Nhận định giá cà phê thế giới từ 28/06-03/07/2021: Chuẩn bị đón những ngày giá dao động mạnh. Nhưng liệu theo hướng tăng?

Diễn biến thị trường tuần trước: Giá tăng lại, sàn robusta xuất hiện “vắt giá”

Tại cuộc điều trần trước hạ viện Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell làm dịu bớt lo lắng của thị trường về lạm phát ghi nhận trong tháng 05/2021 tại nước này. Ông đã trấn an các thành viên quốc hội với một giọng tự tin rằng sẽ không có “siêu lạm phát” như một số dân biểu lo. Vì sao? Hoàn cảnh xảy ra lạm phát 5% trong kỳ vừa qua là do đồng một lúc các nhu cầu sản xuất và tiêu thụ khởi phát cùng một thời điểm sau khi Mỹ gỡ bỏ lệnh phong tỏa nhờ đợt chích vắc-xin chống Covid-19 đại trà. Ông khẳng định Fed có đủ công cụ để đưa thị trường và giá cả về lại ổn định để đảm bảo lạm phát quay về với mục tiêu đã đề ra quanh 2%. Nói như thế cũng có nghĩa rằng các chương trình kích cầu và áp dụng lãi suất thấp vẫn còn lý do tồn tại. Chỉ số giá trị USD (DXY) tăng nóng trước đó đã hạ nhiệt và về dưới 92 điểm.

Trong khi đó, từ Châu Âu, Thống đốc Ngân hàng EU (ECB) Lagarde Christine cũng ra bài trấn an thị trường khu vực. Bà cho rằng ảnh hưởng của lạm phát Mỹ (nếu xảy ra) lên nền kinh tế EU ắt cũng có nhưng các tác động ấy đều đã được tính toán. Bà ước lạm phát Mỹ có thể làm vùng sử dụng đồng Euro tăng tỷ lệ lạm phát chừng 0,15% nhưng sẽ giúp nền kinh tế EU tăng trưởng thêm chừng 0,30% trong khoảng thời gian từ 2021 đến 2023. Do vậy, chính sách kích cầu và áp dụng khung lãi suất thấp hiện nay tại EU chưa có gì cần thay đổi. “Nói chuyện thắt chặt lại nguồn vốn bây giờ có thể là quá sớm và chỉ tạo rủi ro thêm cho tiến trình phục hồi kinh tế đang diễn ra, và rủi ro cho cả tình trạng lạm phát thời gian phía trước,” bà Thống đốc ECB nói.

Trong khi đó, một thỏa thuận về ngân sách cải tạo và xây dựng mới hạ tầng cơ sở trị giá 579 tỷ Usd được TT Mỹ tuyên bố với sự có mặt của một số thượng nghị sỹ thuộc các phe tại Mỹ. Với thỏa thuận ấy, giới đầu tư phấn khích và tin rằng các gói kích cầu Fed đã đưa ra sẽ không dễ bị thu hồi nhanh cũng như tăng lãi suất sớm. Vả lại, được gói nhỏ thì sẽ có gói to hơn…TT Mỹ đã đề xuất gói chi tiêu hạ tầng lớn đến 4 nghìn tỷ Usd.

Nhờ vậy, chỉ trong vòng một tuần qua, giá chỉ số chứng khoán Mỹ 3 lần đạt kỷ lục lịch sử. Dow Jones đạt 34.433,84 điểm, S&P500 đạt 4.280,69 điểm.

Giá cà phê phái sinh và trong nước đều tăng nhờ các yếu tố tích cực từ kinh tế vĩ mô, mặt khác chỉ số giá trị Usd (DXY) giảm và đồng nội tệ Brazil (Brl) trong cặp tỷ giá Usd/Brl tăng cũng tạo nên cơ sở vững chắc cho đợt tăng tuần qua.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê

So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn của 2 sàn được ghi nhận như sau: sàn arabica New York tăng lên 130.756 tấn so với tuần trước là 129.765 tấn, sàn robusta thuộc sàn London giảm xuống 151.810 tấn so với tuần trước là 153.180 tấn. Trong khi tồn kho New York tăng thì London liên tiếp giảm. Đây là một yếu tố giúp giá sàn robusta tăng lại và tạo nên hiện tượng vắt giá ngay trong ngày giao dịch cuối tuần trước.

Tình hình cung-cầu cà phê 2021 và 2022: USDA

Bộ Nông nghiệp Mỹ hiệu chỉnh các con số cung-cầu cà phê thế giới cho niên vụ sắp tới 2021-2022 như sau: tổng sản lượng đạt 164,8 triệu bao (bao=60kg) giảm 11 triệu bao so với vụ trước đó. Tồn kho cuối kỳ mang sang là 32 triệu bao, giảm 7,9 triệu bao. Tiêu thụ ước đạt 165 triệu bao, tăng 1,8 triệu bao. Xuất khẩu cà phê toàn cầu chừng 115,5 triệu bao giảm 4,8 triệu bao.

