Diễn biến thị trường cà phê tuần từ 25-30/05/2020: Hai sàn cà phê đua nhau mất giá
Bối cảnh thị trường
Có lẽ yếu tố tác động lớn nhất lên thị trường tài chính tuần qua là căng thẳng leo thang giữa Mỹ với Trung Quốc về vấn đề Hồng Công, Mỹ vẫn trách cách xử lý thông tin đối với đại dịch Covid-19 của Trung Quốc, nơi xuất phát virus corona.
Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc chuẩn y luật an ninh quốc gia về Hồng Công vào ngày 28/05/2020. Chính quyền Mỹ và nhiều nước phương Tây lo ngại đạo luật mới làm mất tính tự chủ của đặc khu này. Họ cho rằng luật vừa được thông qua đã từ bỏ mô hình một nước-hai chế độ. Vì thế, Hồng Công sẽ không giữ được vị trí là trung tâm kinh doanh quốc tế như hiện nay. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường tài chính thế giới trong những ngày cuối tuần mà còn có thể kéo dài trong thời gian tới.
Chính quyền Mỹ tiếp tục cho rằng Trung Quốc không minh bạnh trong xử lý thông tin về dịch Covid-19, làm cả thế giới đánh giá sai và không thể chủ động được trong phòng và chống dịch. Tính đến sáng 30/05/2020, toàn cầu đã có trên 6 triệu trường hợp mắc bệnh, trong đó có hơn 366 nghìn ca tử vong. Riêng tại Mỹ, gần 1,8 triệu người nhiễm bệnh với gần 105 nghìn người chết.
Căng thẳng giữa hai cường quốc càng dâng cao khi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 theo đó Trung Quốc hứa mua hàng hóa Mỹ giá trị 200 tỷ Usd vẫn còn để treo.
Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) ấn định tỷ giá trung tâm nhân dân tệ (CNY) so với USD ở 7,1209, giảm 0,38% so với mức 7,0939 hôm 22/5. Đây là tỷ giá thấp nhất kể từ ngày 28/2/2008. Tỷ giá CNY/USD ở nước ngoài không thay đổi nhiều, quanh mức 7,1502. Nhiều người lo ngại một cuộc chiến tranh tiền tệ lại được khơi mào từ động thái này của Trung Quốc.
Chính phủ Nhật Bản tung ra gói kích thích mới trị giá hơn 100.000 tỷ yen (929 tỷ Usd), chủ yếu để cứu trợ tài chính cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đây là đợt kích cầu thứ hai của Nhật Bản. Gói trước có giá trị lên đến 1.100 tỷ Usd.
Các yếu tố bất ổn trên tác động tiêu cực đến hai sàn cà phê phái sinh robusta London và arabica New York. Các báo cáo giữa năm về tình hình cung-cầu cà phê của Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng nhiều nước được mùa làm bức tranh thị trường cà phê vốn đã xấu càng xấu thêm.
Dự báo sản lượng cà phê 2020
Tuần qua, Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) đã phát hành các dự báo sản lượng cà phê giữa kỳ 2020 của các nước. Vụ thu hoạch cà phê Việt Nam thường từ tháng 10 trở đi, nên năm kinh doanh được tính từ đầu năm sau, hòa chung với các nước có lịch thu hoạch sớm hơn.
Theo đánh giá của USDA, năm 2020, sản lượng của 4 nước sản xuất cà phê hàng đầu đạt 122,8 triệu bao. Brazil được mùa lớn và USDA đoán lượng xuất khẩu cà phê của nước này có thể trên 41 triệu bao (bao = 60 kg). Nếu như Indonesia mất mùa, Việt Nam và Colombia đủ lượng bù. Chỉ riêng Brazil tăng 8,6 triệu bao trong tình hình dịch Covid-19 hạn chế sức tiêu thụ và đồng nội tệ Brazil (Brl) liên tục mất giá.
Giá trị đồng Brl ngày 08/05/2020 xuống mức sâu kỷ lục 1 Usd=5,99 Brl. Cuối tuần trước, Brl đóng cửa đạt 5,33. Dù Brl có tăng, giá cà phê vẫn yếu, nhất là arabica do Brazil được mùa.
Dự báo sản lượng cà phê của USDA có ảnh hưởng rất lớn trên thị trường.
Giá cả (xem hình 1)
Trong bối cảnh bất ổn như đã nói cộng với dự báo sản lượng cà phê thế giới tăng trong năm 2020-2021 giữa lúc tiêu thụ giảm do dịch bệnh Covid-19, giá hai sàn cà phê phái sinh tuần qua giảm mạnh. Kết quả như sau:
-Sàn robusta London mất 38 Usd chốt tại 1.169 Usd/tấn với biên độ dao động cao/thấp nhất là 1.228/1.164. Giá robusta giảm mạnh trong ba ngày giao dịch cuối tuần còn do có tin mưa về tại Tây Nguyên, vùng cà phê trọng điểm của Việt Nam.
-Sàn arabica New York giảm 7,30 cts/lb hay 161 Usd/tấn chốt tại 96.30 cts/lb với biên độ dao động cao/thấp nhất là 107.10/95.85. Các mức này đang về lại khu vực thấp nhất tính từ 29 tuần nay.
