Nhận định giá cà phê thế giới từ 27/09-02/10/2021: Giá robusta đã đụng đỉnh rồi sao?

Diễn biến thị trường tuần trước: Chi phí sản xuất tăng gây áp lực tăng lên giá cà phê?

Thị trường tài chính bớt lo sau phiên họp giữa tuần trước của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi họ thông báo sẽ thu hồi dần vốn mua nợ trị giá 120 tỷ Usd/tháng trong chương trình kích cầu trong đại dịch. Kế hoạch đưa ra có thể bắt đầu từ cuối năm nay đến giữa năm sau. Giới đầu tư tài chính cũng giảm căng thẳng khi đại gia bất động sản Trung Quốc Evergrande bán một phần trái phiếu doanh nghiệp để trả nợ đáo hạn. Ngân hàng trung ương nước này đã bơm vào thị trường vốn hơn chục tỷ Usd nhằm tăng năng  lực thanh khoản tránh vỡ nợ dây chuyền. Số nợ của đại gia bất động sản này ước lên đến 300 tỷ Usd.

Thế nhưng thế giới lại vào cơn sốt mới. Đó là giá năng lượng tăng chóng mặt, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, không những thế giá thành sản xuất nhiều mặt hàng thiết yếu tăng theo. Mươi ngày qua, giá hợp đồng phái sinh khí thiên nhiên tại Mỹ tăng chóng mặt, lên mức cao nhất tính từ bảy năm rưỡi nay (hình 1 bên trái). Trên thị trường tiêu thụ, tính từ đầu năm đến nay, giá khí đốt tại châu Âu tăng 250% trong khi tại châu Á tăng 175%. Giá khí đốt tăng kéo theo giá điện tại nhiều nước Âu Mỹ tăng. Nhiều nhà sản xuất thép, phân bón…phải ngừng sản xuất hay giảm công suất. Các nước ôn đới đang lo mùa rét tới nhiều nơi thiếu chất đốt.

Nhờ vậy, giá dầu thô hợp đồng Brent tăng lên mức cao nhất  tính tháng 07/2021 và WTI chạm đỉnh lập cách nay ba năm, giá khi đóng cửa quanh mức 79 Usd và 74 Usd/thùng tương ứng với hai hợp đồng.

Giá nhiên liệu và vận tải tăng ắt sẽ đẩy giá nguyên liệu đầu vào và giá thành sản xuất nông sản tăng, trong đó có cà phê. Thị trường cà phê arabica tại Mỹ tăng rất tốt nhưng vẫn chưa kịp theo giá các sàn hàng hóa nhiên liệu. Dù sao, đây là cơ sở để có thể tin rằng giá cà phê trong những ngày tháng tới còn có dịp tăng khi thế giới sắp vào niên vụ mới 2021-2022.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê

So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn thuộc hai sàn đều giảm: sàn arabica đạt 127.385 tấn, giảm so với 129.862 tấn, sàn robusta London tiếp tục giảm xuống còn 128.010 tấn so với tuần trước là 131.270 tấn.

Vị thế kinh doanh của các quỹ đầu tư trên 2 sàn

Tính đến ngày khóa sổ kinh doanh hàng tuần (21/09), các quỹ đầu tư cà phê thiên về mua. Khối lượng hợp đồng dư mua trên sàn London đạt 34.859 hợp đồng so với trước đó là 30.222 và New York là 38.433 so với lượng trước nữa là 36.770 hợp đồng mua ròng.

London với 35 nghìn hợp đồng dư mua là nhiều, cần phải giảm bớt trước khi muốn chọn hướng giá cao hơn. New York với 38,5 nghìn hợp đồng nhưng sau khi khóa sổ tăng mạnh. Ước sàn này hiện nay có thể lên trên 40 nghìn hợp đồng.

Giá cả

Nếu như tuần trước, giá London tăng rất mạnh nhưng arabica New York giảm, thì tuần này ngược lại arabica phục hồi rất tốt nhưng robusta giảm nhẹ.

Qua hai tuần giao dịch liên tiếp, điều gây chú ý là giữa hai sàn giao dịch như hoán đổi vị thế nhau khi mua bán. Trò chơi giá cách biệt giữa hai bên rất rõ, chỉ trong vòng một tuần chênh lệch giá giữa sàn arabica với robusta trên 10 cts/lb. Nếu nhìn từ góc độ này, tuần qua các quỹ đầu tư mua New York và bán London.

