Diễn biến thị trường từ 24/04/17 tới 28/04/17: Giá kỳ hạn tăng đúng vào ngày hết hạn chốt giá bán hợp đồng xuất khẩu.
Giá hai sàn kỳ hạn cà phê chỉ đợi đến giờ phút tận cùng của ngày giao dịch cuối tháng 4-2017 mới tăng mạnh, cũng là ngày hết quyền chốt giá bán các hợp đồng xuất khẩu cơ sở tháng 05/2017.
Như vậy, giá kỳ hạn được giải vây khi giảm áp lực tất toán bán ra không chỉ trên sàn arabica New York mà cả sàn robusta London.
Nguyên ngày hôm ấy 28-4, giá kỳ hạn arabica đóng cửa tăng 3.90 cts/lb chốt mức 133.40 cts/lb và robusta London tăng 36 Usd/tấn đạt 1946 Usd/tấn cơ sở giao dịch tháng 07/2017. Nhờ đợt tăng cuối cùng này, giá đóng cửa New York từ âm sang +0.50 cts/lb so với tuần trước đó, London cũng đỡ mất điểm sâu với kết quả chung cuộc đạt 1946 Usd/tấn để chỉ còn âm 44 Usd/tấn trong kỳ.
Nguồn: số liệu của sàn kỳ hạn và tác giả tổng hợp
Nhìn lại diễn biến giá cà phê trên hai sàn kỳ hạn cà phê London và New York trong 4 tháng đầu năm, giá giao dịch trong tháng 04/2017 xuống mức thấp nhất, thậm chí không chỉ trong giai đoạn ấy mà kể cả 7 tháng đầu niên vụ 2016/17 bắt đầu từ 01/10/2017.
Dự báo tuần này (01/05/17 tới 06/05/17): Liệu có đợt giảm mới?
Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho biết xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 03/2017 chỉ đạt 10,72 triệu 60 kg x bao, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên khối lượng xuất khẩu cà phê thế giới trong 6 tháng đầu niên vụ 2016/17 tăng 4,8% đạt 57,34 triệu bao so với cùng kỳ năm 2016 với tỉ lệ arabica 63,57% và 36,43% robusta.
Đối với thị trường cà phê, tại tháng Năm hàng năm thường là một chu kỳ giá giảm do Indonesia và Brazil vào mùa. Cũng cần nhắc lại Brazil là nước xuất khẩu số 1 thế giới về cà phê arabica và cũng là nước xuất khẩu robusta lớn thứ hai sau Việt Nam, Indonesia bán robusta đứng thứ ba. Hai nước này đã và đang vào chính vụ, hàng đang dần ra thị trường (xin xem đồ thị trên).
Dù áp lực tất toán hàng giấy và hàng thực cơ sở tháng 05/2017 đã giảm trên cả hai sàn, chu kỳ giảm trong tháng này cũng cần được lưu ý.
Trong khi đó, sàn robusta củng cố tăng lại, song chưa tìm được yếu tố bền vững vì giao dịch còn nằm dưới xa các đường bình quân động 100 và 200 ngày là 2149 và 2059 Usd/tấn.
Thị trường hình như còn phụ thuộc vào quyết định của các quỹ đầu tư: còn muốn bán thanh lý dư mua hay không.
Thị trường cà phê trong nước: Nếu London chỉnh nhanh, giá cà phê nội địa dễ vượt lên 45 triệu đồng/tấn.
Dựa theo giá sàn London, không bán được tại mức cao như 2170-2190 Usd/tấn trong tháng 04/2017 được cho là mất cơ hội vàng. Tuy nhiên, thực tế thị trường rất căng, không mấy ai tận dụng được đỉnh của giá London do giá nội địa còn căng và cao hơn giá xuất khẩu vì các doanh nghiệp mua bán lòng vòng, hệ lụy là giá thành dâng cao, không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước mạnh dạn bán tồn kho với giá mua vào khá cao.
Thật vậy, nhiều lô hàng cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ với giá mua vào bằng hoặc trên 47 triệu/tấn đã bị kẹt cứng trước đợt “sốc” bán tháo hàng giấy trên sàn, có lúc chỉ còn dưới 43 triệu đồng/tấn, mất 4 triệu đồng/tấn.
Sau một đợt giảm mạnh, thị trường nội địa đang trông chờ một đợt chỉnh tăng. Dựa trên cách tính Fibonacci, nếu lấy đỉnh là 2213 Usd/tấn kéo xuống đáy 1871 Usd/tấn, các mức chỉnh 2002, 2042 và 2082 tương ứng với 38,2%, 50% và 61,8%. Chỉ cần mức chỉnh thấp nhất trên sàn London, giá cà phê trong nước có khả năng quay lên trên 45 triệu đồng/tấn. Điều ấy không phải là quá khó.
Nguyễn Quang Bình
đã đăng trên trang Trung tâm Thông tin&Dự báo KTXH Quốc gia 3-5-2017
Hits: 44