Diễn biến thị trường từ 28/08/17 đến 01/09/17: Giá cà phê kỳ hạn và nội địa đua nhau rớt.
Kết thúc tuần cuối cùng của tháng 08/17 giá hai sàn kỳ hạn đều ở khu vực giá thấp. Dù sàn arabica có giá chốt cao hơn tuần trước đó, cũng chỉ ở mức 129.05 cts/lb, tăng 1.15 cts/lb; giá robusta chốt 2059 Usd/tấn, giảm 8 Usd.
Xét cả tháng, sàn kỳ hạn London dao động trong khung cao/thấp nhất giữa 2053-2157 chênh lệch nhau 104 Usd/tấn , tương tự sàn New York arabica 146.30-127.90 cts/lb cách nhau 18.40 cts/lb hay 406 Usd/tấn ( xem hình 1).
Tình hình vắt giá trên sàn robusta dịu lại khi sức ép bán trên tháng 09/17 từ các nước sản xuất không còn vì đã vào ngày thông báo giao hàng đầu tiên của tháng 09/17. Cấu trúc giá vắt-tháng giao hàng gần cao hơn tháng xa- của giá niêm yết tháng 09/17 trên tháng 03/18 đến hết phiên giao dịch tuần trước chỉ còn 47 Usd/tấn, tức sức ép mua để giao hàng tháng 09/17 giảm (xem hình 1), so với trong tuần rồi có khi cách biệt trên 90 Usd/tấn.
Giá cà phê robusta trên thị trường nội địa trong tháng qua quanh mức 43-46 triệu đồng/tấn. Đến cuối tuần, giá cà phê nội địa được chào bán chừng 44,5 triệu đồng/tấn. Giao dịch chậm do thị trường nghỉ lễ Quốc Khánh 2-9.
Dự báo tuần này (04/09/17 tới 09/09/17): Yếu tố kỹ thuật chưa ủng hộ giá tăng
Sau khi chịu sức ép của một đợt bán khống mới, giá kỳ hạn arabica New York bị kéo về dưới 130 cts/lb, đấy là khu vực tiêu cực về mặt kỹ thuật cho giá sàn này về cả ngắn hạn và trung hạn. Thật vậy, theo thống kê của sàn kỳ hạn New York, sau khi mua bù chỉ còn dư bán 4.120 lô vào ngày 15/08, các quỹ đầu tư tài chính lại tăng cường bán mới để đến ngày 22/08 vị thế của dư bán của họ lên lại 19.012 lô tương đương với gần 324.000 tấn.
Đóng cửa cuối tuần trước tại mức 129.05 cts/lb sau nhiều nỗ lực vươn lên trên 130 cts/lb bất thành, giá sàn này trong chiều hướng xấu. Để hóa giải tình trạng này, New York cần vượt khỏi 132.45 cts/lb với lượng giao dịch cực lớn mới có hy vọng đi xa đi cao hơn.
Trên sàn robusta London, sau ngày 25/08 đóng cửa có giá tăng 45 Usd/tấn từ 2067 lên 2112 Usd/tấn là chuỗi ngày trả lại tất cả những gì đã nhặt được để rồi cuối tuần trước chỉ còn 2059 Usd/tấn cơ sở giao dịch tháng 11/17. Như vậy, các quỹ đầu tư vẫn chơi theo cách cũ, nâng nhanh lên cao, liền hạ nhanh xuống thấp. Tuần qua, sàn London liên tiếp có giá âm khi đóng cửa.
Chốt 2059 Usd/tấn, giá kỳ hạn nằm dưới tất cả các đường bình quân động (BQĐ) quan trọng như BQĐ 20 ngày ở 2100, BQĐ 50 ngày ở 2103, BQĐ 100 ngày ở 2068 và BQĐ 200 ngày ở 2117 Usd/tấn (xem hình 2).
Trong điều kiện kỹ thuật hiện nay, London nằm ở thế tiêu cực. Nhiệm vụ trước mắt là giá tháng 11/17 phải vượt khỏi 2068 Usd/tấn, điều này xem ra khá dễ dàng. Nhưng vượt khỏi mức 2100 Usd/tấn để lên cao hơn coi bộ khó hơn. Vượt cho được 2117 tức BQĐ 200 ngày hiện nay là một kỳ vọng khó đạt đối với ai đang còn giữ hàng và mong giá cao hơn để bán ra.
Thị trường cà phê trong nước: Giá kỳ hạn có thể rớt sâu, giá nội địa khó giảm nữa
Thị trường cà phê nội địa tuần qua chịu sức ép giảm do các nước xuất khẩu phải chốt giá bán trên tháng 09/17 vì tới hạn. Giá cuối tuần về quanh 44,5 triệu đồng/tấn. Nhìn theo hướng tích cực, qua khỏi tháng 09/17, sức ép ấy không còn. Trong khi đó, các hãng kinh doanh và rang xay cà phê đang quay lại sau đợt nghỉ hè. Lực mua bắt đầu từ đầu tháng 09/17 sẽ xuất hiện.
Giá kỳ hạn London có thể còn sức ép xuống nhưng không vì thế mà nhất thiết giá nội địa giảm vì khu vực 44,5 triệu đồng/tấn vừa qua được xem như một rào chắn hỗ trợ lớn cho giá cà phê nội địa, nhất là khi Việt Nam đang vào thời kỳ “giáp hạt” vì niên vụ 2017/18 sẽ bắt đầu từ ngày 01/10 tới đây.
Có thể có chao đảo trên sàn London, nhưng sẽ khó thấy giá nội địa quay về 43 triệu như trong tháng trước. Mức 44 triệu có thể là mức thấp trong tuần này và dao động trong khu vực 44-45 triệu đồng/tấn…
Giá cà phê trong nước chỉ giảm xuống, có thể như mức 43 triệu đồng/tấn nếu như có nhiều người đua nhau bán khống bán trước cà phê vụ mới với mức trừ lùi rẻ. Mới đây, đã từng có doanh nghiệp sợ được mùa (?) đem bán với giá trừ 145 Usd/tấn!
NGUYỄN QUANG BÌNH trên NCIF
Hits: 94
1 Trackback / Pingback
Comments are closed.