Nên gọi “futures market” là thị trường kỳ hạn hay tương lai?

Thật ra, không nên nói rằng do hình thức kinh doanh này mới, chỉ sau này ta mới có nên đặt tên gì cũng được, vì đó chẳng qua là tên gọi. Xuề xòa vậy cũng được. Nhưng nếu đưa nó vào trong các bài nghiên cứu nghiêm túc vì đã hiểu sâu hoạt động, hay nếu như từ này đã được một số nhà nghiên cứu kinh tế cũ đã từng sử dụng trước đây, thì ta nên cân nhắc, đặc biệt phải truy cứu “từ nguyên” và hiểu thậ sâu các hoạt động của thị trường này mới thấy nên gọi nó là gì.

Thị trường kỳ hạn mà nay có người gọi là “Futures market” trước đây còn được gọi là “terminal market” (tiếng Anh) và “marché à terme” hay “marché terminal” trong tiếng Pháp. Nay rất nhiều người trên kinh doanh trên thị trường này vẫn còn hay gọi tên cũ bằng tiếng Anh và tiếng Pháp như đã nói.

Sở dĩ người ta gọi tên mới “futures market” có lẽ sau này vì phạm vi hoạt động của nó lớn, nay chuyển qua không chỉ hàng hóa mà tiền tệ, hối trái phiếu, chuyển đổi tiền tệ…với rất nhiều hình thức khác nữa.

Trong Từ điển Tài chính của nhóm Trần Bá Tước, họ không đặt tên “tương lai” mà là “thị trường triển kỳ” tức giao dịch và giao hàng cho các hợp đồng này trong một giai đooạn nào đó trong một kỳ nào đó ở tương lai. Tuy nhiên, từ này ít ai dùng vì khó nhớ.

Riêng về từ “kỳ hạn”, thật ra trước đây các nhà nghiên cứu kinh tế cũ đã nói nhiều nhưng không biết ai đó thấy “futures” tưởng là “tương lai” nên gọi vừa dễ nhớ mà vừa dễ học tiếng Anh. Song, họ không để ý đến định nghĩa của từ này.

Theo “investopedia.com”, xin trích nguyên văn câu tiếng Anh như sau:

“DEFINITION of ‘Futures Market’

An auction market in which participants buy and sell commodity/future contracts for delivery on a specified future date…”

Xin tạm dịch “Là một thị trường đấu giá mà tại đó các bên tham gia mua và bán các hợp đồng hàng hóa/kỳ hạn cho giao hàng tại một ngày nào đó trong tương lai được sàn qui định/biệt chỉ”.

Rõ ràng, nếu nói thị trường “tương lai”, thì nghĩa mơ hồ chung chung, còn “kỳ hạn” tức có thời hạn, có qui định chuẩn và rõ ràng.

Nên sử dụng “thị trường kỳ hạn”.

Cũng cần nói rằng “hợp đồng kỳ hạn” là các hợp đồng hết sức chuẩn, từ số/khối lượng của hợp đồng, đến chất lượng và thời hạn giao hàng, thị trường không thể du di.

Trong khi đó, có nhiều loại hợp đồng khác “ăn theo” hợp đồng kỳ hạn như “forward contracts”. Hình như có nhiều nhà nghiên cứu thị trường phái sinh hiện nay đã đặt tên cho loại hợp đồng này là “kỳ hạn”. Có lẽ do họ không có thực tế mua bán và thâm nhập sâu vào hoạt động kinh doanh thị trường phái sinh, nên gọi “đại” cho xong. Điều này làm xã hội thêm nhiều tranh cãi.

Tuy “forward” có nghĩa là “phía trước”. Nhưng nếu đứng về phía bán thì gọi là “bán trước” nhưng do hợp đồng kinh doanh kỳ hạn chuẩn qui chiếu trên ngày giao hàng và trong thị trường thường gọi là “hợp đồng giao sau”. Forward contract nên gọi là “hợp đồng giao sau”.

Hợp đồng giao sau chỉ dùng giá và thời hạn giao hàng của thị trường kỳ hạn để tham chiếu (xin hiểu tham chiếu chứ không phải “chuẩn”, còn chất lượng, số lượng, ngày giao hàng (trong hạn định giao hàng do hai bên mua bán nhất trí với nhau)…đều không gắt theo chuẩn của hợp đồng kỳ hạn. Mua bán cà phê trừ lùi cộng tới như hiện nay là mua bán kiều này, tức “forward contracts” nên mới có xin chuyển tháng trên cùng hợp đồng…

Có một số người nhờ tôi giúp để viết luận văn, tôi yêu cầu họ giải thích kiểu này và thấy nhiều vị giáo sư, tiến sĩ không ý kiến gì chắc là nhờ giải thích hợp lý.

Hy vọng sẽ có những bàn thảo sâu hơn khi các chuyên gia ngành tài chính phái sinh có thực tế và chắc họ sẽ thay đổi ý kiến mà dùng futures market thành thị trường kỳ hạn và forward contract thành hợp đồng giao sau.

Nguyễn Quang Bình

Hits: 81