Nhận định giá cà phê thế giới từ 12-17/09/2022: Tăng lãi suất điều hành làm nóng khắp nơi.

Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê tuần trước: Đồng USD giảm kéo giá hàng hóa lên

Hình 1 (*Cơ sở giao dịch London tháng 11 và New York tháng 12/2022)

Cuộc chạy đua tăng lãi suất điều hành các đồng tiền mạnh của nhiều ngân hàng trung ương nóng lên trong tuần qua khi ngân hàng EU (ECB) áp dụng mức cao lịch sử 0,75% sau khi Fed bóng gió sẽ siết chặt thêm chính sách tiền tệ trong hội nghị của ủy ban kinh tế-tài chính (FOMC) của họ trong tháng này. Thế là Canada, Australia, Anh Quốc cũng ngóng tăng thêm lãi suất đối với các đồng nội tệ của họ.

Chỉ số giá trị đồng USD là DXY ngay lập tức quay đầu khi vừa chạm đỉnh 110,78 (07/09/22) xuống 108,35 để chốt cuối tuần trước tại 108,94 điểm.

Các sàn hàng hóa thương phẩm chao đảo với giá giao dịch, từng ngày dao động mạnh và càng về cuối tuần càng được nâng cao dù trước đó có lúc thị trường cứ tưởng sẽ rớt không phanh. Chỉ số DXY xuống cũng tăng cường sức mua trên các sàn chứng khoán nhiều nước.

Vào ngày 09/09/22, giá kim loại vàng tăng 0,43% để cả tuần tăng 0,52% chốt tại 1.727,60 Usd/ounce. Nhiều sàn ngũ cốc như lúa mì cả tuần giá tăng 7,85%, lúa gạo tăng 1,67%, ngô (bắp) tăng 2,39%, giá đường ăn và bông vải đều có giá dương. Dù thế, giá dầu thô giảm cộng với các sàn ca cao và cà phê arabica.

Trong khi sàn arabica có giá giảm nhẹ thì robusta tăng 1,76% do tồn kho arabica giảm nên người tiêu thụ quay sang mua nhiều robusta để thay thế giúp giá cà phê sàn London có hiệu suất kinh doanh cả tuần tăng.

 

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê

Tính đến ngày 08/09/22, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn như sau: robusta London đạt 91.170 tấn giảm so với 94.750 tấn, arabica New York cũng chỉ còn 624.470 bao hay 37.468 tấn so với 672.585 bao tuần trước.

Nếu lấy con số hiện tại so với đầu niên vụ (01/10/21), bấy giờ tồn kho đạt chuẩn arabica là 2.076.557 bao hay 124.593,42 tấn và robusta là 122.900 tấn.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm 8,8% trong tháng 08/22

Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) cho biết trong tháng 08/22, tồn kho arabica giảm đã kích tiêu thụ robusta. Giá robusta tháng 08/22 tăng 9,2% theo đánh giá của tổ chức này.

Thật vậy, dù hàng đem vào chế biến của Colombia trong tháng 08/22 tăng 4% nhưng xuất khẩu lại giảm 23% chỉ đạt 872.000 bao (bao=60 kg) so với cùng kỳ 2021 là 1,1 triệu bao.

Giá robusta tại Brazil cũng tăng do nhu cầu tiêu thụ loại cà phê này ngày càng nhiều hơn.

Tiêu thụ cà phê hàng quán tại Mỹ năm 2022

Dự đoán của công ty nghiên cứu GlobalData cho rằng dù chi phí sinh hoạt tại Mỹ tăng, doanh thu cà phê hàng quán tại nước này khó mà giảm vì rất đông người đã quay lại uống cà phê đều đặn. Khảo sát ước tiêu thụ cà phê tại quán ở Mỹ năm 2022 tăng 10,5%.

Giá cả

Sau một tuần, giá hai sàn cà phê có kết quả nghịch chiều: robusta tăng và arabica giảm nhẹ.

Sàn London tăng 41 Usd/tấn chốt ở 2.264 trong biên độ 2.201/2.298 Usd/tấn.

Giá arabica giảm 0.30 cts/lb tức chừng 7 Usd/tấn đóng cửa ở 228.50 với dao động mạnh 234.05/220.65 cts/lb.

Các nhà kinh doanh không chỉ theo nhịp nhảy của DXY mà còn tạo sóng bằng cách sử dụng cách biệt giá giữa hai sàn để kiếm cơ hội mua bán có lợi nhất. Sau khi chỉ báo giá cách biệt giữa arabica với robusta chạm 118 cts/lb, giá London bị hãm đà tăng để từ 2.298 Usd/tấn về đóng cửa ngày cuối tuần trước tại 2.264 Usd/tấn.

Giá cà phê nội địa dao động trong biên độ từ 48-49,5 triệu đồng/tấn và ngày đầu tuần này ổn định ở mức 49 triệu đồng/tấn.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 12-16/09/2022: Liệu có tăng lên lại không?

Phiên cuối tuần trước, dù giá New York tăng rất mạnh (đóng cửa +6.30 chốt ở 228.50 cts/lb), giá robusta không lấy cơ hội ấy để tăng cùng mà quay đầu để về đứng tại 2.264 Usd/tấn.

