phá và chuyển đổi sử dụng bất hợp pháp.

Tại nhiều khu rừng đặc dụng và phòng vệ, như nhiều khu rừng thông quanh thành phố Đà lạt tỉnh Lâm Đồng hay tại nhiều địa phương khác, hàng ngày vẫn còn có người giết hại cây bằng cách đẽo vỏ, bỏ độc để cây chết dần chết mòn trên diện rộng nhằm lấy đất trồng cà phê, hồ tiêu hay nhiều loại cây công nghiệp khác…Nên chăng tìm biện pháp lấy lại diện tích rừng đã mất như không cho phép chuyển nhượng, sang tay, yêu cầu người sử dụng đất rừng để khai thác với mục đích khác phải đóng thuế đất thật cao để buộc họ đưa đất đã xâm chiếm bất hợp pháp về với rừng…ngoài những biện pháp khôi phục và phát triển rừng bền vững được xã hội ủng hộ.

Nguyễn Quang Bình, bài viết cho SGTT và đã được đăng

Hits: 105