Diễn biến thị trường cà phê tuần 02-06/11/2020: Yếu tố tiền tệ giúp giá cà phê lấy lại những gì đã mất.
Bối cảnh thị trường
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gây ồn ào nhất trong lịch sử hiện đại không chỉ chờ kết quả thắng thua là xong. Dù bất kỳ phe nào chiếm được ghế tổng thống lần thứ 46, nước Mỹ đều thực sự cần và rất cần các gói tài chính khổng lồ mới có thể đảm bảo cho nền kinh tế Mỹ “xốc nổi”, Paul Krugman, người đoạt giải Nobel kinh tế nói như thế trong tuần qua. Bao lâu, chưa khống chế được dịch Covid-19, nền kinh tế Mỹ phải cần “nhiều trăm tỷ Usd mỗi tháng mới mong thoát khỏi thảm họa”, Krugman lên tiếng khi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ chưa được phân định. Mãi đến khuya thứ Bảy 07/11/2020 (giờ VN), các hãng thông tấn Mỹ chính thức đưa tin Joe Biden là Tổng thống đắc cử thứ 46 của Mỹ khi vượt khỏi 270 phiếu đại cử tri.
Lần họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngay sau ngày bầu cử lên tiếng kêu gọi chính phủ và quốc hội Mỹ cần mạnh tay đưa ra các chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và người lao động mà trước đây, vì bận rộn bầu cử, đã treo lại. Phe Dân chủ đề xuất gói 2,2 nghìn tỷ Usd trong khi phe Cộng hòa đưa ra 1,8 nghìn tỷ. Điều khác nhau giữa hai bên chỉ là do chưa thống nhất về đối tượng được hưởng.
Dù vậy, giá chỉ số chứng khoán tuần trước tại hầu hết các châu lục đều tăng từ 5% đến trên 9% như DJ +6,87%, Nasdaq 100 +9,39%, DAX (Đức) +7,99%, Hang Seng (Hongkong) +6,66%… Trên các sàn hàng hóa thương phẩm tính cả tuần giá nhiều mặt hàng tăng như vàng +3,84%, giá dầu thô Brent +5,98% và WTI +4,67%. Nhiều sàn nông sản sau một tuần cũng tăng như ngô +1,91%, đậu tương +4,38%, cà phê arabica +2,71%, cà phê robusta London +0,75%, riêng các hợp đồng bông vải và gạo giảm nhẹ.
Ngay ngày giao dịch cuối tuần trước, chỉ số giá trị đồng Usd giảm mạnh xuống mức sâu nhất tính từ chín tuần nay trong khi giá trị đồng Reais Brazil trong cặp tỷ giá UsdBrl tăng lên mức cao nhất tính từ cuối tháng 09/2020.
Một đồng Usd rẻ đã khuyến khích giới đầu tư chứng khoán và hàng hóa mua vào sau khi bán bớt đồng Usd ra.
Tin các cơn bão số 10 (Goni) và 11 (Atsani) ảnh hưởng đến Việt Nam vốn đã chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 9 (Molave), và trận cuồng phong Eta tại Nam Mỹ đã làm giới kinh doanh cà phê lo ngại và giúp cho giá hai sàn cà phê thương phẩm tăng nhanh trong những ngày cuối tuần.
Vài nét nổi bật về tình hình cung-cầu trong tuần
- Xuất khẩu cà phê toàn cầu 2019-2020: ICO
Báo cáo định kỳ của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) cho biết trong niên vụ 2019-2020, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 126,9 triệu bao (bao=60 kgs), giảm 4,91% so với năm trước dù xuất khẩu tháng cuối cùng của niên vụ tăng 0,86% đạt 10,16 triệu bao. Lý do giảm chủ yếu do chuỗi cung ứng cà phê thế giới bị đứt gãy. ICO cũng báo rằng sản lượng cà phê thế giới niên vụ vừa qua đạt 168,84 triệu bao trong khi nhu cầu tiêu thụ là 167,59 triệu bao.
ICO cảnh báo tình trạng dư thừa cà phê 2020-2021 là khó tránh khỏi do các vùng/nước tiêu thụ chính thực hiện giãn cách xã hội, cấm hàng quán cà phê hoạt động ngay trong giai đoạn cao điểm tiêu thụ cà phê khi thời tiết giá rét ở Bắc Bán cầu và dịp lễ tết cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
- Brazil: Xuất khẩu cà phê tháng 10/2020 tăng.
Thống kê chính thức của chính phủ Brazil cho hay xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng đầu niên vụ cà phê thế giới đạt 3.756.300 bao, tăng 12,99%. Điều này không lạ vì Brazil được mùa, kể cả cà phê robusta cũng được xuất khẩu nhiều do giá arabica trong nước rẻ.
- Costa Rica: Xuất khẩu cà phê tháng 10/2020 tăng mạnh
Costa Rica báo xuất khẩu cà phê của họ trong tháng 10/2020 tăng 77,15% so với cùng kỳ 2019, đạt 17.416 bao. Cả niên vụ 2019-2020, nước sản xuất cà phê arabica được cho là ngon đạt 1.135.522 bao.
- Indonesia: Xuất khẩu cà phê tháng 10/2020 giảm mạnh
Xuất khẩu cà phê Indonesia (chủ yếu robusta) ước đạt 272.427 bao, giảm 39,06%. Tính từ đầu năm đến cuối kỳ báo cáo, xuất khẩu cà phê Indonesia đạt 2.234.653 bao, giảm 11,65%.
- Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê
So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn arabica thuộc sàn New York đợt này được ghi nhận là 69.626 tấn so với tuần trước là 68.923 tấn, chủ yếu là arabica chế biến ướt từ các nước Trung và Nam Mỹ. Tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn London là 126.760 tấn so với tuần trước là 124.310 tấn chủ yếu hàng từ Brazil (1).
Giá cả (xem hình 1)
Tuần trước, tin bùng phát dịch Covid-19 đợt hai, còn dữ dội hơn đợt 1, đã làm giới kinh doanh cà phê lo ngại sức tiêu thụ toàn cầu giảm. Đã có lúc giá cà phê arabica xuống mức thấp nhất tính từ 14 tuần và robusta sâu nhất một tuần. Tuy nhiên, hai ngày cuối giá trên các sàn cà phê tăng và bù được những gì đã mất trước đó.
Kết quả chung cuộc, giá arabica chốt ở 109.45 cts/lb, cả tuần tăng 2,60 cts/lb hay 57 Usd/tấn với biên độ dao động 110.45/104.85 cts/lb, robusta đứng ở 1.350 Usd/tấn giảm 1 Usd trong biên độ 1.365/1.307 Usd/tấn.
Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ chào bán mức +190 Usd/tấn Fob (giao hàng qua lan can tàu) nhưng người mua chỉ trả +130/+140 Usd/tấn. Giá cà phê nội địa loại 2 dao động trong khu vực 32-33,6 triệu đồng/tấn, càng về cuối tuần càng cao.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 09-13/11/2020: Nhiều yếu tố tích cực sẵn sàng tác động lên giá robusta.
Phiên giao dịch cuối tuần 06/11/2020, giá robusta London dừng tại vùng kháng cự 1.360-1.362 nhưng không chịu vượt đỉnh trước đó là 1.365 để quay về đóng cửa tại 1.350.
Không lẽ lực bán khu vực này mạnh thế sao? Rất có thể khi chạm vùng kháng cự đã nói, những nhà đầu tư nhỏ lẻ đã bán lại những hợp đồng mua giá thấp trước đó để kiếm lãi. Cũng không loại trừ khả năng các nước sản xuất chốt bớt các hợp đồng bán vì vụ mùa Việt Nam quá cận kề.
Nhìn về phía kỹ thuật, theo đồ thị do nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh cung cấp, có thể nói rằng:
-Giá London đang trong xu hướng tăng theo đường “zic zac” vì nếu như tính từ đáy 1.259 lập ngày 13/10/2020, đỉnh và đáy sau cao hơn trước với kháng cự “cứng” nằm tại 1.360-1.362. Trong những ngày tới nếu như vượt khỏi 1.365/1.367, London có thể quay lên thử lại vùng 1.385/1.395 để chạm vùng kháng cự “cứng” cao hơn tại vùng 1.410.
Đóng cửa tại mức 1.350, tuy giảm so với tuần trước, nhưng lộ ra hướng tích cực nhờ mức ấy nằm trên nhiều đường bình quân động.
Hướng tăng sàn London sẽ bị hóa giải khi để mất vùng 1.320-1.310.
Tuy nhiên, trước mắt, rất khó xuống vùng này do tin thời tiết và những thay đổi có thể xảy ra trên chính trường và thị trường tài chính Mỹ.
Nhìn qua sàn New York, nếu như hợp đồng giá tháng 03/2021 của sàn arabica mất mốc 105 cts/lb, bấy giờ London mới tỏ thái độ tiêu cực một cách rõ ràng.
Vả lại, áp lực bán hàng thực trên hai sàn sẽ không mạnh đến nổi phải ảnh hưởng xấu tới giá cà phê nhờ một đồng Usd yếu, đồng Brl tăng, cộng với thời tiết bất thuận ảnh hưởng tốt lên giá của 2 sàn cà phê.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Giá lên chưa chắc cò hàng mới để bán
Các đợt mưa do áp thấp nhiệt đới sau bão đã mang đến và đang được dự báo lại một lần nữa kéo dài thời gian thu hái cà phê nhiều nơi tại Tây Nguyên, nhất là vùng phía Bắc Tây Nguyên gồm hai tỉnh Gia Lai và Kontum.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều 07/11 bão số 11 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên trên biển lại có áp thấp nhiệt đới mới có khả năng đi vào Biển Đông thành bão số 12 (?), ảnh hưởng trực tiếp nước ta. Theo sơ đồ dự báo, bão sẽ ảnh hưởng trực đến vùng biển và đất liền các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ trong khoảng ngày 10 và 11/11/2020 (Tuổi Trẻ online).
Như vậy, từ nay đến giữa tháng 12/2020, khu vực chịu ảnh hưởng mưa lũ khó có hàng vụ mới do thiếu nắng và hạ tầng cơ sở như sân phơi, hệ thống đường sá và cầu cống ảnh hưởng đến vận chuyển cà phê nếu như bão số 12 là cơn cuối cùng.
Giá cà phê nguyên liệu trên thị trường nội địa ngày giao dịch đầu tuần ở mức 33,5 triệu đồng/tấn. Hàng hóa hiếm hoi, trừ tồn kho vụ cũ. Giá cà phê nguyên liệu loại 2, tối đa 5% đen vỡ có khả năng lên 34 triệu đồng/tấn tuần này nếu như mưa bão cứ tiếp tục hoành hành vùng nguyên liệu.
Nguyễn Quang Bình
nguồn: NCIF
Hits: 77
3 Trackbacks / Pingbacks
Comments are closed.