Hình 2 Đồ thị diễn biến giá robusta London cơ sở tháng 11/22 (nguồn: barchart.com)

Giá London tuần qua lên mạnh, từ 2.201 để nhanh chân chạy đến 2.298 nhưng cũng dừng chân tại đó chứ không lên được mức đỉnh cũ là 2.355 đã đành mà cũng chẳng chịu qua 2.300.

Để đứng vững vùng này trở lên, giá robusta tuần này không được đóng cửa dưới vùng 2.250. Nếu như lúc nào đó đóng cửa dưới 2.250, thì khả năng quay lại 2.200 là rất lớn vì chứng tỏ khi tăng thiếu sức mua.

Đầu tuần, để chứng minh được sức mua còn, London phải vượt nhanh lên 2.272 mới có cơ hội lên lại 2.298 để qua vùng 2.300 và thăng hoa từ đó. Nhưng có lẽ cũng khó mà chạm chứ nói gì đến vượt đỉnh cũ 2.355.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Vài tác động trên giá xuất khẩu trong niên vụ mới.

Nhiều doanh nghiệp băn khoăn trong định giá xuất khẩu dựa trên chênh lệch giữa giá niêm yết của sàn với giá giao hàng từ cảng khởi hành cho niên vụ tới chỉ còn hai tuần nữa là bắt đầu.

Có lẽ cần cân nhắc một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá xuất khẩu, tính trên mức hiện nay chừng trừ 200-250 Usd/tấn FOB so với giá niêm yết London.

1/ Cước vận tải: Cước tàu biển container tăng mạnh là nguyên nhân dẫn đến giá xuất khẩu trừ lùi tăng mạnh, có khi xuống mức thấp nhất lịch sử -450 Usd/tấn đầu năm nay. Tuy vậy, các nhà nhập khẩu đã áp dụng câu “cùng tắc biến, biến tắc thông” để thuê tàu rời (conventional) với giá rẻ hơn nhiều, nhờ vậy giá “trừ lùi” ít lại.. Nhưng liệu những tháng còn lại khi Việt Nam vào mùa mưa bão, người mua có dám thuê tàu rời?

Về chuyên chở bằng container, áp lực kinh tế suy thoái đã bắt đầu tạo cảm ứng trong ngành hàng hải, nhu cầu chở hàng hóa đang nguội dần kể từ khủng hoảng logistics do dịch Covid-19 tạo nên. “Chi tiêu của người tiêu thụ đang giảm trên toàn cầu đã được nhận thấy trong dịp hè này, sẽ đưa đến các điều kiện giao thương quốc tế bình thường trong nửa cuối năm nay làm nhu cầu thuê tàu giảm,” ông Rodolphe Saade, Chủ tịch kiêm CEO hãng tàu CMA CGM (Pháp) nói thế trong báo cáo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.  Giá cước cho container đi ngay đã hạ tại một số vùng. Hãng này cũng cho biết lượng container thuê trên tàu trong quý 2/2022 giảm 1,3% so với tăng 6% trong quý 1.

CMA CGM là một trong các hãng tàu lớn nhất thế giới. Quý 2/2022, họ báo lãi ròng 7,6 tỷ USD, tăng 3,5 tỷ USD so với cùng kỳ 2021 và vượt luôn 7,2 tỷ USD lập trong quý 1/2022.

2/ Tỷ giá USDVND: Cuối tuần trước, cụ thể ngày 08/09, nhiều ngân hàng đồng loạt nâng giá bán đồng USD vượt khỏi 23.700 đồng ăn 1 USD. Đây được cho là mức cao nhất tính từ hai năm qua. Thí dụ như Vietcombank 23.700, BIDV 23.740, Sacombank 23.950 đồng…Còn các điểm giao dịch tại thị trường tự do quanh mức 24.120-24.220 đồng. Tuyệt đại đa số hợp đồng cà phê đều được ký thông qua USD nên xem ra xuất khẩu cà phê có lợi nhờ tỷ giá. Tính từ đầu năm đến nay, VND mất giá quanh 3,5% so với USD nên nếu như nhà xuất khẩu có lợi thì người sản xuất lại bất lợi do phân bón, vật tư sản xuất, vận tải hầu hết đều nhập khẩu.

Hai yếu tố trên có tác động nghịch chiều vì nếu giá cước giảm, người mua có thể trả thêm tiền mua nguyên liệu; và nếu VND mất giá so với USD thì áp lực bán xuất khẩu mạnh, ảnh hưởng đến giá trên sàn.

Ngoài ra, trước khi robusta Brazil và Indonesia ra hàng vào tháng 04/23 thì Việt Nam sẽ thu hoạch niên vụ 2022/23 từ tháng 10/22 trở đi.

Hiện nay, giá trị USD đang giảm và trong vài ngày tới còn giảm cho đến khi thị trường dậy sóng lại với tin đồn Fed tăng lãi suất, có thể bắt đầu từ giữa tuần này.

Nguyễn Quang Bình

Hits: 40