Diễn biến thị trường tuần trước: Giá tăng rất tốt, đặc biệt trên sàn arabica
Khi các nước bắt đầu nới lỏng phong tỏa, nhưng nhiều người dân chủ quan không áp dụng nghiêm túc biện pháp phòng dịch “5K”, lượng ca lây nhiễm và tử vong do Covid-19 thực tế tăng trở lại, đặc biệt tại các nước như Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Anh Quốc. Số ca lây nhiễm cũng tăng nhanh tại nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới là Việt Nam, dù được xếp hạng 117 trong số 222 vùng/lãnh thổ có nhiều ca lây nhiễm nhất theo bảng tổng sắp của “worldometer.info” trong đại dịch Covid-19, về phần chủ quan cũng nên được đề phòng. Năm nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới xếp theo thứ tự là Brazil, Việt Nam, Colombia, Indonesia và Ấn Độ.
Thêm vào đó, trận lụt lịch sử tại Tây Âu, vùng nhập khẩu cà phê quan trọng từ Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tính đến cuối tuần trước, có đến chừng 125 người chết và nhiều người mất tích.
Lo ngại lạm phát Mỹ tăng vừa dịu xuống với lời trấn an chắc nịch của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ “giữ nguyên lãi suất” thì thị trường có nỗi sợ bao trùm hơn, đó là biến chủng Delta của virus corona ngang nhiên tung hoành. Nhiều dự báo tăng trưởng kinh tế nay được chỉnh giảm do lần bùng phát dịch lần này. Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng năm nay cho vùng Châu Á-Thái Bình Dương xuống 4% so với trước là 4,4%.
Giá dầu thô từ 75 Usd/thùng xuống còn quanh 71 Usd/thùng. Ba chỉ số chứng khoán chủ yếu của Mỹ có kết quả cả tuần giảm như S&P500 giảm 1%, DJ giảm 0,5% và Nasdaq giảm 1,9%. Giá cổ phiếu nhiều sàn ở Châu Âu cũng theo Mỹ.
Do lo ngại chuỗi cung ứng hàng hóa có thể chịu tác động xấu, nhất là trong giai đoạn giá cước tàu biển tăng cao, giá hàng hóa thương phẩm cuối tuần bị giật lùi. Thật vậy, chỉ số rỗ hàng hóa CRB gồm 19 loại thương phẩm trong đó có cà phê thường biến thiên nghịch chiều với chỉ số giá trị đồng Usd (DXY), tức khi DXY giảm thì CRB tăng và ngược lại. Tuần trước, hai chỉ số đi đúng “bài bản” ấy. Chỉ số DXY tăng đã đưa CRB giảm cuối tuần. Tính từ đầu năm 2021, CRB đã tăng 26,52% để chốt tại 255,93 điểm sau khi chạm trên 257 điểm. Trong khi đó, chỉ số DXY lại tăng từ 92,10 lên 92,72 điểm tuần này (chi tiết và đồ thị tại hình 1).
Tuy vậy, giá hai sàn cà phê tăng ngoài bài bản ấy. Lý do: tồn kho đạt chuẩn London giảm và tồn kho khả dụng vùng Bắc Mỹ giảm hơn 18% trong tháng 06/2021 so với tháng trước đó.
Điểm tin cung-cầu trong tuần
Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê
So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn tuần này như sau: sàn arabica New York lên 131.120 tấn so với 130.197 tấn, sàn robusta London giảm xuống còn 147.060 tấn so với tuần trước là 148.590 tấn.
Tồn kho cà phê khả dụng Mỹ giảm mạnh
Hiệp hội Cà phê hạt vùng Bắc Mỹ (GCA) cho biết tính đến hết tháng 06/2021, lượng tồn kho khả dụng giảm 18,20% so với tháng 05 chỉ còn 346.768 tấn. Tại Mỹ và Canada, bình quân tiêu thụ cà phê hàng tuần ước 36.000 tấn. Như vậy, lượng tồn kho trên đảm bảo nguyên liệu cho các nhà rang xay trong vùng chừng 10 tuần cộng với 2 tuần hàng đang còn trên đường trung chuyển.
Brazil
Nhịp độ thu hái cà phê năm nay tại Brazil đang diễn ra bình thường, có phần thuận lợi nhờ ít mưa. Tính đến tuần trước, chỉ còn 1/3 diện tích cần thu hoạch là hoàn tất. Nếu tính sản lượng năm nay theo các dự báo chừng 57-58 triệu bao, người Brazil đã bán trước một nửa sản lượng.
Riêng cà phê robusta Brazil, chất lượng thực tế sau thu hái năm nay được biết tỷ lệ quả bị sâu và nhân khuyết khá cao…ảnh hưởng xấu đến vị nếm. Tình trạng này dẫn đến việc hàng robusta Brazil khó bán. Một số nhận định nói thêm rằng chất lượng robusta không tốt cộng với giá thành sản xuất cao, người trồng đòi giá cao nên bán không chạy có lẽ hợp lý.
Giá bình quân trên thị trường nội địa Brazil một số nơi được ghi nhận: hàng arabica chế biến khô đạt 2.855 Usd/tấn và robusta chừng 1.790 Usd/tấn vào cuối tháng 06/2021. Giá xuất khẩu robusta được giao dịch đầu tháng 07/2021 quanh mức +100 Usd/tấn Fob (giao hàng qua lan can tàu).
