Hồ tiêu: giá nào cao, giá nào thấp?

(TBKTSG) – Hồ tiêu chuẩn bị vào mùa thu hái và sẵn sàng cho năm kinh doanh mới 2018. Thường vào đầu tháng Giêng dương lịch hàng năm, nhiều nơi bắt đầu thu hái cho đến cận Tết âm lịch là lúc rộ vụ.

Sau một năm, giá giảm 50%

Nếu đứng tại thời điểm cuối tháng 12-2017 để so sánh, giá hồ tiêu trên thị trường nội địa đã giảm gần 50%, tức từ 140.000 đồng mỗi ki lô gam vào năm 2016 nay còn quanh 74.000 đồng. Một số doanh nghiệp kinh doanh hồ tiêu lo ngại giá có thể xuống thêm và mức 70.000 đồng/ki lô gam là khá thực tế khi kỳ thu hoạch mới đang cận kề.

Giá hồ tiêu xuống không phải do nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này xuống vì khối lượng xuất khẩu hồ tiêu hàng năm của thế giới không hề giảm. Năm 2017, ước xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu đạt chừng 365.000 tấn, tăng 50.000 tấn so với năm 2016.

Bán không chạy do chi phí cao

Mới đây, có một số nhận định cho rằng đó là do áp lực về thị trường tiêu thụ, đặc biệt khi các nước xuất khẩu khác tăng mạnh sản lượng. Như trường hợp Brazil từ nước nhập khẩu thành nước xuất khẩu với ước lượng 50.000 tấn năm 2017. Hay Campuchia tăng 50% lượng xuất khẩu năm 2017 với 20.000 tấn so với năm trước. Rõ ràng là hồ tiêu ứ đọng chưa bán được trên thị trường Việt Nam là do bị các nước xuất khẩu mới nổi “tấn công” giành thị phần.

Nhưng vì sao họ giành được thị phần xuất khẩu của nước ta?

Gần kết thúc năm kinh doanh hồ tiêu, tồn kho cuối kỳ năm 2017 tại Việt Nam ước còn 25.000 tấn, tăng 5.000 tấn so với năm trước. Một trong những lý do tồn kho nhiều có thể là vì giá hồ tiêu Việt Nam thiếu cạnh tranh. Mới đây, trong hội nghị về logistics được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp, nhiều phát biểu cho rằng hàng hóa Việt Nam cạnh tranh kém do phí vận tải quá cao. Chi phí vận tải và logistics của hàng hóa Việt Nam nói chung (mà đặc biệt là hàng nông sản) chiếm 20,8% GDP so với mức 10% của các nước.

Chưa có ở đâu lạ như ở nước ta, khi mặt hàng hồ tiêu mua tận gốc giá rẻ nhưng thương lái và các nhà xuất khẩu không thể bán có lời vì phí trả qua các trạm BOT quá cao, đôi khi cao gấp hai, ba lần so với chi phí nhiên liệu, cộng với chi phí “lót tay” dọc đường bởi có nhiều trạm kiểm soát giao thông “bất ngờ và vô tội vạ”. Điều này đã chặn đứng hạt tiêu và nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu khác tại nguồn, theo một nhà phân tích thị trường.

Hàng ế hay do không muốn bán?

Thói quen mua bán của nhiều doanh nghiệp và chủ vườn hồ tiêu Việt Nam cũng khác xa cách làm của các nước. Tại Brazil, một khi thu hoạch xong, nông dân bán ngay 70-80% sản lượng để chuẩn bị tái sản xuất. Còn tại Việt Nam, hầu hết người có hàng trong tay đều có sự đồng thuận “bất thành văn” là đầu cơ giá tăng, tức rủ nhau trữ hàng để mong bán được giá cao về sau.

Trong khi đó, nghe nước ta có sản lượng lớn, một số nước cạnh tranh tỏ ra “e ngại”. Có tin cho biết một số doanh nghiệp Ấn Độ đang đề nghị chính phủ của họ kiểm soát chặt chẽ dư chất thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam như là một rào cản kỹ thuật ngăn hồ tiêu Việt Nam vào nước họ. Và không dừng ở Ấn Độ, những hàng rào này còn ngăn hạt tiêu Việt Nam ra thị trường thế giới.

Tuy chưa vào vụ thu hoạch chính thức nhưng nhiều dự báo cho rằng sản lượng hồ tiêu Việt Nam vụ này có thể quanh mức 180.000 tấn, ngang với vụ trước. Dù vậy, đối với nông dân ở nhiều nước xuất khẩu khác, giá hồ tiêu chỉ ở mức trên 3.000 đô la Mỹ/tấn đã là mức “giá mơ ước”. Do vậy, họ sẵn sàng mở rộng diện tích mà không ai có thể ngăn được.

Như vậy, sự ứ đọng hồ tiêu trong kho ngay từ đầu năm kinh doanh 2018 không chỉ đổ thừa do thế giới tăng sản lượng, mà còn do yếu tố chủ quan là chi phí đầu vào và chi phí làm hàng xuất khẩu quá cao. Bao lâu chưa giải quyết được khâu chi phí và khuyến khích thay đổi cách mua bán quá thiên về đầu cơ như hiện nay, bấy lâu hồ tiêu vẫn chưa thể bán chạy, và giá hồ tiêu chưa mong thoát nhanh khỏi khó khăn trong năm mới.

NGUYỄN QUANG BÌNH, TBKTSG 29/12/17

Hits: 97