Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê tuần trước: Lên không được thì phải xuống.
Hình 1 (*Cơ sở giao dịch London tháng 11 và New York tháng 12/2022)
Các sàn giao dịch tài chính, trong đó có hai sàn cà phê, ở trong thế giằng co. Về cuối tuần, thị trường bắt đầu chộn rộn với những đồn đoán về mức độ tăng lãi suất cơ bản đồng Usd trong kỳ họp tháng 9/22. Từ ngày phát hành báo cáo tình hình lạm phát tháng 7/22 tại Mỹ, giới đầu tư tin rằng lạm phát đã có đỉnh và ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất chậm hơn.
Tuy nhiên, một số quan chức Fed cho rằng cần phải tăng lãi suất mạnh để khống chế lạm phát về quanh ngưỡng mục tiêu 2% và 2,25%-2,50% được cho là ngưỡng trung lập. Ngày 17/08, Thống đốc Fed vùng St. Louis James Bullard cho biết ông ủng hộ phương án tăng 0,75% cho kỳ họp tới.
Quan ngại về một đợt tăng lãi suất mạnh đã chặn đứng đà tăng 4 tuần liên tiếp trên các sàn chứng khoán Mỹ. Cả tuần, chỉ số S&P500 giảm 1,2%, Dow Jones giảm 0,2% và Nasdaq giảm 2,6%.
Giá kim loại vàng cả tuần cũng giảm 3,04% về quanh 1.760 Usd/ounce, dầu thô WTI mất 2,30% về dưới 90 Usd/thùng.
Hai sàn cà phê sau khi chạm đỉnh cao tính từ nhiều tuần, đã phải lùi lại. Trong tuần London chạm đỉnh 2.270 nhưng lùi lại đóng cửa tại 2.226 Usd/tấn. Còn New York lập đỉnh tại 223.40 để về đóng cửa cuối tuần tại 213.35 cts/lb.
Trong khi đó, nhiều nước có nền kinh tế mạnh đang đối mặt với đợt nắng nóng khủng khiếp và nếu như tình hình này kéo dài, có thể làm chậm nỗ lực ngăn lạm phát của các chính phủ. Tại Trung Quốc, một đợt nắng nóng gay gắt nhất trong vòng 6 thập kỷ, hàng chục thành phố có nhiệt độ lên tới 40 độ C. Nhiều khu vực tại bang California (Mỹ) ghi nhận nhiệt độ cao lên tới 42,7 độ C tuần qua. Mới vào hè, nước Anh lần đầu tiên ghi nhận nhiệt độ lên tới 40 độ C.
Tại châu Âu, hạn hán và nắng nóng làm nhiều con sông huyết mạch giao thông đường thủy giảm lượng nước, có thể ảnh hưởng lớn đến các chuỗi cung ứng. Thêm vào đó, Trung Quốc còn đối mặt với những hậu quả từ các lệnh phong tỏa liên tiếp do COVID-19…
Một số chuyên gia cho rằng thời tiết khắc nghiệt có thể làm trầm trọng thêm những khó khăn đang xảy ra với chuỗi cung ứng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến lạm phát khó giảm.
Điểm tin cung-cầu trong tuần
Tính đến ngày 18/08/22, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn như sau: robusta London đạt 96.740 tấn giảm so với 97.860 tấn, arabica New York tăng lại dần để lên 596.775 bao hay 35.807 tấn so với tuần trước là 571.905 bao hay 34.314 tấn.
Brazil dành 1,16 tỷ Usd cho ngành cà phê
Một ngân quỹ với tổng giá trị 1,16 tỷ Usd sẽ dành cho ngành cà phê Brazil trong năm nay. Quỹ được sử dụng để phát triển các lĩnh vực nuôi trồng, kho bãi, tiếp thị và thu mua. Lãi suất vay được tính là 11%/năm hay thấp hơn tùy theo mục đích và đối tượng vay.
Giá cả
Chỉ số cước vận tải biển hàng khô BDI giảm xuống mức sâu nhất tính từ 12/2020. Chỉ riêng tuần qua BDI rớt 13,4%, là tuần thứ năm liên tiếp giảm dưới áp lực nhu cầu chở hàng yếu (hình 1-bên trái).