– Lực bán mạnh trên sàn arabica New York đã kéo giá robusta theo dù sàn London cầm cự khá tốt. Tuy nhiên, do arabica được bán ào ạt với giá rẻ, giá cách biệt giữa 2 sàn nay co lại chỉ còn 43,27 cts/lb hay 954 Usd/tấn. Mức chênh lệch này gây bất lợi cho cà phê robusta vì các nhà tiêu thụ ưu tiên chọn mua arabica do rẻ khi cân đối giữa 2 loại.
-Giá cà phê nguyên liệu trong nước dao động trong khung 30,5-31,5 triệu đồng/tấn. Sau 3 ngày liên tiếp giảm trên sàn phái sinh London, giá cà phê trong nước cuối tuần qua giao dịch quanh mức từ 30,7 triệu đồng/tấn.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 01-06/06/2020: Xuất hiện đà đi xuống.
Tại ngày giao dịch cuối tuần trước, London có lúc mất đáy đôi quan trọng 1.168 (1) để đóng cửa ở 1.169. Trong tuần qua, tưởng London vượt tăng lên cao khi phá rào 1.215. Nhưng khối lượng giao dịch quá mỏng, dù giá robusta đã chạm 1.228 (26/05/2020), nhưng ngay sau đó phải trả lại nhanh do lực bán ra nhiều từ các nước sản xuất và quỹ đầu tư tài chính trên sàn.
Đứng tại vị trí đóng cửa 1.169 với đỉnh/đáy trong tuần là 1.228/1.164, nhìn theo đồ thị của nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh, có thể thấy rằng:
-Mức 1.169 nằm ở tỷ lệ -50% theo phương pháp Fibonacci nếu tính từ 1.267 (100%).
-London đã để mất các nút chặn quan trọng (đáy đôi) 1.173 và 1.168 là tiêu cực. Đóng cửa lại nằm ngay 1.169, tạo nên cái bẫy giữa “mất và còn” (1.168). Cú thử rớt xuống chạm 1.164 có thể là điềm báo cho một đợt xuống trong thời gian tới, nhất là khi tháng 06/2020 có ngày thông báo giao hàng cho tháng 07/2020 vào ngày 25/06/2020.
Các kịch bản cho giá robusta London trong tuần này:
-Hướng tích cực: Nếu cho rằng London cố tránh giá đóng cửa nằm tại/dưới 1.168, thì hướng lên phải qua bằng được 1.191 và 1.213 (-38,2% và 27,2% so với 1.267). Hay nói đơn giản rằng bằng mọi giá London phải lên nằm trên mức tâm lý quan trọng 1.200 thì bấy giờ bức tranh kỹ thuật của sàn này mới hé lộ được chút tích cực.
-Hướng tiêu cực: Các ngày đầu tuần, nếu có lúc nào đó giá robusta về dưới 1.164, thì đó là điều báo hiệu cho đợt xuống sâu hơn như 1.145/1.116/1.092. Khu vực từ 1.100-1.116 là vùng hỗ trợ cực mạnh. Nếu như vùng này bị xuyên và xuống dưới 1.100, chắc chắc lực bán bấy giờ sẽ rất mạnh và giá còn đi xa hơn. Tại sao? Vì bấy giờ thị trường sẽ thiên về bán gồm gặp các nút chặn lỗ bên phía bán cho cả hàng thực lẫn hàng giấy. Tuy nhiên, qua được vùng này cũng không phải dễ dàng.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Coi chừng giá giảm sâu!
Thị trường robusta mất sức hấp dẫn do giá arabica quá rẻ. Tuy nhiên, giá mua bán trong nước vẫn ở mức cao nếu so với giá niêm yết trên sàn London.
Đến đầu tuần này, giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ vẫn quanh mức 30,7 triệu đồng/tấn hay tương đương với 1.317 Usd/tấn (tỷ giá VndUsd 23.300). Như vậy, giá cà phê trong nước cao hơn giá niêm yết chừng 150 Usd/tấn.
Giá London thấp, giá nội địa cao hơn nhiều so với giá niêm yết, bối cảnh thị trường khó khăn…đang làm chậm nhịp giao dịch xuất khẩu.
Mua bán hàng thực (physicals) trong tuần này chủ yếu chỉ chốt giá hàng đã giao ký gởi tại kho người mua (nhà nhập khẩu). Lượng mua bán trao tay có thể sẽ rất rời rạc nhưng giá có thể vẫn ở mức cao từ 30-31,5 triệu đồng/tấn. Còn nếu như xảy ra hiện tượng bán chặn lỗ, giá chốt cho hàng đã giao kho có thể chỉ còn chừng 28-29 triệu đồng/tấn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- “Nhận định giá cà phê thế giới từ 25-30/05/2020: Vượt khỏi 1.200 Usd/tấn, giá robusta có cơ hội?, Nguyễn Quang Bình, tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22066
Ngoài ra, các đồ thị và tư liệu trong bài có tham khảo từ các trang “barchat.com”, “theice.com”, “ncif.gov.vn” và “thitruongcaphe.net” và “investing.com”
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 37