Nhận định giá cà phê thế giới từ 19-24/10/2020: Giá khó bung nếu không nhờ tác động bên ngoài hỗ trợ.

Diễn biến thị trường cà phê tuần 12-16/10/2020: Giá robusta thoát đáy đi lên.

Hình 1 (*Cơ sở giao dịch tháng 01/2021 trên sàn robusta và 03/2021 trên sàn arabica) 

Bối cảnh thị trường

Cảnh báo từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang trong “tình cảnh không bền vững” dù các nước giàu đã tung ra nhiều gói kích cầu dưới tên “nới lỏng định lượng” trị giá hàng nghìn tỷ Usd.

Đánh giá ấy trùng hợp với một số nhận định của các quỹ đầu tư như Tổng giám đốc điều hành Larry Fink của BlackRock tuần trước nói rằng ông cảm thấy “khá tiêu cực đối với nhóm thị trường mới nổi”. Theo Fink, đại dịch Covid-19 đang tác động không tốt đến nền kinh tế và hệ thống y tế các nước mới nổi nhiều hơn so với các nước giàu.

Các quốc gia có nền kinh tế mới nổi và quốc gia nghèo thường là những nước xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu. Cho nên, nhóm này rất phụ thuộc vào giá giáo dịch trên các sàn phái sinh. Các nước nghèo, khốn đốn vì đại dịch đã đành và phải bán hàng giá rẻ, còn phải trả nợ vay nước ngoài đến lúc đáo hạn. Các nước giàu nhất trí gia hạn nợ đáo hạn đến nửa đầu năm 2021 nhưng WB yêu cầu chậm thêm một năm. Được biết, Trung Quốc chiếm khoảng 60% số nợ phải trả trong năm nay của các nước nghèo nhất thế giới. Chủ tịch WB mới đây cho biết các khoản cho vay từ Trung Quốc đều “đi kèm những điều khoản không rõ ràng, lãi suất cao hơn khả năng chi trả của họ.”

Thế mà chỉ số giá CRB, rổ gồm 19 loại hàng hóa, giảm đến 18,16% tính từ đầu năm đến cuối tuần trước.

Giá cà phê chưa tìm được lối thoát trong hoàn cảnh ấy. Thị trường cà phê arabica tiếp tục giảm khi dịch Covid-19 bùng phát đợt hai tại nhiều nước tiêu thụ chính ở châu Âu. Giá cà phê robusta tuần qua tăng sau khi chạm mưc sâu nhất kề từ ba tháng nay.

Chỉ số giá trị đồng Usd (DXY) tăng và giá trị đồng Reais Brazil (Brl) giảm mức sâu nhất tính từ hơn một tuần làm khó khăn thêm cho giá nông sản nói chung và giá cà phê nói riêng.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát lại, gây lo ngại cho công tác giao nhận, đã làm thị trường cước vận tải đường biển (hàng khô) BDI giảm 22% và chỉ còn 1.477 điểm so với đỉnh gần 2.100 điểm lập vào ngày 06/10/2020 (xem hình 1 – bên trái).

Vài nét nổi bật về tình hình cung-cầu trong tuần

  • Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê

So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn arabica thuộc sàn New York đợt này được ghi nhận là 67.197 tấn so với tuần trước là 65.773 tấn. Tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn London là 110.070 tấn so với tuần trước là 108.420 tấn (1). Tuy tồn kho robusta tăng, nhưng vẫn ở mức thấp nhất tính từ 01/2019.

  • Tồn kho cà phê khả dụng vùng Bắc Mỹ giảm mạnh

Cà phê hạt (nguyên liệu) để phân phối cho các đơn vị chế biến thành phẩm rang xay vùng Bắc Mỹ thuộc quyền quản lý của Hiệp hội Cà phê hạt Mỹ (GCA) đến hết tháng 09-2020 chỉ đạt 6,4 triệu bao (bao=60 kgs) giảm 5,1% so với tháng 08-2020 nhưng giảm đến 12,9% so với cùng kỳ năm 2019.

  •  Niên vụ 2019-2020: Xuất khẩu cà phê Brazil và Việt Nam

Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cécafe) cho biết niên vụ cũ kết thúc 30/09/2020, xuất khẩu cà phê Brazil đạt 40,51 triệu bao (bao=60 kgs) trong đó robusta 11,46%, cà phê hòa tan quy ra nhân 9,77%, số còn lại là arabica chế biến khô.

Riêng tháng 09-2020, Brazil xuất khẩu đạt 3,51 triệu bao, là tháng có lượng cà phê xuất khẩu cao nhất trong tháng Chín của các năm, trong đó arabica 2,84 triệu bao tăng 1,5% và robusta 672.000 bao tăng 94,22% so với cùng kỳ 2019.

Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam nói rằng xuất khẩu cà phê 9 tháng đầu 2020 của cả nước đạt 1,25 triệu tấn, giảm 1,4% so với cùng kỳ 2019. Cả niên vụ 2019-2020, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 1.638.634 tấn, giảm 3,73% so với năm trước đó.

Giá cả (xem hình 1)

Hai sàn cà phê có kết quả ngược chiều: robusta tăng nhưng arabica giảm. Như đã nói, yếu tố tiền tệ gây bất lợi thật sự cho sàn arabica New York dù dấu hiệu hiện tượng thời tiết cực đoan La Nina đang lộ rõ dần.