Dù nói là sắp tới, nhưng Brazil đã thu hoạch cà phê mới niên vụ thuộc chu kỳ “mất mùa”. Như vậy, để tránh ngộ nhận, Brazil đã thu hái gần một nửa sản lượng vụ mới và đã bán phần nhiều. USDA ước sản lượng robusta tăng lên mức kỷ lục 21,3 triệu bao dù trong năm mất mùa. Năm sau 2022, Brazil lại vào năm được mùa.

Về nhập khẩu, USDA ước EU giảm 2,5 triệu bao, chỉ khoảng 42,5 triệu bao trong đó thị phần Brazil là 34%, Việt Nam 24%, Honduras và Colombia cộng lại chừng 14%. Tồn kho tại EU ước cũng giảm 2,1 triệu bao còn 14 triệu bao. Mỹ sẽ nhập khẩu chừng 24,2 triệu bao so với năm nay là 24,5 triệu bao, trong đó 30% từ Brazil, 21% từ Colombia, 11% từ Việt Nam. Tồn kho tại Mỹ ước còn 5,7 triệu bao, giảm 0,7 triệu bao.

Giá cả

Giá cà phê phái sinh có một tuần tìm cách chinh phục lại các đỉnh cũ. Hai sàn có kết quả tăng khá tốt với hiện tượng “vắt giá” trên sàn London.

Ngay vào ngày thông báo giao hàng cho tháng 07/2021 (25/06), giá tháng 07/2021 bùng lên mạnh, trong phiên có lúc tăng 114 Usd/tấn để chạm 1.745 Usd/tấn để đóng cửa dương 68 Usd chốt tại 1.699 Usd/tấn, cao hơn giá tháng 09/2021 đến 20 Usd. Tuy nhiên, đấy chỉ là hoạt động của thị trường kỳ hạn “hàng giấy”, trong khi thị trường hàng thực chỉ được giao dịch từ tháng 09/2021 trở đi.

“Vắt giá” được hiểu là hiện tượng nghịch đảo trên bảng tổng sắp giá của sàn phái sinh, giá tháng giao dịch gần cao hơn tháng xa. Trong điều kiện bình thường, giá tháng xa cao hơn để người giữ hàng dài ngày trang trải các chi phí như lãi suất vay ngân hàng, lưu kho, hao hụt tự nhiên cho cà phê giao xa. Một khi “vắt giá”, nên được hiểu do tình trạng thiếu hàng cục bộ cho tháng giao hàng theo kỳ hạn gần nhất. Cụ thể trong đợt này là giá cước tàu tăng cực cao, các khâu trong chuỗi cung ứng tắc nghẽn lâu dài, hàng từ các nước như Việt Nam và Indonesia không đi được mà hệ lụy là cà phê tồn kho đạt chuẩn giảm “bền vững” trên sàn có hiện tượng vắt giá là robusta London.

Cũng cần thấy rằng do giá cước tàu biển cao, giá phái sinh London trên tháng giao hàng được đẩy lên nhằm yêu cầu người nhận hàng hãy sẵn sàng trả tiền cước tàu và các chi phí phát sinh khác. Qua vắt giá, giá tháng 09/2021 và các tháng sau cũng được “ăn theo” nhưng không phải lúc nào cũng nhất thiết như thế. Một điều khác là thông qua đợt giá được đẩy lên cao, nhà nhập khẩu nắm cơ hội đưa giá mua xuống rẻ hơn để phần nào bù cước tàu biển hiện nay.

Như vậy, vắt giá tháng 07/2021 đã giúp tháng 09/2021 phục hồi. So tuần với tuần, giá hai sàn kỳ hạn cơ sở kỳ hạn tháng 09/2021 đến 25/06/2021 có kết quả như sau:

-Sàn robusta tăng 63 Usd chốt tại 1.679 Usd/tấn với biên độ dao động 1.682/1.585 so với đỉnh mới nhất là 1.693.

-Giá arabica tăng 5.85 cts/lb hay 129 Usd/tấn chốt tại 157.80 cts/lb trong biên độ 158.25/149.05.

-Cà phê robusta loại 2, tối đa 5% đen vỡ trong nước tuần qua có lúc lên mức 36,5 triệu đồng/tấn, là mức cao nhất tính từ quý 4/2018. Tuy nhiên, giá cà phê xuất khẩu tính trên chênh lệch giữa giá ở cảng lên hàng với giá niêm yết lại xuống mức trừ thấp nhất tính đến từ cả chục năm trở lại. Hiện nay, người mua đang trả giá -130/-150 Usd/tấn FOB dưới giá niêm yết sàn London, so với giữa năm 2020 là +200/+230 Usd/tấn, giảm từ 330-380 Usd/tấn.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 28/06-02/07/2021: Áp lực mua xuất hiện, giá còn tăng?

