Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê: Giá biến động dữ dội
Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại trong tháng 04/22 làm nhiều nhà phân tích kinh tế bắt đầu lo. Một chuyên gia từng nói rằng: “Bất cứ điều gì xảy ra ở Trung Quốc đều tác động đáng kể đến tăng trưởng toàn cầu.” Nhận định ấy nay vẫn đúng. Biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt dịch Covid-19 đã khiến Trung Quốc giảm nhập khẩu nguyên liệu như quặng sắt -13%, kim loại đồng -4%, ô tô và khung gầm -8% so với cùng kỳ 2021.
Nhưng Trung Quốc tăng trưởng chậm cũng không có gì lợi cho Mỹ, nhất là khi nước này đang gồng mình chống lạm phát phi mã. Thống đốc ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng cùng với cuộc chiến Nga-Ukraine, kinh tế Trung Quốc khó khăn, có thể làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát tại Mỹ.
Cho nên, có thể nói rằng nếu nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt như kỳ vọng, thì Fed sẽ nâng lãi suất điều hành Mỹ trong 2 phiên họp tới với 0,50%. Về tỷ lệ phần trăm tăng lãi suất này, Powell nói theo kiểu “hàng hai”: “Nếu như mọi việc xảy ra tốt hơn dự kiến, thì ta giảm tỷ lệ tăng. Nếu như xấu hơn, thì tỷ lệ tăng cao hơn”. Ông còn nói: “Quá trình đưa tỷ lệ lạm phát xuống 2% (nay là 8,3%) phải gây nhiều đau đớn, nhưng dứt khoát đau mấy cũng phải chịu vì nếu như không làm như thế thì lạm phát sẽ chặn đà tăng trưởng kinh tế càng dữ dội hơn, và bấy giờ ta mới thấy hậu quả sẽ như thế nào”.
Chính vì thế, giới đầu tư và kinh doanh Mỹ và nhiều nơi trên thế giới tuần qua thú nhận rằng đang “chứng nghiệm” hàng ngày tình trạng thắt chặt tín dụng, tình hình thiếu tiền mặt càng lúc càng tệ. Mới đây, vay dễ, trước đây đi vay để mua nợ được cho là “đầu tư” thì nay bị xem là “đầu cơ”.
Tuần qua, thị trường tài chính biến động khủng khiếp, kể cả các sàn giao dịch tiền mã hóa, không loại trừ hai sàn cà phê. Phiên ngày 11/05 biên độ sàn arabica dao động đến 16.40 cts/lb hay 362 Usd/tấn để đóng cửa tăng 16.10 cts/lb và sàn robusta biến động trong khung 88 Usd/tấn để đóng cửa tăng 69 Usd/tấn.
Điểm tin cung-cầu trong tuần
Tính đến ngày 12/05, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn so với báo cáo tuần trước như sau: robusta London đạt 94.770 tấn (tuần trước là 92.160 tấn), arabica New York đạt 66,788 tấn so với 67.370.
Xuất khẩu cà phê 2 nước hàng đầu trong tháng 04/22
Tổng cục Hải quan Việt Nam báo cáo dữ liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu cà phê trong tháng 4 đạt 157.451 tấn (tương đương 2.624.183 bao, bao 60 kg), giảm 25,38% so với tháng trước. Tuy nhiên, lũy kế xuất khẩu cà phê trong 4 tháng đầu năm nay đã đạt tổng cộng 739.046 tấn (khoảng 12,32 triệu bao) tăng 26,34 % so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân xuất khẩu tăng mạnh là do những tháng đầu năm ngoái thị trường đã phải đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Hiệp hội xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe) cho biết xuất khẩu cà phê tháng 04/22 của nước này đạt 2,81 triệu bao so với tháng trước đó là 3,78 triệu, giảm 25,7% và so với cùng kỳ năm 2021 là 24% là 3,7 triệu bao.
