Nhận định giá cà phê thế giới tuần từ 26/06/2017 tới 30/06/2017

Diễn biến thị trường từ 19/06/17 tới 23/06/17: Giá cà phê biến động mạnh

Giá cà phê có một tuần biến động khá dữ dội. Ngay chỉ trong một ngày giao dịch  thứ Sáu 23-06, dao động giữa mức thấp và cao nhất trên sàn kỳ hạn robusta London được ghi nhận là 119 Usd/tấn (2106-1987) trong khi sàn arabica 6 cts/lb (123.55-117.55) tương đương với 132 Usd/tấn.

Cả tuần, giá hai sàn kỳ hạn cà phê chịu áp lực của đợt tăng lãi suất đồng Usd và giá dầu thô giảm có lúc xuống 45 Usd/thùng, vì thế từ đầu tuần giá cà phê mất điểm liên tục. Chỉ đến cuối tuần, khi thị trường kỳ hạn New York qua khỏi ngày thông báo giao hàng đầu tiên cho tháng 07/17, giá arabica phục hồi và tăng cực mạnh, đưa giá kỳ hạn robusta trong ngày cùng tăng. Nhưng kết quả so với tuần trước (16/06) vẫn giảm: robusta mất 47 Usd/tấn để chốt 2078 Usd/tấn và arabica mất 2.95 cts/lb hay âm 65 Usd/tấn (xin xem hình 1).

Kết quả chung cuộc âm trên hai sàn kỳ hạn ảnh hưởng đến giá cà phê trên thị trường nội địa Việt Nam: giảm 1 triệu đồng/tấn còn 45 triệu so với ngày 16/06 là 46 triệu đồng/tấn.

Nhận định chung của giới kinh doanh trên sàn cho rằng không chỉ các sàn kỳ hạn cà phê mà tất cả các sàn nông sản khác lấy đồng Usd làm đồng tiền giao dịch đều có biến động mạnh, giá ca cao có lúc mức xuống mức thấp nhất tính từ 10 năm trở lại, giá đường ăn cũng có khi rẻ nhất tính từ 16 tháng nay.

Hoạt động của các quỹ tài chính đang chi phối mạnh các sàn nông sản và các loại hàng hóa khác, nên thời gian trước mắt vẫn có đầy cơ hội nhưng cũng không ít rủi ro cho các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu hàng thực.

Dự báo tuần này (26/06/17 tới 30/06/17): Biểu đồ kỹ thuật chỉ hướng tích cực.

Sàn kỳ hạn robusta rời đỉnh cao 2149 Usd/tấn để có lúc chạm 1987 Usd/tấn trong phiên giao dịch ngày cuối tuần. Rớt xuống và trụ trên mức 1985 Usd/tấn, là điểm xuất phát của hướng tăng từ mươi ngày trước, giá kỳ hạn robusta dũng mãnh tăng lên lại. Như vậy, nền của sàn kỳ hạn London nay tạo thêm một đáy đôi W nữa, đó là 1985 và 1987 (xem hình 2, vòng màu đỏ), nền cũ là  1870-1890 trước đây.

Đáng tiếc, trong phiên cuối tuần, giá robusta không vượt khỏi lằn ranh 2110-2113, là khu vực của đường bình quân động 100 và 200 ngày (vòng nhỏ và mũi tên màu xanh).

Nhưng đà tăng của sàn này xem ra vẫn chưa mất. Trong tuần này, một khi có dịp tiếp cận mức 2110, London lấy đà bung để vươn lên đỉnh cao cũ 2149 và các mức cao hơn là khả năng khá thực tế.

Vấn đề còn lại phải nương vào sức mạnh của giá kỳ hạn arabica. Lượng dư bán hàng giấy trên sàn New York tính đến 20/06 đã gần 36.000 lô tức quanh mức 600.000 tấn, con số này có thể lớn hơn như 42.000 lô (trên 700.000 tấn) nếu như tính đến cuối tuần qua. Nhìn từ giác độ này, có thể nói rằng sức bán trên sàn arabica vẫn có phần hạn chế để mở hướng tích cực cho sàn robusta.

Thị trường cà phê trong nước: Dù giá có tăng, bán cà phê không dễ

Mất mốc 46 triệu giá cà phê nội địa để có lúc xuống 44 triệu tuần trước để chốt cuối tuần 45 triệu đồng/tấn. Ở mức thấp này, nhất là trong giai đoạn chỉ còn 3 tháng nữa là chấm dứt niên vụ cũ 2016/17, người cần mua hàng khó kiếm ra người bán.

Điều đáng ngại nhất vẫn là giá arabica nội địa ở Brazil đang được bán ra rất rẻ và cạnh tranh với robusta kịch liệt. Một nhà môi giới ở Nam Phi cho rằng giá arabica cấp thấp tuần trước đã chào rẻ hơn robusta chất lượng tốt tại Brazil, nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới.

Giá cách biệt giữa hai sàn kỳ hạn arabica với robusta có lúc chỉ còn quanh 600 Usd/tấn, là mức rất thấp khiến người tiêu thụ cuối cùng của chuỗi cung ứng hàng nguyên liệu cà phê quay sang mua arabica. Trên thực tế, nếu như giá hai loại cà phê trên sàn cách nhau chừng 600 Usd/tấn thì trên thị trường hàng thực, có khi chỉ chừng 300 Usd/tấn.

Đây lại là một chỉ báo quan trọng mà các nước xuất khẩu robusta như Việt Nam cần lưu ý.

Đối với giá trong nước, một khi giá kỳ hạn London phục hồi, khả năng giá thị trường nội địa quay lên lại 46-46,5 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, ở các mức ấy, dù muốn bán mạnh, vẫn ít người tìm mua hoặc là hàng nội địa sẽ phải cạnh tranh với hàng đang nằm sẵn trong các kho ngoại quan của các công ty nước ngoài muốn bán ngược vào lại khi thấy có lời nhờ chênh lệch.

NGUYỄN QUANG BÌNH,

đăng trên trang TRUNG TÂM THÔNG TIN&DỰ BÁO

KT&XH QUỐC GIA 26-6-2017

Hits: 40