Diễn biến thị trường cà phê tuần 25-31/01/2021: Giá hai sàn cà phê phái sinh giảm nhẹ
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới 2021 có nhiều lạc quan. Theo IMF, nền kinh tế toàn cầu năm nay ước tăng 5,5%, so với giảm 3,5% trong năm 2020. Được như vậy là nhờ nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh sau đại dịch và chính sách hỗ trợ tài chính tại các nước như Mỹ, EU và Nhật Bản. Tuy nhiên, IMF cũng cho rằng tăng trưởng chỉ được thực hiện khi các nước khống chế được dịch Covid-19.
Riêng hai cường quốc kinh tế hàng đầu, dự báo ước Trung Quốc tăng 8,1% và Mỹ 4,3% trong năm 2021.
Như vậy, so với lần dự báo trước trong tháng 10/2021, tỷ lệ này có tăng 0,3%. Dù thế, hoạt động kinh tế thế giới 2021 vẫn còn thấp hơn trước khi bùng phát dịch Covid-19. Báo cáo cho biết không chỉ 2021 mà 2022 vẫn chưa bù lại những gì đã mất năm 2020. “Phải đến sau 2022 mới tính chuyện hồi phục như thời trước đại dịch,” IMF nói.
Khủng hoảng vận tải biển vẫn tiếp tục tạo nhiều khó khăn cho giao nhận hàng hóa nhất là từ các nước có nền kinh tế thiên về xuất khẩu. Tuy vậy, một số nhà phân tích ngành hàng hải cho rằng sau Tết Tân Sửu, áp lực giao hàng từ Trung Quốc sẽ giảm bớt và giải quyết phần nào cho tình trạng thiếu containers và chỗ trên tàu. Dù thế, chưa nên kỳ vọng giá cước giảm nhiều trong khi các nhà xuất nhập khẩu chưa thể có thang giá mua bán mới bao gồm cước vận tải được gộp vào.
Điểm tin cung-cầu trong tuần
Việt Nam: Xuất khẩu 01/2021 giảm 17,6%
Tổng cục Thống kê cho biết xuất khẩu cà phê tháng 01/2021 đạt 120.000 tấn trị giá 217 triệu Usd, giảm 17,6% về lượng và giảm 12,6% về giá trị so với cùng kỳ 2020.
Trong đợt khảo sát vụ thu hoạch cà phê Việt Nam trong tháng 01/2021, một vài thương nhân cho rằng sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ hiện hành có thể giảm từ 12%-18%, quanh mức 24-26 triệu bao. Lý do: giá thị trường cà phê thấp, nhiều nơi chuyển đổi cây trồng hay đưa đất sử dụng vào mục đích kinh tế khác.
Bờ biển Ngà
Xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu niên vụ từ 10-12/2021 nước sản xuất cà phê lớn nhất vùng Tây Phi này đạt 424.941 bao (bao=60 kgs), giảm 62,51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê
So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn ghi nhận trong đợt này đều tăng: sàn arabica New York là 97.331 tấn so với tuần trước là 95.339 tấn. Tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn London là 142.510 tấn so với tuần trước là 142.600 tấn chủ yếu hàng từ Brazil.
Giá cả
Hết tháng 01/2021, hiệu suất đầu tư trên sàn cà phê robusta London giảm 76 Usd/tấn hay giảm 5,45% (1.313-1.389), còn tính sau một năm sàn này mất 114 Usd/tấn giảm 7,96%.
Trên sàn arabica New York, tháng 01/2021 giá giảm 5.15 cts/lb hay -3,96% (126.20-131.35), tính sau một năm thì tăng 7,95% với +9.20 cts/lb tương đương với +203 Usd/tấn.