Giá cà phê sau khi lập đỉnh cao trong tuần, đã hạ nhiệt khi có những nghi ngờ về chuyện Fed có thể tăng l4i suất mạnh, các quỹ quản lý vốn phải bán bớt lượng hợp đồng dư mua nhất là khi chỉ số giá trị đồng USD/DXY tăng mạnh.
Kết quả tính trên tuần với tuần, giá cà phê như sau:
Sàn robusta mất 35 Usd còn 2.226 Usd/tấn trong biên độ 2.270-2.212.
Giá arabica chốt tại 213.35 cts/lb mất 9.05 cts/lb hay gần 200 Usd/tấn trong biên độ 223.40-209.45.
Giá cà phê nguyên liệu trong nước quay về 48,5 triệu đồng/tấn, giảm 0,5 triệu so với tuần trước đó.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 22-26/08/2022: Hướng xuống có vẻ thắng thế.
Hình 2 Đồ thị diễn biến 9 tháng giá robusta London cơ sở tháng 11/22 (nguồn: barchart.com)
Từ đỉnh 2.270, sau nhiều lần rắp tâm vượt, nhưng sàn London không thể làm điều đó tuần qua để lên 2.313, đỉnh lập từ cuối tháng 12/21 mà chỉ chạm 2.260/2.253 rồi ngày cuối tuần trước có đỉnh là 2.242. Sức mua ở giai đoạn này đã bị hạn chế do London nằm lâu trong vùng mua quá mức nay vẫn chưa thoát khỏi.
Vị thế kinh doanh của các quỹ quản lý vốn tăng tuần qua là một đáng ngại cho tuần này.
Như vậy, hướng xuống có vẻ chiếm ưu thế hơn. Một khi mất khu vực 2.212-2.214, thì sàn này dễ để mất mức tâm lý quan trọng 2.200 để về sâu hơn. Lưu ý khi tuột khỏi 2.197 giá có thể xuống tiếp cho đến 2.150 và bấy giờ yếu tố tích cực trong thời gian qua bị hóa giải.
Chỉ thu hút sức mua khi sàn này vượt khỏi 2.270. Nếu không qua khỏi mức này, London cũng chỉ đi theo cách tuần trước. Nhưng nếu được như vậy là đã quá tốt.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Giá robusta sẽ vững nếu như tồn kho đạt chuẩn giảm mạnh nữa.
Về cuối tuần, hình như hầu hết các sàn giao dịch tài chính đều rất thận trọng, một số sàn bán ra do trước đó đã mua vào quá mức. Giá robusta là một đơn cử. Dù đã bán khá nhiều để có kết quả cả tuần giảm 35 Usd/tấn nhưng sàn London vẫn còn trong vùng mua quá mức. Chỉ số RSI 14 ngày = 71,53% so với mức tham chiếu 70%.
Vị thế kinh doanh của các quỹ quản lý vốn giao dịch trên hai sàn tuần qua tính đến ngày khóa sổ 16/08 cũng tăng mạnh hợp đồng mua ròng: London tăng 14.700 hợp đồng đạt 25.450 lô, New York tăng 5.349 hợp đồng đạt 26.612 lô.
Nếu thuần túy nhìn vào các con số trên RSI và vị thế kinh doanh của các quỹ quản lý vốn, cộng với những đồn đoán bất lợi về tăng lãi suất đồng Usd, giá London có thể chỉnh giảm tiếp.
Chỉ còn một đường cứu đó là con số tồn kho đạt chuẩn: nếu giảm mạnh nữa, giá robusta sẽ không mất nhiều, nếu tăng lại, số phận của sàn London sẽ giống như sàn arabica tuần qua. Một số nhận định cho rằng ngay năm nay, lượng robusta của Brazil sẽ tăng thêm từ 1-1,5 triệu bao nhưng arabica giảm. Đó là nhận định cuối kỳ thu hái của hãng tư vấn và môi giới Safras&Mercado (Brazil).
Giả sử như chỉ số giá trị DXY tăng lại, thì càng làm cho giá cà phê cả hai sàn thêm khó khăn.
Tuy vậy, ảnh hưởng của thị trường lên giá cà phê trong nước sẽ không mấy mật thiết với giá sàn phái sinh. Giá cà phê nội địa vẫn có thể đứng được vì lượng cà phê không còn nhiều.
Dự kiến giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ tuần này dao động trong vùng từ 48-49 triệu đồng/tấn.
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 159
1 Trackback / Pingback
Comments are closed.