Giá cả
Các dữ liệu ảnh hưởng giá cà phê tuần qua
Chỉ số rổ hàng hóa gồm 19 loại từ đầu năm đến nay tăng 81,59 điểm hay 33,02%.
Chỉ số giá trị đồng USD là DXY tăng vững trên mức 104 điểm, là mức cao nhất tính từ 20 năm nay khi tỷ lệ lạm phát Mỹ cao hơn dự kiến, buộc Fed siết chặt lãi suất. Chỉ số tiêu dùng cá nhân Mỹ tháng 04/22 giảm từ 8,5% tháng trước xuống mức 8,3%. Nhiều người tin lạm phát đã chạm đỉnh nhưng “không dễ gì giảm nhanh”.
Chỉ số BDI đạt 3.104 điểm khi đóng cửa tuần trước. Đó là tuần thứ năm liên tiếp chỉ số vận tải biển hàng khô BDI tăng, riêng tuần qua tăng 14,2%.
Vị thế kinh doanh của các quỹ quản lý vốn đến ngày khóa sổ tuần trước là: sàn New York đạt 328.855 tấn dư mua, giảm 130.885 tấn; sàn London đạt 171.180 tấn dư mua, tăng 10.190 tấn. Có lẽ do giảm lượng mua khống khá mạnh đã góp phần làm giá trên sàn New York tăng cực mạnh trên ngày 11/05 chăng?
Giá cà phê
Giá 2 sàn cà phê biến động mạnh trong tuần không nằm ngoài bối cảnh chung của các sàn giao dịch tài chính. Giá tăng đột ngột trong ngày 11/05, một ngày sau khi khóa sổ kinh doanh, có lẽ do giới kinh doanh tài chính sục sôi với tình hình lạm phát và dùng uy tín một số nhà môi giới cà phê để tung tin giá rét tại Brazil như một cái cớ. Xét trong tình hình chung như đã thấy trong tuần qua, tin khả năng sương giá sớm tại Brazil là tin hoàn toàn giả tạo.
Ngay sau đó, hai sàn chỉnh lại ngay với kết quả cuối tuần như sau:
-Sàn robusta London chốt tại 2.040 giảm 43 Usd với biên độ dao động 2.132/2.004.
-Giá arabica New York tăng 3.45 cts/lb chốt tại 213.90 cts/lb trong biên độ 220.45/202.30 cts/lb.
-Giá cách biệt giữa 2 sàn từ mức thấp chưa tới 116 cts/lb lên gần 126 cts/lb để cuối tuần còn 121.37 cts/lb.
-Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ giao dịch trong khung 40.8-42,5 triệu đồng/tấn, cuối tuần còn 41,5 triệu giao về các kho quanh TP.HCM. Khi nghe tin sương giá (giả), nhiều người đã vội chào giá xuất khẩu loại này trừ 230 Usd/tấn dưới giá tháng 07/22 London (so với tuần trước -200 Usd/tấn). Người mua trả trừ 250-270 Usd/tấn FOB.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 16-20/05/2022: Cấu trúc giá còn yếu về kỹ thuật
Nếu như tính đỉnh cao nhất lập ngày 23/12/21 đến nay, đồ thị cho thấy rõ đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước và đáy cũng vậy đang chuồi xuống dần dù chưa mất 1.990 lập vào ngày 03/03/22.
Trong tuần, từ 2.004 London vượt nhanh trong ngày để chạm 2.093 rồi dừng và xuống cho đến 2.020 để đóng cửa tại 2.040.
Ở mức này, nếu xuất phát từ 0,00% là 1.422 tính theo phương pháp Fibonacci, đồ thị của nhà phân tích độc lập Phan Trọng Nghĩa cho thấy đóng cửa nằm ngay tỷ lệ 117,00% sau khi vượt 127,20% tại 2.094 không thành, London có khả năng vào pha kỹ thuật yếu vì giá đóng cửa núp ngay dưới cả điểm gặp MA5 là 2.041. Nếu như mở cửa yếu vào ngày đầu tuần, London dễ bị kích bán. Muốn kích mua, London còn phải tăng lên 50-60 Usd nữa trong vùng 2082-2099.
