Kỳ thi nào nên là kỳ thi quốc gia?

(SGTT  28-7-2014) Hẳn nhiều bậc cha mẹ và nhất là học sinh đang hồi hộp những thông tin  thay đổi kế hoạch thi cử năm tới với tâm thế chưa kịp chuẩn bị để đón nhận. Bởi, vội chuyện gì cũng được nhưng thi cử là chuyện quốc gia đại sự, sai một ly, có thể đi cả mấy thế hệ.

 

Mấy hôm nay, dư luận nóng ran với đề án một kỳ thi quốc gia mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gấp rút hoàn thành đề án để dự kiến trong quí 3 năm nay sẽ đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

Việc gộp kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) vào với kỳ thi đại học tuy chưa công bố chính thức nhưng hiện cũng đang nhận được nhiều ý kiến từ nhà giáo dục cho đến các bậc phụ huynh. Vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng  thi tốt nghiệp THPT hiện nay để chỉ loại 1-2% học sinh không đạt yêu cầu thì chẳng bằng học sinh nào học hết lớp 12 đạt yêu cầu đức, trí và thể dục, đều được cấp bằng tốt nghiệp phổ thông như các lớp cuối cấp tiểu học và trung học cơ sở đã từng thực hiện.

Song, thi gộp cấp cuối phổ thông với xét tuyển vào các trường đại học vẫn đang làm nhiều người trăn trở. Vì qua kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, xã hội và nền giáo dục một nước xác nhận công dân ấy đã được trang bị ngần ấy kiến thức và các kỹ năng “phổ thông”, nhưng với kỳ thi vào đại học thì không thể “đại trà” được mà cần có sự sàng lọc khắc khe để đảm bảo người được chọn có đủ khả năng tiếp nhận kiến thức hay kỹ năng chuyên sâu của ngành nghề sau này, ngoài ra còn là sự phân công lao động theo nhu cầu xã hội, mà như mọi người vẫn nói “ai cũng đòi làm thầy hết thì lấy ai làm thợ”. Một học sinh phổ thông có thể đạt điểm 9-10 với một bài thi hóa sinh chung chung, nhưng để trở thành một bác sĩ tương lai, trường y khoa có những “thuật” sát hạch riêng để tìm ra và đào tạo một thầy thuốc đủ khả năng trong tương lai.

Thế cho nên, khi nghe thông tin Bộ Giáo dục-Đào tạo đang xem xét khả năng sẽ tiến tới một kỳ thi quốc gia đáp ứng cả hai mục tiêu –vừa xét tốt nghiệp THPT vừa làm cơ sở để xét tuyển vào đại học, cao đẳng- thì một mặt dư luận hoan nghênh vì giảm được gánh nặng chi phí lẫn áp lực nặng nề của cả xã hội, nhưng mặt khác cũng mong mỏi có một sự nghiên cứu thận trọng để kỳ thi nói trên vẫn giữ được sự sàng lọc nghiêm túc khi bước qua ngưỡng cửa đại học.

NGUYỄN QUANG BÌNH

đã đăng trên báo SÀI GÒN TIẾP THỊ (Bộ mới) ngày 28-5-2014

Hits: 73