Nhận định giá cà phê thế giới từ 27-31/07/2020: Xu hướng còn tăng?

Tính toán mua bán trên mạng.

Diễn biến thị trường cà phê tuần 20-25/07/2020: Giá cà phê phái sinh tăng tốt

Hình 1   

Bối cảnh thị trường

Giá cổ phiếu các châu lục trong 2 ngày cuối tuần trước giảm, ngược lại giá vàng tăng hướng lên mức cao kỷ lục 1.920 Usd/ounce lập vào tháng 09/2011.

Chính phủ Mỹ quyết định đóng cửa Lãnh Sự Quán Trung Quốc tại Houston, bang Texas (Mỹ), thậm chí còn bóng gió sẽ đóng cửa một số văn phòng đại diện ngoại giao Trung Quốc trên khắp nước Mỹ. Trung Quốc đáp trả bằng cách đóng cửa LSQ Mỹ tại Thành Đô (Tứ Xuyên). Động thái này làm leo thang căng thẳng quan hệ hai cường quốc nhưng lại làm giá trên các sàn chứng khoán quay đầu.

Giữa một chỉ số giá trị đồng Usd (DXY) giảm mạnh từ mươi ngày nay, gặp thêm tin lượng người mất việc tại Mỹ tăng theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, giới đầu tư lớn nhỏ tìm sàn vàng làm nơi trú ẩn an toàn cho nguồn vốn của họ. Đến nay ước chừng 20 triệu người thất nghiệp tại Mỹ.

Hai thị trường cà phê tuần qua hoạt động tốt trong một bối cảnh có lợi thế một đồng Usd rẻ, nhất lại khi giá cổ phiếu đã cao. Nhưng do căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung Quốc tăng, giới đầu tư tạm thời chưa muốn mua thêm cổ phiếu mà chia vốn sang các sàn hàng hóa kể cả nhóm năng lượng, kim loại và nông sản.

Đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành tại nhiều quốc gia tiêu thụ cà phê. Nhiều nước đã gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, khuyến khích làm việc từ nhà nếu có thể. Mỹ hỗ trợ mỗi người thất nghiệp 600 Usd/tuần cho đến hết tháng 07/2020. Vấn đề đặt ra là từ đầu tháng 08/2020, dù cho người mất việc được hỗ trợ tài chính nhưng với số tiền ít hơn, sức tiêu thụ cà phê sẽ giảm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tiêu thụ cà phê yếu ảnh hưởng tiêu cực lên cà phê arabica nhiều hơn và robusta có thể không đáng kể, hay trong một kịch bản tích cực, robusta được yêu chuộng hơn nhờ lợi thế robusta được sử dụng làm cà phê hòa tan và giá rẻ hơn arabica.

Đến rạng sáng 25/07/2020, thế giới ghi nhận gần 16 triệu ca lây nhiễm Covid-19 và trên 640 nghìn người chết. Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nga là những nước có ca lây nhiễm hàng đầu. Như vậy, trong 4 nước bị dịch hoành hành mạnh nhất, có 2 nước sản xuất và 2 nước tiêu thụ cà phê lớn.

Tình thế đang giúp các nước sản xuất robusta có nhiều cơ hội trên thị trường cà phê giữa đại dịch Covid-19 hơn. Đó là một thực tế. Tuy nhiên, nhiều nhà xuất khẩu cà phê không khỏi bối rối khi làn sóng thua lỗ và vỡ nợ đang xuất hiện đây đó, không chỉ ở trong nước mà tại nhiều nơi khác. Dù nguồn vốn được các ngân hàng trung ương cung ứng dồi dào, nhưng không ít doanh nghiệp chưa bắt kịp tình hình mới, đã không thay đổi cung cách mua bán cho phù hợp, nên tự gây khó khăn cho mình và cho bạn hàng.

Vài nét nổi bật về tình hình cung-cầu trong tuần

Tiêu thụ cà phê dự kiến tăng

Fitch Solutions (Đức) dự báo chi tiêu cho tiêu thụ cà phê toàn cầu 2020 tăng 5,8% so với 2019. Bình quân chi tiêu cho thức uống này thời kỳ 2015-2019 trước đây chỉ +1%. Dịch Covid-19 đã giúp cho người dân các nước tiêu thụ cà phê tại nhà nhiều hơn vì nhiều người phải làm việc tại nhà.

Nhịp độ thu hái tại Brazil

Hợp tác xã cà phê lớn nhất thế giới Cooxupé tại Brazil cho biết tính đến 17/07/2020, họ chỉ thu hái được 52,15% so với cùng kỳ 2019 lên đến 75,40%. Do dịch Covid-19 ngăn cản thu hái là một phần nhưng vì trong vùng do HTX này quản lý bội thu. Tuyệt đại bộ phận cà phê của Cooxupé là arabica chế biến khô (naturals).

