Nhận định giá cà phê thế giới từ 27/06-02/07/2022: Giá cà phê nội địa vững hoàn toàn không nhờ giá phái sinh

Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê tuần trước: Sản lượng cà phê toàn cầu sẽ nhiều hơn

Hình 1 (*Cơ sở giao dịch London và New York tháng 09/2022)

Không ít chuyên gia kinh tế nhiều nước cho rằng xác suất kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái rất cao. Tại Mỹ, người tiêu dùng cho rằng suy thoái trong thực tế đã hiện diện trong cuộc sống hàng ngày.

Suy thoái kinh tế thông thường được hiểu là giai đoạn thụt lùi tạm thời hoạt động kinh tế của một quốc gia. Nếu như nước nào có mức tăng trưởng GDP hai quý liên tiếp giảm, thì được cho là “rơi vào suy thoái”.

 

Hình 2 Mức tăng lãi suất và tỷ lệ lạm phát tại một số nước

Không chỉ ở Mỹ, nhiều nước tiêu thụ cà phê khác cũng đang “sốt vó” tìm cách khống chế lạm phát. Đồ thị (hình 2) phía trên nói lên bức tranh lạm phát và mức tăng lãi suất của một số nước tiêu thụ cà phê, có thể ảnh hưởng đến thị trường cà phê sau này.

Ngay tại các nước sản xuất cũng còn đầy khó khăn. Tuần qua, đồng nội tệ Brazil (Brl) trong cặp tỷ giá USDBRL giảm xuống mức sâu nhất tính từ 4 tháng chốt tại 5,24 Brl ăn 1 Usd dù ngân hàng trung ương Brazil đã tăng lãi suất điều hành đồng tiền này thêm 0,50% trong tháng 06/22 và là lần tăng thứ 11 từ tháng 03/22 đến nay.

Giá trị đồng nội tệ tại nước sản xuất cà phê giảm làm tăng lực bán xuất khẩu, trong đó có cả Việt Nam.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê

Tính đến ngày 23/06, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn so với báo cáo tuần trước như sau: robusta London đạt 104,610 so với 103.810 tấn, arabica New York giảm xuống dưới 1 triệu bao nay còn 969.421 bao hay 59.918 tấn, là mức thấp nhất tính từ hơn hai chục năm.

Vài dự báo tiêu thụ cà phê

Thị trường cà phê hòa tan toàn cầu ước đạt đến 17,3 tỷ Usd vào khoảng năm 2027. Các thị trường tăng trưởng nhanh nhất dự kiến là Trung Đông, Đông Âu và Đông Nam Á.

Tiêu thụ cà phê tại nơi làm việc ở Mỹ ước tăng 24% và năm 2026 với doanh số chừng 4,4 tỷ Usd.

Starbucks Trung Quốc có kế hoạch mở đến 6.000 quán đến cuối năm nay. Starbucks đang đầu tư một Công viên sáng tạo cà phê tại Kunshan, phia đông Trung Quốc. Đây là trung tâm điều hành phân phối sản phẩm cà phê cho toàn Trung Quốc.

Dự báo sản lượng cà phê của USDA

Dự báo sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2022/23 của Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) tăng 4,7% so với năm ngoái đạt 174,95 triệu bao chủ yếu nhờ Brazil vào năm được mùa của chu kỳ hai năm một lần. USDA ước tồn kho cuối vụ toàn cầu cũng tăng 6,3% đạt 34,704 triệu bao. Đây được cho là lý do làm giá sàn phái sinh cà phê phiên cuối tuần qua rớt mạnh.

Giá cả

Dù trong từng phiên giao dịch giá cà phê phái sinh hai sàn dao động rất dữ nhưng cả hai đều không vượt được đỉnh cũ nên phải quay về. Đặc biệt, cú đảo hướng vào ngày thứ năm đã đưa đến hệ quả giá giảm tiếp ngày hôm sau và cho kết quả chung cả tuần giảm.

Diễn biến giá tháng 09/22 như sau:

-Robusta London chốt tại 2.044 mất 35 Usd trong biên độ 2.121-2.039.

-Arabica New York giảm 4,15 cts/lb hay 91,50 Usd/tấn chốt tại 223.25 cts/lb.

-Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ giao dịch giá thực tế trên 44,3 triệu đồng/tấn, tăng hơn tuần trước đó 0,3 triệu đồng. Giá nội địa tăng nhờ VND mất giá so với Usd.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 27/06-01/07/2022: Giá London bị khóa chặt trong vùng giao dịch “tích lũy”

Sàn robusta vẫn không thoát khỏi đỉnh cũ tại vùng 2.150 (xuất hiện 4 lần) và rất hiếm khi giảm qua mức 2.000 chỉ trừ một lần duy nhất chạm phải 1.990 (03/03/22) rồi từ đó quay lên tăng.