Giá London được thể hiện trên vị thế kinh doanh của giới đầu tư trên sàn khi họ chuyển từ dư mua (net long) trước đó sang dư bán (net short) hiện nay. Tính đến ngày khóa sổ 26/01/2021, các quỹ đầu tư giữ 14.421 hợp đồng dư bán (1 hợp đồng/lô=10 tấn). Vị thế kinh doanh trên sàn New York cùng kỳ của giới đầu tư được ghi nhận đang giữ 22.527 hợp đồng dư mua hay 383.860 tấn.
Tuần qua, giá cà phê trên hai sàn phái sinh có kết quả giảm.
-Sàn robusta giảm 3 Usd/tấn chốt ở 1.319 Usd/tấn với biên độ dao động rất hẹp (1.335/1.300).
-Sàn arabica chốt tại 125.00 cts/lb giảm 1.20 cts/lb tương đương với 26 Usd//tấn với biên độ dao động 128.80/124.20.
Giá chào xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ quanh mức +80 Usd/tấn Fob cao hơn giá niêm yết sàn London cơ sở tháng 05/2021. Đây là tuần thứ ba giá xuất khẩu bình ổn ở mức này.
Giá cà phê nội địa cùng loại dao động trong vùng 31,3-31,9 triệu đồng/tấn. Giá cuối tuần qua quanh mức 31,8 triệu đồng/tấn.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 01-06/02/2021: Dấu hiệu phục hồi xuất hiện dù kỹ thuật còn phải cố gắng.
Trên cả 2 sàn cà phê, thứ sáu 29/01/2021 đều lập đáy sâu nhất tuần. Điều hy hữu là đáy của 2 sàn này vào tuần trước chính là mức đóng cửa của ngày 22/01/2021, phiên giao dịch cuối của tuần trước đó.
Hai sàn đều phá các đáy cũ ấy và vươn lên lại khi đóng cửa.
Riêng với sàn robusta, giá giao dịch đã dừng ngay tại mức tâm lý quan trọng 1.300 mà không xuống sâu hơn. Liệu có hy vọng được rằng đó là dấu hiệu cho thấy tạm thời London dừng tại 1.300?
Rõ ràng dù đóng cửa tại 1.319, vượt 19 Usd so với đáy, về kỹ thuật giá vẫn chưa sáng sủa mấy. Nhưng cú vượt cạn với 19 Usd cũng nên cho là một bước dài khi giá ở vùng thấp hiện nay.
Trong tuần này, về hướng xuống, mốc 1.300 là cực kỳ quan trọng vì nếu một khi mất, dù ở trong phiên, thì đó là lời cảnh báo cho sàn này xuống sâu hơn như 1.291/1.282.
Nếu London đi theo hướng tích lũy, sẽ xoay quanh trong vùng 1.335-1.300, là biên độ dao động của tuần trước.
Hướng xuống và thoát khỏi lối tích lũy chỉ được hóa giải khi vượt khỏi 1.348 (MA 200). Nếu qua được mức này, lực hấp dẫn để giới đầu tư mua thêm có thể kéo giá lên vùng 1.365-1.369.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Từ bình giá đến tăng nhẹ
Nhìn cú nhảy vượt cạn cuối tuần, kết hợp với một số chỉ báo khác như sàn này gần chạm vùng bán quá mức, lượng hợp đồng dư bán của giới đầu tư ba tuần liên tiếp tăng…thì có thể tin rằng giá London tuần này có khả năng phục hồi hay tiếp tục tích lũy. Đặc biệt đây là tuần cận Tết, sức bán hàng xuất khẩu từ Việt Nam giảm nên lực chốt giá bảo vệ cho hàng mua từng ngày trong tuần không căng. Chỉ lo ngại nhất là ở những mức trên 1.350, nhiều nhà xuất khẩu và đại lý thu mua muốn chốt giá cho các hợp đồng đã giao vào kho, gây khó khăn cho hướng vượt lên cao.
Giá cà phê nội địa loại 2 tối đa 5% đen vỡ dự kiến tuần này đi trong vùng 31,5 đến 32,5 triệu đồng/tấn.
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 20