Tiếp nhận tín hiệu tích cực từ tuần kết thúc ngày 18/06 (1), sàn robusta phát huy hết cỡ để nâng giá lên cao trong tuần qua. Các biểu hiện đó là:

-Từ chối xuống chạm đáy 1.581 và giao dịch dày đặc quanh vùng 1.585+;

-Cú chạy nước rút vào 3 ngày cuối tuần London đều có giá đóng cửa trên mức tâm lý quan trọng 1.600.

-Vượt nhanh khỏi các mức kháng cự vùng 1.620/1.630 rồi 1.650, London đã thẳng tiến lên 1.682 khi chỉ còn mươi Usd là chạm đỉnh cao nhất gần đây tại 1.693.

Áp lực mua trong kỳ vắt giá cơ sở tháng 07/2021 chưa dứt, nên tháng 07/2021 càng tăng, có thể còn nâng giá tháng 09/2021 lên “theo yêu cầu” mà xem nhẹ các điểm kỹ thuật trong những ngày tới.

Nói thế để thấy rằng giá tháng 09/2021 còn điều kiện tăng ít nhất trong những ngày đầu tuần nhờ sức mua của tháng 07/2021 và yếu tố kỹ thuật sẽ rất bất chừng.

Tuy vậy, cần lưu ý các điểm sau đây:

-Hướng tăng, dứt khoát London phải vượt qua 1.693/1.699 mới có đà tăng thực sự. Thật ra, đạt được điều này cũng dễ vì hầu hết các hợp đồng hàng thực (xuất khẩu) giao dịch trên tháng 09/2021 đã chốt giá bán gần hết. Nếu như bung qua được vùng 1.700-1.705, giá không ngần ngại lên vùng 1.730/1.745 như một các tiếp thụ kết quả của tháng 09/2021 đối với tháng 07/2021.

-Hướng giảm: Khu vực có thể hóa giải phần nào hướng tích cực của sàn robusta là mức 1.621 (MA10 và 20).

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Giá cà phê trong nước sẽ không theo giá thế giới vì phải chịu tiền vận tải.  

Giá cà phê nội địa loại 2, tối đa 5% đen vỡ đến đầu tuần quanh mức 36,2 triệu đồng/tấn tương đương với giá niêm yết sàn London 1.575 Usd/tấn. Tuy nhiên, cần cộng thêm giá xuất khẩu hiện ở mức trừ và chi phí chừng 165 Usd/tấn, tức phải đến 1.740 Usd chưa tính lãi mới xuất hiện lực bán từ Việt Nam vì bấy giờ giá đầu vào và đầu ra gặp nhau. Song mức này có lẽ chỉ được hưởng thêm một thời gian ngắn nữa vì hợp đồng xuất khẩu có giá cộng vẫn còn trong tay một số nhà xuất khẩu hiếm hoi.

Giá tăng thường cũng gặp áp lực chốt giá từ Brazil và Indonesia. Như ở Việt Nam, tại mức đóng cửa 1.679 hiện nay, có thể London chưa chịu áp lực bán hàng thực mà có thể gặp tại vùng 1.720 trở lên do giá thành và chi phí tại hai nước kia mềm hơn, cước vận tải biển thấp hơn so với mức kỳ vọng của các nhà xuất khẩu Việt Nam là 1.750 Usd/tấn.

Giá cước vận tải biển tuần qua đột biến tăng cực mạnh. Tờ “The Loadstar” ra ngày 25/06/2021 đưa tin rằng giá cước 1 container 40 feet từ các cảng Trung Quốc đến Bắc Âu chạm mức 25.000 Usd/40f cont, từ cảng Thượng Hải đi Los Angeles (Mỹ) đã lên đến 32.000 Usd/40f cont. Báo này còn nói đã từng thấy cước tàu từ Trung Quốc sang Felixstowe và Southampton (Anh Quốc) đã được ghi nhận 18.000 Usd/40f cont.

Như vậy, cần chuẩn bị tinh thần để đón nhận một đợt giá cà phê tăng mạnh. Nhưng các nhà xuất khẩu và nông dân các nước sản xuất không thu lợi nhờ giá tăng mà chủ yếu để trả tiền vận tải.

Chính vì thế, giá cà phê nội địa trong những ngày tới sẽ có hiện tượng giá sàn phái sinh tăng mạnh, giá cà phê và một số mặt hàng nông sản thương phẩm xuất khẩu trong nước chỉ tăng cầm chừng, nhưng một khi giá xuống, sẽ giảm rất nhanh và mạnh.

Dự kiến giá cà phê trên thị trường nội địa tuần này dao động trong biên độ 37 triệu đến 35,8 triệu đồng/tấn.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 76