Nhận định giá cà phê thế giới từ 26-30/11/2018: Đi tìm một hướng lên cho giá cà phê

Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê tuần từ 19-24/11/2018: Chuỗi giảm 7 ngày liên tiếp chưa có dấu hiệu dừng.

Hình 1

Sau 7 ngày có giá liên tục giảm, giá kỳ hạn sàn cà phê robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham khảo, đứng lại trên mức 1600 chốt ở 1611, mất 35 Usd/tấn so với tuần có kết thúc ngày 16/11/18.

Sàn arabica New York còn yếu hơn. Chốt đóng cửa cuối tuần trước tại 110.95 cts/lb, New York mất 5.35 cts/lb tương đương với -118 Usd/tấn (xem hình 1).

Lực bán arabica của Brazil để dồn lại do bận rộn với kỳ bầu cử tổng thống mới đây, cộng với lực bán hàng thực của Việt Nam do hàng robusta vụ mới bắt đầu ra dần, đã làm giá hai sàn không thể đứng vững.

Tuần qua, giá kỳ hạn arabica còn bị áp lực chốt giá do giao dịch tháng 12/18 của sàn này đến hạn (21/11) trong khi đó giá London bị ép liên tục không chỉ do lượng hàng thực (xuất khẩu) Việt Nam ra nhiều mà còn lượng hàng robusta của Brazil bán qua sàn London với mục đích tăng tồn kho cho sàn này,  cũng làm cho giá kỳ hạn robusta rung rinh.

Tồn kho cà phê đạt chuẩn thuộc 2 sàn kỳ hạn đều có khuynh hướng tăng (xem hình 1-phía trái). Riêng tồn kho đạt chuẩn robusta trên sàn London đến ngày 20/11 đạt 103.920 tấn so với cuối tháng 07/18, bấy giờ chưa đến 65.000 tấn.

Giá cà phê nguyên liệu nhiều nơi tại thị trường nội địa ở Tây Nguyên cuối tuần còn 35 triệu đồng mỗi tấn, giảm từ 0,5 đến 0,7 triệu đồng mỗi tấn.

Dự báo tuần từ 26-30/11/2018: Liệu giá robusta London cầm cự nổi trên 1600 Usd?

Hình 2

Đóng cửa phiên 23/11/18 giá cơ sở giao dịch tháng 01/19 chốt tại 1611, nằm ngay tại vùng mà giá sàn này cầm cự suốt 3 ngày liền sau một loạt 7 ngày liên tiếp có giá giảm (xem hình 2).

Giá kỳ hạn robusta London trong những ngày gần đây hoạt động tích luỹ nhưng theo hướng xuống dần. Rất may là chưa mất chốt thấp nhất lập trong tuần qua 1606, đó cũng là giá đáy của sàn này tính từ 05/10/18 đến nay.

Từ điểm đóng cửa 1611 đến đáy 1606, trước một dự kiến giá mở cửa ngày 26/11 giảm, không hy vọng mấy London sẽ trụ vững ở vùng cầm cự (xem hình 2). Một khi mất 1606, giá London có rủi ro giảm xuống mức 1590 rồi 1582 khả năng về vùng sâu hơn nữa tại 1550.

Nhìn theo cách Fibonacci, mức 1590 nằm ngay ‘’tỷ lệ vàng’’ 61,8%  tính từ đỉnh 1792 kéo cho đến đáy 1465 (xem hình 2). Bi quan hơn, giả sử như mất 1590, hướng nhắm xuống 1535 (78,6%) cần được theo dõi. Tuy nhiên, để từ 1590 xuống 1535, giá London còn qua các cửa ải quan trọng tại 1575/1552 trên đường giảm nếu xảy ra trong lần này.

Nói vậy, nhưng hướng tăng không phải là không thể. Nếu như sức ép bán hàng thực giảm nhờ những trận mưa cuối tuần trên Tây Nguyên do ảnh hưởng cơn bão số 9, thì từ 1611 để lên 1619 cũng rất gần. Một khi qua khỏi chốt này, cũng chính là điểm gặp của 2 mức bình quân động 5 và 100 ngày, giá London có thể được kích thích để tìm đường lên 1629, là mức chỉnh 50% của Fibo.

Khi London vượt và đóng cửa trên 1630, kỳ vọng lên lại 1645/1660 để chinh phục các đỉnh cao trước đây mà sàn này đã để mất do sức bán hàng thực mạnh trong hai tuần vừa qua.

Thị trường cà phê trong nước: Khó tăng nếu vẫn còn giữ tâm lý lo ngại do được mùa.

Giá cà phê tuần qua trên thị trường nội địa mất trên 0,5 triệu đồng mỗi tấn. Với yếu tố kỹ thuật tỏ ra chưa thuận, có lẽ mức hiện nay chưa phải là thấp nhất khi niên vụ cà phê 2018/19 chưa thực sự vào chính vụ và nhất là giá nội địa trước đây trong năm này có lúc chạm 32,5 triệu đồng mỗi tấn.

Dù biết rằng giá cà phê được cấu thành bởi nhiều yếu tố chứ không chỉ vì được mùa, thông tin trái chiều trên thị trường gây nên nhiều áp lực về tâm lý đối với nông dân.

Thật ra, thị trường cà phê còn nhiều yếu tố tích cực đối với giá cả như Tổ chức Cà phê Thế giới cho rằng mức tiêu thụ cà phê thế giới niên vụ 2018/19 có thể tăng 2,9% tức chừng 163,22 triệu bao (60 kg x bao), các quỹ đầu tư trên hai sàn cà phê đang chuyển dần vị thế dư bán (làm giá giảm) sang dư mua (giúp giá tăng)…, nhất là niên vụ tới 2019/20, sản lượng cà phê Brazil giảm do chu kỳ tự nhiên năm được-năm mất. Tác động tiền tệ cũng có yếu tố tích cực khi đồng Reais Brazil (Brl) từ khi Brazil chọn được tổng thống mới Jair Bolsonaro đã mạnh lên, hãm đà bán cà phê từ nông dân nước này (ông sẽ nhậm chức chính thức vào đầu tháng 01/01/2019).

Các nước xuất khẩu cũng cần thấy rằng tuy niên vụ này thế giới được mùa cà phê, vai trò đầu cơ hàng thực của những tay chơi chính trên thị trường không còn giống như những năm trước: khả năng tài chính của họ giảm nhiều, năng lực khống chế giá trên sàn đang qua tay các nhà đầu tư tài chính chứ không còn trong tay nhà đầu cơ hàng hoá…nên thị trường đầu ra cho cà phê sẽ không ồ ạt mà chậm rãi, đi vào thị trường tiêu thụ trực tiếp hơn là cà phê bị sử dụng như công cụ làm lợi để ép giá.

Quay về lại với giá cà phê trong nước, bao lâu để sức ép bán ra còn bị lợi dụng như những ngày gần đây, giá sẽ khó ngừng giảm. Dự kiến giá cà phê nội địa trong tuần có thể có lúc chạm 34 triệu đồng mỗi tấn và hướng lên 36 triệu được xem là một cố gắng và một sự bất ngờ.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 135