Kết thúc tuần, hai sàn có kết quả như sau:

-Giá robusta giảm 3 Usd chốt tại 2.148 Usd/tấn với biên độ dao động 2.180/2.103.

-Sàn arabica tăng 6,35 cts/lb hay +140 Usd/tấn trong biên độ dao động 198.05/184.85.

-Dù đồng nội tệ Brazil BRL giảm trong cặp tỷ giá USDBRL (hình 1), nhưng giá arabica vẫn tăng tốt. Chỉ số giá trị đồng USD là DXY trong tuần dao động khá mạnh nhưng kết quả cuối tuần tăng. Thường thì đồng BRL mất giá và DXY được giá, giá cà phê giảm nhưng tuần trước lại tăng. Giới kinh doanh tập trung giao dịch giá cách biệt giữa hai sàn (arbitrage) mà quên yếu tố này chăng?

-Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ được chào bán quanh mức từ 41-41,5 triệu đồng/tấn và giá xuất khẩu của nó được hỏi mua từ trừ 200 đến 250 Usd/tấn FOB dưới giá London cơ sở giao dịch tháng 01/2022.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 27/09-01/10/2021: Chờ cú vượt “vũ môn”.

Sau một đợt tăng dài không ngơi nghỉ từ đầu tháng 08/2021, tuần trước, giá robusta London tạm dừng chân tại khu vực 2.180. Thật vậy, cả tuần, giá sàn này dính mắc trong vùng 2.176/2.178 rồi chạm 2.180 lại quay đầu (hình 2).

Tuy nhiên, khi quay đầu, London không muốn giảm sâu dù vẫn còn nằm trong vùng mua quá mức. Tính đến trước khi mở cửa ngày 27/09/21, RSI14=72,51% so với tham chiếu là 70%, điều này cho biết hướng lên vừa qua không thể mạnh vì có lúc RSI14 lên trên 80%. Chỉ có điều lạ là tại sao thị trường khi thanh lý bớt vị thế, thà giảm mạnh một lần rồi tìm cách phục hồi ở các mức cao hơn trên 2.200?

Nói vậy để thấy rằng trước mắt hướng tăng còn khó khăn một khi London không lướt qua được vùng 2.172-2.180 với lượng hợp đồng giao dịch lớn. Để khẳng định được hướng tăng, London chỉ cần chứng tỏ một phiên có giá đóng cửa trên 2.180, thì đó là dấu hiệu hướng qua 2.200 rộng mở.

Về hướng xuống, vùng 2.100 có vẻ vững chắc vì nó vừa là mức tâm lý quan trọng vừa trên nó là một vùng với nhiều mức hỗ trợ tại 2.103-2.108. Hướng tích cực của sàn robusta chỉ bị hóa giải một phần khi để mất vùng 2.085/2.090 (MA20).

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Tại sao mua bán không mạnh?

Cả tuần, sau khi London vượt khỏi đáy 2.103 để đi lên, sàn đã chọn hướng giao dịch tích lũy. Hầu như cả tuần giá đều “đi ngang” nên giá cà phê nội địa cũng dao động chủ yếu trong biên độ 41-41,5 triệu đồng/tấn.

Sức mua từ các nhà nhập khẩu chưa thấy xuất hiện mấy, khả năng vì các lý do sau:

-Người bán chưa chấp nhận giá xuất khẩu tính trên chênh lệch so với giá niêm yết quá thấp, trên 200 Usd/tấn FOB dưới giá London chẳng hạn.

-Lo ngại rủi ro về giá một khi London tăng cao, hàng khó giao do người bán có thể thiếu chân hàng do bán khống.

-Lệnh phong tỏa đang còn được áp dụng tại nhiều vùng sản xuất và trung tâm logistics, làm các bên mua bán chưa định được hướng kinh doanh vì mua bán xong, liệu hàng khi nào mới đi được.

Còn đúng một tuần nữa là thế giới vào niên vụ cà phê mới 2021-2022. Giá cà phê nội địa trong tuần chắc chưa thay đổi nhiều, từ 41-41,7 triệu đồng/tấn.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 111