Nhận định giá cà phê thế giới tuần từ 11/09/2017 tới 16/09/2017.

Diễn biến thị trường từ 04/09/17 đến 09/09/17: Tiếp tục đà rớt dù giá cà phê phục hồi nhẹ dịp cuối tuần.  

Chỉ số đồng đô la Mỹ (USDX) suy yếu và xuống mức thấp nhất tính từ hai năm trở lại đây với phiên giao dịch ngày 08/09 chốt mức 91,326 điểm (xem hình 1).

Hình 1

Những lý do chính làm USDX mất giá được cho là do khủng hoảng địa-chính trị tăng cao khi Triều Tiên thử thành công quả bom H có sức công phá gấp 3 lần quả bom A mà Mỹ đã thả trên Hiroshima. Thế giới chưa hết lo ngại Triều Tiên có thể thực hiện một vụ thử mới các loại vũ khí nguy hiểm đang sẵn trong tay.  Hai cơn siêu bão đổ bộ vào Mỹ: một là Harvey tàn phá bang Texas, hai là Irma đổ bộ vào bang Florida, được cho là sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay. Cộng với áp lực tăng lãi suất cơ bản đồng Usd cuối năm nay theo lịch trình cũ đã từng được hoạch định…

Đáng ra USDX giảm sẽ giúp cho giá kỳ hạn các sàn cà phê tăng do các nhà đầu tư có khả năng huy động được vốn bằng Usd nên mua mạnh giúp giá tăng. Lần này không phải vậy. Nhìn chung tuần qua giá kim loại vàng và dầu thô tăng mạnh như là nơi để các nhà đầu tư đưa vốn về trú ẩn. Vốn trên hai sàn kỳ hạn cà phê bị rút đi. Hệ quả là giá xấu.

Hình 2

Trên sàn kỳ hạn robusta London, xét thời gian bảy ngày qua, giá đóng cửa ngày 01/09 là đỉnh và trong tuần có khi mất 114 Usd/tấn để cuối tuần chốt tại 1960 Usd/tấn, giảm 99 Usd/tấn so với tuần chấm dứt vào ngày 01/09. Giá arabica New York dao động nhẹ với phiên 08/09 chốt mức 130.65 cts/lb, tăng 1.60 cts/lb sau một tuần giao dịch xuất hiện nhiều lần giá arabica này không muốn xuống sâu hơn (xem hình 1).

Cấu trúc vắt giá trên sàn kỳ hạn robusta bớt gắt khi giá chốt giữa tháng 09/17 với 03/18 chỉ còn 39 Usd/tấn, so với ngày 25/08 lên đến 91 Usd/tấn (xem hình 1). “Vắt giá” là hiện tượng giá giao dịch các tháng theo hướng đảo nghịch, tháng giao hàng gần cao hơn tháng xa.

Giá sàn robusta giảm đã làm cho thị trường cà phê trong nước rớt mạnh, có khi chạm gần mức 43 triệu đồng/tấn nhưng cuối tuần đã vươn lên lại 44 triệu đồng/tấn.

Dự báo tuần này (11/09/17 tới 16/09/17): Manh nha một cú tăng bất ngờ?

thị trường cà phê

Hình 3

Sau một chuỗi bảy ngày liên tiếp giá robusta London giảm, hai ngày gần đây nhất giá tăng nhẹ, ngắt chuỗi giảm mạnh trước đây.

Lấy đáy sâu nhất trong ngày giao dịch 06/09 là 1914 Usd/tấn, hai ngày gần nhất đáy được nâng cao hơn ở 1918 và 1938 Usd/tấn. Sàn robusta chốt ngày cuối tuần trước ở 1960 Usd/tấn. Về kỹ thuật vẫn chưa cải thiện được tình hình vì mức ấy vẫn nằm dưới các mức bình quân động (BQĐ) 20 ngày tại 2059, 50 ngày tại 2093, 100 ngày tại 2057. Ngay cả BQĐ 5 ngày vẫn nằm tại 1969 (xem hình 3).

Dấu hiệu tích cực của sàn kỳ hạn London là đáy của ba phiên giao dịch gần nhất ngày càng cao, khi giá chạm 1914 Usd/tấn, sức mua đỡ từ các nhà đầu tư và kinh doanh khá mạnh.

Từ nhiều tháng nay, London thường có những đợt tăng/giảm mạnh bất ngờ.Với diễn biến gần đây, thị trường hy vọng một cú tăng “thần tốc” sẽ xảy ra trên sàn kỳ hạn này.

Tuy nhiên, để rướn khỏi 2000 có thể còn tin được nhưng giá London lên nằm trên 2060 Usd/tấn để tạo đà tăng mạnh hơn xem ra quá khó, nhất là khi biến động địa chính trị chưa nguôi và khả năng tăng lãi suất cơ bản đồng Usd vẫn còn được đặt trên bàn của Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed).

Miễn giá London đừng về đóng cửa dưới 1900 Usd vì sẽ tạo thêm tiêu cực về kỹ thuật cho sàn robusta.

Thị trường cà phê trong nước: “Sống chung với lũ”

Áp lực trên sàn kỳ hạn London tuần qua đưa giá cà phê trong nước xuống gần mức 43 triệu đồng/tấn. Nhưng chỉ cần giá kỳ hạn robusta tăng nhẹ, giá cà phê trong nước bật lên nhanh để quanh mức 44 triệu đồng/tấn cuối tuần qua.

Tình hình giá hàng hóa nói chung, cà phê nói riêng vẫn chưa hết bấp bênh vì giới đầu tư tài chính lo ngại một cuộc “chiến tranh” bất ngờ có thể xảy ra tại bán đảo Triều Tiên, nên họ đang thu hồi dần vốn từ các sàn kỳ hạn về chỗ an toàn.

Dựa trên nhận định ấy, nếu như tuần này giá cà phê có dịp tăng, vẫn chưa thể bền vững. Giả sử như giá kỳ hạn từ đây để lên 1980/2000, thì giá cà phê trong nước cũng chỉ chạm được 45 triệu đồng/tấn.

Nếu xảy ra tình huống xấu nhất, tức giá về 1900 và dưới mức ấy, giá cà phê trong nước sẽ cố thủ quanh 43 triệu đồng/tấn. Tấm chắn này sẽ đổ khi giá kỳ hạn mất các mốc quan trọng 1890/1870.

Điều này không được hoan nghênh!

NGUYỄN QUANG BÌNH, trên trang NCIF của Bộ KHĐT 11/09/17

Hits: 44