Nhận định giá cà phê thế giới tuần từ 27/02/2017 tới 04/03/2017

Diễn biến thị trường từ 20/02/17 tới 24/02/17: Thị trường chao đảo do Brazil bất nhất trong quyết định nhập khẩu  

Khi thị trường kỳ vọng với tin chính phủ Brazil cho phép nhập khẩu cà phê robusta, đã có lúc giá giao dịch sàn kỳ hạn robusta London trong tuần đạt tới 2194 Usd/tấn. Nhưng thật bất ngờ, tổng thống Brazil quyết định ngưng lập tức kế hoạch nhập khẩu dù nước này chưa kịp mua hạt nào. Nhận được tin chẳng lành ấy, các quỹ đầu tư trước đây kỳ vọng giá tăng nên tích trữ hợp đồng mua khống trên sàn, đã tranh nhau bán ra, giá kỳ hạn rớt mạnh, chỉ trong ngày 22/02, có lúc rớt gần 50 Usd/tấn (xem đồ thị phía dưới).

Đồ thị diễn biến giá kỳ hạn robusta London

Gặp phải lúc thị trường kỳ hạn robusta đang ở ngay trước ngày thông báo giao hàng đầu tiên rơi vào ngày 01/03/17, giá cuối tuần còn bị áp lực giảm nhanh hoạt động bán thanh lý lượng hàng giấy đang còn tồn kho nhiều (396.820 tấn đến ngày 14/02). Như vậy cả tuần giá robusta đã mất 48 Usd/tấn, đóng cửa kỳ hạn London cơ sở tháng 05/17 chốt mức 2126 Usd/tấn sau khi xuống bằng mức thấp của mười ngày trước đó.

Giá trên sàn arabica New York cũng giảm khi có tin thời tiết thuận lợi tại các vùng trồng cà phê trọng điểm của Brazil, cộng với đánh giá sản lượng các nước xuất khẩu arabica chế biến ướt vùng Trung Mỹ được mùa (gần 1,1 triệu tấn), cũng đưa giá kỳ hạn arabica xuống mức thấp như mươi ngày trước đây.

Dự báo tuần này (27/02/17 tới 04/03/17): Kỹ thuật của hai sàn cà phê đều tiêu cực.

Có tầm ảnh hưởng lớn nhất về giá trong tuần tính từ thứ Hai 27/02 là ngày thông báo giao hàng đầu tiên của các hợp đồng kỳ hạn tháng 03/17 trên sàn robusta London. Trước đây, do đặt kỳ vọng sai vào chuyện Brazil phải nhập khẩu robusta, các quỹ đầu tư cố ghìm hàng và tích trữ thêm hợp đồng mua khống, lượng dư mua và đặc biệt lượng hợp đồng mở ứ lại, nên rất có thể tạo sức ép bán ra trên sàn này cho đến ngày cuối cùng nửa đầu tuần này. Tính đến ngày thứ Sáu 24/02, lượng hợp đồng mở của tháng 03/17 trên sàn này còn đến 176.300 tấn so với ngày 20/02 là 298.330 tấn. Dù lượng hợp đồng mở đã giảm trên 122.000 tấn, số tồn cho 2 ngày giao dịch còn lại như vậy vẫn  là lớn. Kết hợp với con số dư mua hàng giấy còn nhiều như đã nói, giá kỳ hạn London rất dễ rơi vào tình thế khó khăn, nếu không nói là nguy hiểm khi giới thương mại, nhà rang xay, hay không có một kênh mua nào đó không ra tay mua hỗ trợ.

Giá kỳ hạn robusta phiên cuối tuần mất mốc 2131 Usd/tấn, chính là mức giá bình quân động 100 ngày, dễ có nguy cơ xuống dưới 2100 Usd/tấn, thậm chí dưới 2050 Usd/tấn. Nhưng nếu giá đóng cửa tuần mới vẫn nằm trên mức 2116 Usd/tấn, mức thấp mới thiết lập gần đây, giá sàn này vẫn có khả năng tìm đường lên lại.

Giá arabica New York cũng khá tiêu cực. Rớt xuống dưới mức 147.95 cts/lb là mức bình quân động 200 ngày mà không vực lên lại để chốt mức 146.25cts/l sau khi giao dịch quanh 145 cts/lb, New York có nguy cơ xuống giao dịch quanh mức 140 cts/lb chẳng hạn. Tuy nhiên, đầu tuần sau Brazil bắt đầu 3 ngày lễ hội đường phố nên lượng mua bán trong thời gian vui chơi ấy hầu như không có. Hy vọng giá arabica không rớt sâu thêm để còn cơ hội “cứu” giá robusta.

Thị trường cà phê trong nước: Tỷ giá tăng, giá cà phê nội địa vững

Giá kỳ hạn cà phê đang theo chiều xuống, giá trên sàn mất gần 50 Usd nhưng giá nội địa đứng ở mức cao. Trước tiên, phải nói đến tỷ giá Usd /Vnd tăng, từ 22.550 đồng đổi 1 Usd cuối tháng trước, nay 22.800 đồng. Yếu tố này đã giúp cho giá cà phê nguyên liệu tính bằng tiền Vnd giữ vững. Cuối tuần qua, giá cà phê nội địa vẫn quanh mức 46 triệu đồng/tấn và giá cà phê robusta loại 2, tối đa 5% đen vỡ vẫn được chào ở mức 46,3-46,4 triệu đồng/tấn, tương đương với 2032 Usd/tấn giao hàng qua lan can tàu FOB.

So với giá đóng cửa London, mức này tương đương với trừ lùi 94 usd/tấn so với giá niêm yết sàn kỳ hạn trên sàn Lon Don, so với mức trừ lùi 105 Usd/tấn FOB cách đây mươi ngày.

Tỷ giá Usd khuyến khích người còn hàng bán ra vì giá tính bằng tiền Vnd không giảm. Dù vậy vẫn không ngại sẽ có sức ép vì lượng hàng còn lại của niên vụ này không nhiều, do sản lượng cà phê Việt Nam giảm do thời tiết bất lợi và do một số diện tích cà phê đã được chuyển sang trồng các loại cây khác có lợi nhuận hơn như hồ tiêu, chanh dây…

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 81