Xuất khẩu cà phê chất lượng cao Brazil ngày càng mạnh

Tại một hội nghị trực tuyến do hãng chế tạo máy chế biến cà phê Pihalense từ Sao Paolo (Brazil) ngày 23/07/2020, ông Carlos Brando cho biết trong 40,7 triệu bao cà phê xuất khẩu năm 2019, Brazil đã xuất khẩu 12 triệu bao cà phê đặc sản và hàng cao cấp (differentiated) tức chừng 29,5%. Cà phê xuất khẩu các phẩm cấp này thường có giá tốt hơn nhiều và ít bị giá các sàn phái sinh chi phối nhờ tham gia vào chuỗi cung ứng cố định. Số lớn còn lại là cà phê thương mại (commercials). Buôn bán cà phê thương mại hay bị các sàn phái sinh khống chế giá, các nhà kinh doanh và rang xay thường chọn giá thấp nhất để mua.

Giá cả (xem hình 1)

Thêm một tuần hai sàn cà phê phái sinh có giá tăng tốt. Đến ngày 25/07/2020, giá robusta lên mức cao nhất tính từ năm tháng rưỡi và arabica chạm mức cao nhất từ hai tháng nay. Kết quả chung cuộc như sau:

-Sàn robusta London tăng 65 Usd chốt tại 1.358 Usd/tấn trong biên độ dao động cao/thấp 1.369/1.237. Như vậy, chỉ trong 2 tuần, giá đóng cửa sàn robusta tăng 161 Usd/tấn.

-Sàn arabica New York tăng 6.10 cts/lb hay +135 Usd/tấn đứng tại 108.40 cts/lb với biên độ 109.30/98.40.

-Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ trong nước dao động trong khung 32-33 triệu đồng/tấn, mức cao về phía cuối tuần. Giá cà phê xuất khẩu cùng loại giảm mạnh từ 170 Usd/tấn giao hàng qua lan can tàu (FOB) xuống còn 120-140 Usd/tấn. Chỉ cách nay chưa đầy một tháng, thị trường giao dich mức 220-240 Usd/tấn FOB.

-Các tác động giúp giá cà phê 2 sàn phái sinh tích cực gồm: 1) chỉ số giá trị đồng Usd (DX) giảm mạnh; 2) đồng nội tệ Brazil dao động trong vùng yếu; 3) dự báo tăng chi tiêu cho tiêu thụ cà phê (như đã nói trên); 4) các quỹ đầu tư tài chính trên hai sàn cà phê giảm mạnh lượng hợp đồng dư bán; 5) tin vùng cà phê Brazil có thể đón nhận đợt rét vào đầu tuần này.

Riêng vị thế kinh doanh trên sàn London, tính đến ngày khóa sổ vị thế kinh doanh (21/07) của nhóm đầu tư tài chính, họ đã thanh lý mua lại 16.665 để còn 24.989 hợp đồng dư bán.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 27-31/07/2020: Hướng tăng còn mở?

Hiện tượng đáng ghi nhận nhất về kỹ thuật trong tuần trước là London chưa kịp chỉnh để cân đối khi chỉ báo RSI đã vào vùng mua quá mức (tham chiếu là 70%) thì giới kinh doanh trên sàn quay ngược lại mua. Đến đầu tuần này RSI 14 ngày vẫn còn ở tại 75%.

Băng khỏi 1.307 và 1.315, giá London được mở rộng đường tăng (1) . Đứng ở thời điểm đóng cửa phiên 24/07/2020 tại 1.358 trong biên độ dao động cao/thấp nhất 1.369/1.237 để xem xét, có thể nói rằng điểm nghẽn hiện nay của sàn robusta là đã vào vùng mua quá mức, nhưng hướng tăng đang rộng mở.

Tuy nhiên cũng cần hiểu rằng chỉ báo RSI không đóng vai trò quyết định mấy cho xu hướng chung một khi các quỹ đầu tư tài chính và giới kinh doanh trên sàn cố tình tháo chạy khỏi vị thế dư bán. Cho nên, chỉ cần một phiên chỉnh giảm nhẹ, giá có thể phục hồi ngay như diễn biến xảy ra trong ngày giao dịch gần nhất, đầu phiên giảm 19 cuối phiên bù được phần âm rồi tăng 17 Usd/tấn.

