Diễn biến giá cà phê tuần từ 27-31/08/2018: Hết áp lực chốt bán, giá cà phê vẫn ở vùng thấp
Hình 1
Còn một tháng nữa, thị trường cà phê thế giới chuyển sang giao dịch niên vụ 2018/19. Dấu ấn của tháng 08/18 rõ tiêu cực vì đấy là thời kỳ giá cà phê của hai sàn và giá cà phê nội địa đầy thử thách.
Thật vậy, chính trong tháng 08/18 vừa qua, giá arabica New York xuống mức thấp nhất tính từ 12 năm nay, có lúc chỉ đạt 99.35 cts/lb (tương đương 2.190 Usd/tấn) và sàn robusta London chạm 1.497 Usd/tấn, đấy là mức thấp nhất tính từ hơn 2 năm qua. Giá cà phê nội địa nhiều nơi ở Tây nguyên có lúc chạm 32,5 triệu đồng mỗi tấn, nhiều người cho rằng chỉ không còn bao nhiêu nữa, giá cà phê trong nước sẽ về mức giá thành sản xuất nếu như giá cà phê thế giới cứ rớt liên hồi như trong tháng 08/18.
Nhiều người cứ tưởng hết sức ép chốt giá của các hợp đồng giao sau và kỳ hạn tháng 09/18 trên 2 sàn kỳ hạn New York và London xong vì đáo hạn chốt giá của London là ngày 28/08/18, giá cà phê sẽ tăng. Nhưng thực tế không như chờ mong. So với tuần trước đó, ngày 31/08 giá New York mất 2.90 cts/lb (tương đương 64 Usd/tấn) chốt ở 101.80, giá London mất 40 Usd/tấn còn 1501 usd/tấn. Như thế hai sàn đều đang ngập ngừng trước mức tâm lý quan trọng 100 cts/lb với New York và 1500 Usd/tấn với London dù mới đây cả hai sàn không giữ được các chốt quan trọng ấy (xem hình 1).
Hình 2
Các nhà phân tích cho rằng ngoài các thông tin Brazil và Việt Nam cũng như nhiều nước xuất khẩu khác được mùa trong thời gian tới, đồng Reais Brazil (Brl) mất giá so với Usd làm ảnh hưởng tiêu cực trên giá cà phê vì Brazil là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.
Chỉ trong tháng 08/18, đầu tháng giá trị đồng Brl giảm từ 3,70 Brl ăn 1 Usd thì có lúc ở cuối tháng ăn 4,21 Brl. Đồng Brl mất giá khuyến khích xuất khẩu, nông dân bán ra nhiều vì thu nhập bằng đồng nội tệ nhiều hơn (xem hình 1).
Trong khi đó, tồn kho cà phê tại các vùng tiêu thụ chính của thế giới vẫn còn nhiều, chừng 1 triệu tấn. Trên sàn kỳ hạn New York, tồn kho arabica đạt chuẩn đấu giá không ngừng tăng (xem hình 2).
Thị trường cà phê nội địa: Theo thế tăng hay thế giảm?
Giá cà phê robusta nội địa tuần qua ở mức 32,5 triệu đồng mỗi tấn, là mức thấp nhất tính từ đầu niên vụ.
Vấn đề ở đây là giá mua bán “tiền tươi” (outright) thấp, giá giao dịch trừ lùi (differential-tính theo chênh lệch so với sàn kỳ hạn London) vẫn thấp. Vì sao? Tâm lý được mùa đang ảnh hưởng rất tiêu cực đến giá trừ lùi. Đáng ra, nếu giá niêm yết thấp, người mua thường chấp nhận trả giá cao hơn, có thể đi từ ít hơn đến cộng so với giá niêm yết London.
Một số chuyên gia cho rằng khi chưa rõ nhu cầu thị trường, hãy gạt bỏ tâm lý tiêu cực có hại đến giá. Thật vậy, giá kỳ hạn cà phê hiện nay yếu không chỉ do tin đồn về cung lớn hơn cầu, mà còn các yếu tố như tiền tệ và thời tiết.
Họ khuyên đừng vội bán khi chưa có gì rõ ràng để theo tin đồn tiêu cực. Cần theo dõi nhu cầu mua hàng của nhà nhập khẩu trong tháng 09/18 (chỉ mới bắt đầu) để tránh những sai lầm do vội vã nghe tin đồn để bán giá thấp.
Những người kinh nghiệm nói rằng cần tỉnh táo vì giá cả không chỉ do ảnh hưởng của các yếu tố cung cầu, mà tâm lý hoảng loạn vì sợ giá xuống nữa để bán ra cũng gây hại cho người sản xuất. Nên họ cho rằng tuần này nếu có đáy, giá nội địa cũng quanh mức 32 triệu đồng mỗi tấn.
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 460