Giá cước từ Brazil sang Mỹ chừng 4.000 Usd/container so với từ Việt Nam là 10.000 Usd/container. Chính vì vậy, giá cà phê robusta xuất khẩu của Brazil được mua giá cao hơn trong khi từ Việt Nam lại thấp hơn giá niêm yết sàn London. Như vậy, tiền cước chi phối rất lớn giá xuất khẩu cà phê đi Mỹ hiện nay theo từng nước sản xuất.
Giá cả
Cấu trúc giá nghịch đảo vẫn tiếp tục xuất hiện trên sàn robusta London nhưng cách biệt giữa các tháng co lại, trừ giữa tháng 11/2021 với 01/2022 là +20 Usd (1.756/1.736 Usd/tấn).
Nhờ áp lực mua trong thời gian “vắt giá”, thêm một tuần sàn London có đỉnh mới với kết quả tăng. Trên sàn New York, giá tăng mạnh lại, lên mức cao nhất tính từ 2 tuần trở lại đây vì nhiều nhà kinh doanh lo ngại khi có dự báo một số vùng cà phê Brazil đã nhuốm sương muối, dù rất cục bộ. Riêng ngày giao dịch cuối tuần trước, giá arabica tăng mạnh lên đỉnh 161.95 cts/lb khi có báo cáo tồn kho khả dụng tại Bắc Mỹ giảm. Ngoài ra, một số nhà kinh doanh phải mua bù do sợ nhỡ những ngày nghỉ cuối tuần các vùng cà phê Brazil chuyển rét bất ngờ. Trong trường hợp này, họ thường giảm bán tăng mua cho đến khi thị trường biết chính xác Brazil có rét đậm rét hại xảy ra thực tế hay không.
Sau một tuần, hiệu suất của 2 sàn cà phê như sau:
-Giá đóng cửa sàn robusta London tăng 33 Usd/tấn chốt tại 1.767 với đỉnh và đáy là 1.777 và 1.702.
-Sàn arabica cả tuần tăng 9.85 cts/lb hay 217 Usd/tấn đạt 161.35 khi đóng cửa với biên độ dao động 161.95/149.70.
Giá arabica tăng mạnh đã đưa giá cách biệt 2 sàn từ 72 cts/lb lên 81 cts/lb, dao động mạnh không kém bản thân giá mua bán trên sàn này.
Thị trường cà phê nội địa trong từng ngày hầu hết nằm trên 37 triệu đồng/tấn. Giá cà phê xuất khẩu đang được chào từ -80/-100 Usd/tấn Fob tức thua giá xuất khẩu từ Brazil chừng 200 Usd/tấn.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 19-23/07/2021: Giá vẫn còn trong hướng tăng nhưng coi chừng một số trắc trở.
Đóng cửa tại 1.767 sau khi lập đỉnh mới 1.777, xem như giá robusta London đã thỏa mãn tất cả những điểm gặp các tỷ lệ theo cách tính Fibonacci trong chuỗi lên nếu tính từ 0,00% tại 1.257 như trên đồ thị.
Biểu đồ do nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh đóng góp cho thấy hướng lên sẽ gặp tỷ lệ vàng 161,8% tại 1.859 nếu mức 1.815 tại tỷ lệ 150,00% vượt qua được.
Cũng là “vắt giá”, nhưng cần nhận thấy lần này giá nhảy thận trọng và được tính toán nhiều hơn với cách biệt chỉ một hai chục Usd chứ không lớn hơn như trước đây. Vắt giá đợt này dài hơn nhưng có lẽ không vì áp lực giao hàng nhiều và các tay đầu tư tài chính không vì mục đích ép người giao dịch bán trước ở giá thấp và phải mua lại với giá cao. Mức chênh lệch dương 10-20 Usd/tấn ấy phải chăng chỉ bằng khi giá theo cấu trúc thuận (forwardation).
Như vậy, nên thấy trước về mặt kỹ thuật, tuy giá có xu hướng tăng nhưng không quá bất ngờ. Đường lên tuần này London phải vượt 1.777 (đỉnh ngày 16/07) và mức tâm lý quan trọng 1.800 là điều kiện tiên quyết để tìm các mức cao hơn 1.815 rồi 1.859.
Hướng tích cực trên sẽ bị hóa giải một khi London mất và đóng cửa dưới 1.702 (đáy tuần trước). Tuy vậy, không dễ gì trong tuần này London viếng lại mức 1.702 nếu như trong các ngày giao dịch không về dưới 1.749 và 1.727 (MA5 và 10)
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Khó lên 38 triệu đồng/tấn.
Giá cà phê nội địa cơ sở loại 2, tối đa 5% đen vỡ ít khi xuống dưới 37 triệu đồng/tấn trong tuần qua. Lượng mua bán hàng thực không mạnh do đã cuối niên vụ, một số hợp đồng đã được chốt trước khi giá niêm yết London ở mức thấp hơn như 1.600-1.650 nên không thể mua theo giá cao hiện nay.
Hiện tại, do tình hình tàu biển và dịch bệnh tung hoành, giá robusta có lẽ còn tăng nhưng không mạnh vì…Brazil rất sẵn hàng, cụ thể như họ nâng tồn kho đạt chuẩn arabica lên dễ dàng tuần vừa qua. Vậy thì tại sao không đưa hàng robusta đi được? Nói vậy nhưng nên trừ trường hợp Brazil bị sương rét đậm rét hại xảy ra thực chứ không phải tin đồn.
Như thế, có thể nói rằng giá cà phê nội địa tuần này khó vượt khỏi 38 triệu đồng/tấn nhưng 37,5-37,7 triệu đồng/tấn là có khả năng, phía thấp quanh mức +/-37 triệu đồng/tấn.
———-
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 26