Đồ thị của nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh cho thấy từ ngày quay ngược tăng từ 1.990 đến nay gần tròn 4 tháng, nhưng giá London vẫn bị khóa chặt. Riêng về vùng hỗ trợ, giá khu vực 2.030+/- chi chít xuất hiện. Như vậy, có thể nói rằng vùng dao động 2.030-2.130 (+/-100 Usd) được xem như là chỗ “nghỉ chân” cho giá London cho đến khi thực tế thị trường có biến động về cung cầu hay về chính sách tiền tệ mới.

Hình 3 – Diễn biến giá cà phê robusta London cơ sở tháng 09/2022 (nguồn: Phan Trọng Anh)

Chốt tại 2.044, bức tranh kỹ thuật tuần này là tiêu cực. Vấn đề là London không được đánh rơi vùng hỗ trợ như đã nói. Nếu như để mất 2.030 thì về thử sức vùng 2.000, mất 2.000 thì không ngần ngại mất 1.990 để xuống sâu hơn như 1.950 à 1.900.

Vùng 2.085-2.095, ngược lại, là chốt kích tăng một khi London vượt khỏi nhưng dù có khỏi cũng khó mà xuyên thủng 2.130 trong tuần này.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Giá kỳ hạn rớt nhưng chưa chắc giá nội địa giảm.

Nâng lãi suất điều hành tại các nước tiêu thụ có khả năng ngăn trở các nhà nhập khẩu do phải cân đối tình hình tài chính và chi phí ngân hàng. Nhưng cước tàu mới chính là “biến số” khó đoán nhất của thị trường hàng hóa sau này.

Các công ty vận tải biển đang tận dụng chi phí vận tải ngày càng tăng bằng cách biến những con tàu cũ, rỉ sét thành mỏ vàng, chào giá cao cho người tiêu dùng cho đến khi đội tàu mới đi vào hoạt động.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn thế giới do Covid gây ra, cùng với sự thiếu hụt các tàu chở container mới, đã buộc các công ty phải tải các tàu cũ của họ lên mức kỷ lục để đáp ứng nhu cầu giao thương quốc tế.

Theo công ty phân tích vận tải Clarksons Research, tổng công suất của đội tàu container của thế giới đã tăng trong thời kỳ đại dịch, tăng 2,9% vào năm 2020 sau khi tăng 4% vào năm 2019 và 5,6% vào năm 2018.

Khảo sát của Reuters về 30 giao dịch tư nhân trong ba tháng qua cho thấy các chủ tàu đang cho thuê tàu theo hợp đồng dài hạn với mức giá cao kỷ lục, trong khi chi phí đặt các chuyến hàng container tăng kỷ lục 30,1% trong tháng 05/22, theo chỉ số cước vận tải biển Xeneta.

Công ty vận tải biển Euroseas của Hy Lạp là một trong những công ty như vậy: họ đã mua Synergy Oakland, một con tàu cỡ trung có thể chở hơn 4.200 container 20 feet, với giá 10 triệu đô la vào năm 2019 khi đã qua sử dụng cả chục năm.

Theo công ty nghiên cứu và tư vấn Drewry, vào cuối năm 2022, ngành vận tải biển dự kiến sẽ thu được 500 tỷ USD lợi nhuận tính từ hai năm trở lại, ngay giữa thời khủng hoảng chuỗi cung ứng khiến việc vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới bị trì hoãn.

Tám công ty vận tải biển kiểm soát 80% năng lực vận chuyển container của thế giới và họ tập hợp thành ba liên minh lớn để chi phối cước tàu và thị trường.

Như vậy, có thể tổng kết những khó khăn của thị trường cà phê (nếu các vùng trồng cà phê Brazil không xảy ra sương giá hay hạn hán): giá đầu vào sản xuất tăng, giá bán lẻ tiêu thụ tăng do lạm phát, cước tàu biển rất căng cộng với một năm tới đây sản lượng cà phê thế giới được mùa giữa lúc các đồng nội tệ tại các nước sản xuất có nguy cơ mất giá.

Giá cà phê nội địa sẽ không theo giá phái sinh do các nhà kinh doanh tính lợi nhuận trên đồng ngoại tệ (USD) được giá khi thu về.

Cơ hội cho giá cà phê nội địa lên 45 triệu đồng/tấn là có thể xảy ra không chóng thì chầy nhưng không phải do giá trên sàn London tăng mà nhờ VND trượt giá so với USD.

Trích nguồn:NCIF

Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 123