Xem ra con đường lên vùng cao như đã nói khá khó khăn nếu như không có tin thời tiết trở rét thực sự tại Brazil.
Đường xuống sẽ rộng khi sàn này mất 2.003. Nếu trong tuần có lần nào chạm và đóng cửa dưới mức này, nó sẽ không ngần ngại thử 1.990 để tìm cách rà đáy mới ở vùng 1.950 tức vùng 100,00% Fibo.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Biến động mạnh không kém giá phái sinh
Các sàn kinh doanh tài chính biến động rất mạnh. Ngay cả các tập đoàn công nghệ đều rung lắc. Có lúc giá trị cổ phiếu Twitter giảm đến gần 10% khi Elon Musk chỉ cần nói “tạm hoãn mua”. Cả tuần chỉ số chứng khoán DJ giảm 2,1%, S&P500 giảm 2,4%, Nasdaq giảm 2,8%, Bitcoin giảm 17,3%, Litecoin giảm 28,1%, Ethereum giảm 23%, kim loại vàng giảm 3,9% còn 1.810 Usd/ounce.
Hãy nghe thống đốc Fed Powell một lần nữa để thấy tâm lý thị trường dao động là phải thôi: “Lạm phát tại Mỹ ở mức cao lắm”. Cho nên, công cụ để khống chế lạm phát của Fed chỉ tập trung vào “nhu cầu”, còn “cung” là một phần của câu chuyện dài”. “Nhu cầu” có thể hiểu khi nào thấy cần là tăng mạnh lãi suất, còn “nguồn cung” thì hãy chờ đã.
Biến động trên sàn cà phê và nhiều sàn tài chính khác đâu chỉ do yếu tố lạm phát. Nó còn do chiến tranh tại Ukraine, phong tỏa các thành phố tại Trung Quốc theo chính sách zero-Covid. Chính vì vậy, các nhà kinh doanh tài chính thấy không có gì đảm bảo để “hạ cánh mềm” tức tăng lãi suất theo kiểu “nương tay” vì sợ nền kinh tế suy thoái.
Hai sàn cà phê vốn rất nhạy cảm với các yếu tố tiền tệ nhất là đồng Usd và kinh tế vĩ mô. Cú bật giá đột ngột ngày 11/05, dù là tin thời tiết giả, cũng phần nào báo hiệu giá cà phê còn chịu ảnh hưởng một yếu tố khác đó là thời tiết. Yếu tố này có thể làm “nhảy dựng” giá trên 2 sàn cà phê mạnh hơn cả các sàn khác.
Bài học rút ra từ ngày có tin sương giá giả 11/05 là các nhà kinh doanh hàng thực (xuất khẩu) lẫn hàng giấy (kinh doanh cà phê trên mạng) cần tỉnh táo, đặt các mức chặn lỗ cho các giao dịch mua bán. Riêng với người kinh doanh hàng thực, nên chăng cần bán dần từng phần hàng nhỏ khi giá tăng, phân chia sao để cho mức giá phái sinh càng cao bán càng nhiều, để tránh rủi ro khi giá sập sàn. Kinh nghiệm sập sàn với hợp đồng dầu thô Mỹ WTI xuống dưới 0 trước đây và đồng tiền mã hóa Luna tuần qua về gần bằng 0 là những bài học nhãn tiền vì không gì không thể xảy ra trên các sàn phái sinh trong giai đoạn nhiễu nhương này.
Giá cà phê trong tuần có thể dao động trong vùng 40,5-42,5 triệu đồng/tấn. Vị thế kinh doanh của các quỹ đầu tư lớn trên sàn robusta tăng dư mua tuần trước nên chưa có gì bảo đảm giá London vững trong tuần này.
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 164