(TBKTSG) – Mỗi lần anh em kinh doanh nông sản gặp nhau hỏi chuyện làm ăn thế nào, hầu hết câu trả lời thân tình và gọn nhẹ là: “Tùy hên hay xui!”.
Ngành cà phê mất một khách mua trực tiếp
Thị trường ước đoán hàng năm, tập đoàn công nghiệp thực phẩm Nestlé mua khoảng 300.000-350.000 tấn cà phê của Việt Nam để cung cấp cho các nhà máy của họ tại Việt Nam và mạng lưới sản xuất cà phê thương hiệu Nestlé trên thế giới, theo chất lượng phù hợp với yêu cầu an toàn thực phẩm và công nghệ chế biến của họ. Thế mà vào niên vụ 2017-2018, Nestlé đã quyết định giải tán bộ phận kinh doanh cà phê đóng tại Việt Nam (trading desk). Bộ phận này chịu trách nhiệm mua cà phê trực tiếp từ nông dân qua mạng lưới cung ứng được chọn lọc theo các tiêu chuẩn và điều kiện chặt chẽ để tạo thành một chuỗi cung ứng khép kín giữa nông dân với hệ thống nhà máy chế biến cà phê của Nestlé. Chuyện công ty giải thể một bộ phận do làm việc không hiệu quả, hoặc do thua lỗ là rất bình thường. Nhưng hình như chuyện của Nestlé lại không trúng vào các trường hợp ấy.
Ước mơ cháy bỏng của nhiều nông dân và các đại lý thu mua cà phê tại vùng nguyên liệu Tây Nguyên là được tham gia vào một chuỗi cung ứng để bảo đảm sản phẩm có chỗ tiêu thụ. Gần chục năm qua, giữa nông dân và các nhà máy của Nestlé đã xây dựng được mối quan hệ khá tốt sau khi đã trải qua nhiều thử thách liên quan đến vệ sinh nhà máy, an toàn lao động, cấm sử dụng lao động trẻ em, cách thu mua, cách lập chứng từ và thanh toán… Tất cả như đã được xếp đặt gọn gàng trong một hệ thống khép kín. Người bán còn được người mua giới thiệu và bảo lãnh với các ngân hàng để có thể tạm ứng, vay tín dụng nhằm phục vụ sản xuất, và Nestlé đã chủ động được việc thu mua. Riêng niên vụ 2016-2017 (vừa chấm dứt vào ngày 30-9-2017), do mưa kéo dài tại các vùng sản xuất, nhiều người ký hợp đồng bán cà phê cho hãng này đã không thể cung ứng cà phê đạt chất lượng nhập kho. Điều này cho thấy năng lực chế biến của ngành cà phê chưa đáp ứng kịp một chuỗi cung ứng cơ bản. Trong khi đó năng lực kho chứa tính đến nay dễ đã lên tới gần 5 triệu tấn nhưng tổng sản lượng chế biến thì chỉ chừng 1,5-1,7 triệu tấn.
Việc giải thể bộ phận kinh doanh hình như đã được Nestlé quyết định nhanh chóng sau khi thấy năng lực chế biến của bên bán thất thường. Tất nhiên là đã có những lần thử thách trước đây, nhưng niên vụ vừa qua là giọt nước tràn ly.
Mất tiền và hơn thế nữa
Qua niên vụ mới (bắt đầu từ 1-10-2017), Nestlé đã chọn một số nhà kinh doanh nước ngoài làm đại lý giúp họ, tức quay lại cách thu mua mà họ đã từng áp dụng cách nay chừng chục năm. Việc Nestlé tin tưởng bàn giao công tác thu mua cho các nhà buôn nước ngoài có thể vì những người này làm ăn bài bản và chuyên nghiệp hơn. Điểm mạnh của các hãng kinh doanh cà phê trung gian là một khi có các vấn đề như ảnh hưởng của thời tiết, chất lượng sản phẩm kém hay thiếu số lượng hàng giao, họ sẽ có hàng xuất xứ từ các nước khác thay thế. Bài học kinh nghiệm ở đây là mặt hàng cà phê không chỉ Việt Nam có. Một khi các nhà máy công nghiệp thực phẩm thiếu hàng, họ có thể cậy chỗ khác mua hàng để bảo đảm công suất sản xuất hàng ngày.
Mặt khác, nhà cung ứng địa phương cần lưu ý khâu thu mua sản phẩm phải phù hợp yêu cầu về chất lượng, số lượng, tính đều đặn của một hãng công nghiệp thực phẩm lớn, có quy chuẩn nghiêm túc. Chính vì các yếu tố này, Nestlé trả giá cao hơn hàng chợ từ 2.000-4.000 đồng/ki lô gam, hay cứ lấy bình quân 120-150 đô la Mỹ/tấn. Giả sử trong 150 đô la ấy có 100 đô la là phí chế biến, còn 50 đô la là lợi nhuận và các suất thưởng khác. Nếu phải qua tay trung gian, chỉ cần người ta gạt đi một nửa (25 đô la) và chỉ tính trên 150.000 tấn mua trực tiếp, các nhà cung ứng đã bị mất khoảng 3,7 triệu đô la.
Hàng năm, với lượng xuất khẩu bình quân 1,5 triệu tấn, rõ ràng Việt Nam vẫn là nguồn cung ứng cà phê robusta quan trọng cho người khổng lồ trong ngành chế biến cà phê rang xay và hòa tan này. Nhưng điều đáng tiếc cho nhiều nhà cung ứng cà phê Việt Nam đã từng được chọn mặt gởi vàng là Nestlé không còn muốn mua trực tiếp của họ nữa mà đã quyết định thông qua các công ty kinh doanh trung gian. Và như vậy, hàng năm, nông dân và một số nhà cung ứng bị hụt đi một ít thu nhập. Nhưng điều ấy vẫn chưa quan trọng bằng việc mất đi một cách làm ăn theo chuỗi cung ứng của nền công nghiệp thực phẩm tiên tiến mà Nestlé là một trong vài hãng lớn trên thế giới.
Xem như đã mất một khách mua trực tiếp và chưa biết đến khi nào hai bên mới nối lại. Ngành cà phê luôn khát khao đi tìm thị trường mới nhưng chính mình lại đánh mất một người mua lớn và ổn định.
Đến nước này không biết nên trách ai gây ra chuyện, trách trời mưa hay cũng tại… hên/xui?
NGUYỄN QUANG BÌNH, TBKTSG 29/12/17
Hits: 68