Sau một tuần, tính trên giá đóng cửa, sàn arabica chốt tại 111.00 cts/lb giảm 2.80 cts/lb hay 62 Usd/tấn trong biên độ dao động cao/thấp nhất là 115.60/109.25 cơ sở kỳ hạn tháng 03/2021; giá robusta London cơ sở kỳ hạn tháng 01/2021 tăng 32 Usd/tấn chốt tại 1.297 Usd/tấn với đỉnh/đáy trong tuần là 1.312/1.241.

Giá London phục hồi mạnh trong ba ngày cuối tuần do các quỹ đầu cơ đã bán quá mạnh. Trước đó, ngày 13/10/2020, vị thế kinh doanh của nhóm đầu tư quản lý quỹ chuyển từ vị thế dư mua sang dư bán. Tính đến ngày khóa sổ hôm ấy, họ đã có 3.548 hợp đồng dư bán so với 3.052 hợp đồng dư mua tại lần báo cáo trước đó (tăng 6.600 hợp đồng dư bán trong kỳ báo cáo). Có lẽ chính do phát hiện đã bán quá đà nên các quỹ đầu tư thanh lý bớt, giúp cho giá London tăng và đạt kết quả tốt hơn sàn arabica về cuối tuần.

Hình 2

Thị trường cà phê nguyên liệu trong nước dao động trong vùng 31-32 triệu đồng/tấn, càng về cuối tuần càng cao nhờ giá London phục hồi. Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ được chào mua +130/+140 Usd/tấn trong khi chào bán +190/+200 Usd/tấn Fob (giao hàng qua lan can tàu). Thị trường nội địa khá yên ắng do vùng nguyên liệu ẩm ướt vì ảnh hưởng 3 đợt áp thấp nhiệt đới liên tiếp, thiếu vắng hợp đồng xuất khẩu mới do thời tiết thất thường khó đoán.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 19-23/10/2020: Giá London vào ngõ cụt.

Từ bài nhận định tuần này, phân tích kỹ thuật dựa trên cơ sở giao dịch kỳ hạn London tháng 01/2021.

Hình 3 – Nguồn: Phan Trọng Anh

Thanh lý lượng hợp đồng dư mua quá đà và bán mới quá tay đã đưa giá sàn robusta London về chạm mức sâu nhất tính từ hơn ba tháng nay tại 1.241. Cũng từ đấy, giá sàn này phục hồi mạnh mẽ và trong phiên cuối tuần trước qua mức tâm lý quan trọng 1.300 để chạm 1.312.

Đáng tiếc, khi đóng cửa, giá không nằm trên 1.300 mà thụt lùi về 1.297. London khước từ mức kháng cự quan trọng 1.311 nằm tại điểm gặp bình quân động 20 ngày (MA20). Giả sử đóng cửa nằm trên 1.311 hay ngay đỉnh 1.312, London còn khả năng được kích mua để giá lên thử các mức kháng cự tại 1.322 (MA100/200) và cao hơn.

Như vậy, cần xác định rằng các mức 1.311 và 1.322 là cực kỳ quan trọng cho hướng lên trong tuần này, tốt nhất là nên xuất hiện tại những ngày giao dịch đầu tuần. Bất kỳ khi nào giá London tháng 01/2021 nằm trên 1.311 và nhất là 1.322, thì xu hướng lên sẽ được khẳng định và hóa giải được phần nào tiêu cực về mặt kỹ thuật.

Thế mà, London bị khống chế tại khu vực 1.300. Đường kẽ cạnh huyền (màu đen) và cạnh đáy tạo nên một tam giác đối xứng rất rõ, mức đóng cửa nằm “khừ” ngay góc của tam giác ấy. Về kỹ thuật, giá tháng 01/2021 London đang nằm ở “góc chẹt” ấy. Cho nên, rất nghi rằng giá trong tuần khó bung lên mạnh nếu như không có một tác động từ bên ngoài như giá trị đồng Usd (DXY) giảm mạnh và giá trị Brl tăng mạnh trong cặp tỷ giá UsdBrl.

Các điểm kích giá theo hướng xuống nằm tại 1.284 / 1.273 (MA5) / 1256-1.253.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Mua bán rời rạc do thời tiết ẩm ướt.

Giá cà phê nội địa vừa qua hầu như không thay đổi từ hai tuần nay kết thúc 17/10/2020. Do thời tiết bất lợi, người bán chưa dám chào dù người mua đã nâng dần mức giá xuất khẩu (+130/+140 Usd/tấn) so với +110/+120 Usd Fob trước đó.

Những đợt áp thấp nhiệt đới liên tiếp do ảnh hưởng các cơn bão số 6, 7 và 8 ngăn hàng cà phê niên vụ mới của Việt Nam 2020-2021 ra đúng hạn. Mưa lũ chưa tan, một cơn bão khác đang rập rình từ phía đông Philippines (xem hình 4 – ảnh ghi lại lúc 17:00g ngày 17/10/2020 tại vnbaolut.com) sẽ làm lo lắng thêm cho thị trường cà phê robusta khi ảnh hưởng La Nina ngày càng rõ đối với vùng cà phê Việt Nam.

Do tình hình hàng nguyên liệu ra khó khăn, giá cà phê nội địa tuần này có thể tăng lên 32,5 triệu đồng/tấn đối với các hợp đồng lỡ bán trước. Mức giá dự kiến trong tuần có thể trong khu vực 31,5-32,5 triệu đồng/tấn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. “Nhận định giá cà phê thế giới từ 12-17/10/2020: Giá lùi một bước để tiến lên chăng?”, Nguyễn Quang Bình, tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22216
  2. Các đồ thị và tư liệu trong bài có tham khảo từ các trang: “ncif.gov.vn”,  “thitruongcaphe.net”, “feedin.me” và “vnbaolut.com”.
Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 26