Hình 2 (nguồn: Phan Trọng Anh)

Các kịch bản cho giá robusta London trong tuần này:

-Hướng tích cực: Xét về xu hướng chung, tính từ 22/04/2020 bấy giờ đáy là 1.132, diễn biến giá trên sàn London đi theo cách đỉnh và đáy thời gian sau cao hơn trước. Nhưng dao động mạnh và bất ngờ chỉ bắt đầu từ khi có đáy 1.144 ngày 26/06/2020 với những phiên tăng/giảm mạnh ngay trong từng ngày giao dịch. Điều này có thể đoán rằng giới kinh doanh trên sàn như muốn thay đổi vị thế kinh doanh là giảm lượng hợp đồng dư bán bằng cách mua lại hay mua mới.

Nhìn vào đồ thị do nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh cung cấp, ta thấy hướng lên có thể đạt đến trong vùng 1.450-1.550 nếu như không bị tắc nghẽn bởi các yếu tố kỹ thuật khác như RSI +70%. Mặt khác, cần thấy rằng trong chiều hướng đang tăng, giá lên hấp dẫn giới kinh doanh hàng giấy nhỏ lẻ nên lượng hợp đồng dư mua có thể tăng nhanh và mạnh. Đấy là lý do để có thẩ thấy trước có lúc giá “sập sàn” bất ngờ.

Tuy vậy, giá London về ngắn và trung hạn, nhìn vào đồ thị không ai dám nói sẽ xấu, nhất là khi giá đóng cửa 24/07/2020 nằm trên tất cả các mức bình quân động.

-Hướng tiêu cực: Không phụ thuộc mấy vào kỹ thuật nhưng có thể chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố bất ngờ khác từ bên ngoài như khi chỉ số DX phục hồi mạnh và/hay đồng nội tệ Brazil giảm mạnh. Theo kịch bản xấu, có thể thấy rằng hướng tăng sẽ bị hóa giải nếu như giá đóng cửa London lúc nào đó giảm về khu vực 1.318 (đáy 21/07) -1.313 (MA200). Bấy giờ được xem là cú đảo chiều quyết định (key reversal) làm thay đổi hướng giá (đi xuống) trong một thời gian ngắn hay dài tùy môi trường kỹ thuật mới.

Tóm lại, bức tranh chung về kỹ thuật hiện nay của sàn robusta là tích cực. Các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giá không phải vì Brazil được mùa mà giá xuống. Nhưng nó sẽ chịu tác động của giá trị đồng tiền như DX và đồng nội tệ Brazil. Các yếu tố này thường bất ngờ đối với người có thói quen chú ý đến cung-cầu.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Giá cà phê phái sinh tăng 65 Usd/tấn, giá nội địa không lên đồng nào!  

Từ hai tuần trở lại đây, dù giá sàn phái sinh robusta tăng trên 160 Usd/tấn, giá cà phê nội địa không tiến triển mấy. Tính đến đầu tuần, giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ quanh mức 33 triệu hay nhiều nơi tại Tây Nguyên còn thấp hơn mức ấy.

Giá cà phê xuất khẩu loại 2 như đã nói từ +220/+240 Usd/tấn FOB, tuần trước xuống +150/+170 và nay chỉ còn +120/+140 Usd/tấn FOB. Rõ ràng giá phái sinh tăng mạnh, nông dân và người kinh doanh ở các địa phương không thêm lợi lộc gì.

Nói vậy để thấy rằng không phải lúc nào giá phái sinh tăng là giá nội địa phải lên theo. Mỗi đợt tăng thường là cơ hội để người mua trong và ngoài nước kéo giá xuất khẩu xuống.

Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng đấy chưa chắc là người mua ép giá mà quan trọng là xem lại cách mua bán: cà phê ghim để đầu cơ giá lên và/hay bán gởi kho theo phương thức “trừ lùi và cộng tới” (differentials) thường khó được hưởng lợi khi giá London tăng, nhất là khi giá xuất khẩu có giá cộng cao hơn nhiều so với giá niênm yết London. Nên chăng cứ thấy được giá so với đầu vào là nên bán để tránh những chi phí phát sinh như hao hụt và lãi ngân hàng.

Dù nhận định kỹ thuật cho giá London còn tăng, nhưng mức cộng thêm cho giá xuất khẩu còn có thể bị trừ bớt nên ảnh hưởng trực tiếp đến giá trong nước. Giá cà phê nội địa tuần này khó vượt khỏi 33,5 triệu đồng/tấn dù giá phái sinh có tăng 50 Usd/tấn. Nhìn hướng xuống, xu hướng vững trên sàn có thể bảo đảm rằng giá cà phê nội địa khó xuống dưới 32 triệu đồng/tấn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nhận định giá cà phê thế giới từ 18-25/07/2020: Giá lên mạnh, thị trường vào vùng mua quá mức”, Nguyễn Quang Bình, tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22130
  2. Các đồ thị và tư liệu trong bài có tham khảo từ các trang: “ncif.gov.vn”, “barchart.com”, “theice.com”, “thitruongcaphe.net”.
Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 34