Trừ người có kỳ vọng thái quá, hiện tượng giá trên hai sàn cà phê phái sinh giảm mạnh trong tháng 9 vừa qua là điều có thể hiểu được. Bởi vì cả thế giới vẫn đang phải chông chọi với đại dịch Covid-19 chưa lui, thậm chí lo lắng những đợt bùng phát mới, gây điêu đứng cho hầu hết các ngành kinh tế chứ không riêng ngành cà phê.
Thị trường đầy thách thức
Đối với ngành cà phê, Brazil được cho là sẽ có một năm bội thu với ước báo sản lượng cà phê đạt từ 65-70 triệu bao (bao=60 kgs). Ngày 1-10, thị trường cà phê bước vào niên vụ mới trong bối cảnh dịch Covid-19 đang làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản phẩm thu hoạch xong không xuất đi kịp, nguồn vốn và tín dụng để mua hàng gặp khó khăn, tiêu thụ trầy trật do quán xá, khách sạn, nhà hàng ế ẩm. Trong khi đó, cà phê từ các nước sản xuất vẫn cứ phải tuôn ra, hết Brazil đến Colombia, Mexico…rồi cả Việt Nam cũng vào mùa thu hoạch trong những tháng cuối năm này.
Trong tình hình nguồn cung tăng, chuỗi cung ứng lại đứt gãy…diễn biến giá trên hai sàn phái sinh cà phê càng làm nhà vườn hoang mang khi đang tăng từ giữa tháng 7-2020, đột nhiên quay ngoắt lại từ đầu tháng 9-2020 đến nay, là thời điểm cuối cùng của niên vụ cũ.
Hiệu suất đầu tư trên các sàn cà phê đến cận ngày chia tay mùa cũ vẫn chưa đủ hấp dẫn đối với cả giới đầu tư chứ chưa nói tới nông dân. Trên sàn cà phê phái sinh arabica, tính từ đầu năm đến cuối tuần trước (25-9-2020), lợi suất đầu tư giảm 24.30 cts/lb tức 536 đô la Mỹ/tấn (137.95-113.65 cts/lb) tương đương với giảm 17,62%. Sàn robusta cũng chung số phận nhưng đỡ hơn với mức giảm trong cùng kỳ là 96 đô la/tấn hay giảm 6,6% (1.454-1.358 đô la/tấn). Nhưng chỉ riêng trong tháng 9-2020, sàn robusta London mất 63 đô la/tấn hay giảm 4,43% và arabica New York âm 9.30 cts/lb tức giảm 7,56%.
Nhìn từ yếu tố cung-cầu, bức tranh thị trường cà phê xem ra có nhiều màu tối hơn. Giá cà phê robusta không mất nhiều nhờ người dân nhiều nước tiêu thụ không ra khỏi nhà được do giãn cách xã hội và sử dụng cà phê hòa tan nhiều hơn. Sản phẩm chế biến hòa tan cho đến nay vẫn sử dụng một tỷ lệ rất lớn cà phê robusta.
Giá xuống: thấy vậy chưa chắc đã vậy
Rất nhiều nhà kinh doanh cà phê thương phẩm (commodities), thường phải dùng giá hai sàn cà phê phái sinh làm “kim chỉ nam”, càng lo ngại hơn khi các ngân hàng cung cấp tín dụng không còn lòng dạ cho vay để mua hàng. Tuy vậy, gần đây hình như thị trường cà phê toàn cầu có dấu hiệu điều chỉnh. Nếu như trước đây các ngân hàng đóng một vai trò quyết định trên giá phái sinh vì chính họ cung ứng tín dụng cho các nhà kinh doanh, quỹ đầu tư hàng hóa…thì sự rút lui của các ngân hàng cũng là bước nhường sân cho các quỹ ETF (exchange traded funds) hay còn hiểu là quỹ hoán đổi danh mục đầu tư/kinh doanh thông qua các công ty môi giới. Thường ETF sử dụng tiền góp của chính người muốn tham gia thị trường, sẵn sàng “ăn thua đủ” với rủi ro của thị trường. Điểm đặc biệt với ETF là họ “đánh” theo từng nhóm mặt hàng chứ không tập trung vào từng sàn phái sinh riêng lẻ.
Có lẽ chính vì vậy mà giá từng nhóm hàng (nguyên liệu) thời gian qua như năng lượng, kim loại và nông sản khi lên thì lên cùng nhóm, khi xuống lại rủ theo cả “xuồng”. Đồng thời, mục tiêu lợi nhuận của người góp vốn là trên hết, nên cách kinh doanh của ETF có khác, không ngâm vốn lâu dài như các quỹ đầu tư. Phải chăng vì thế mà giá cà phê cũng như rất nhiều sàn hàng hóa thương phẩm khác dao động từng phiên và từng kỳ rất mạnh, khi chủ ý đặt cược vào đâu thì thực hiện rất nhanh, khi chuyển đi thì thả cược rất chóng. Chỉ từ tháng 3-2020 đến cận cuối tháng 9-2020, “sóng” lượn trên sàn cà phê arabica (xem đồ thị – đường màu xanh) xảy ra 8 lần đó là chưa kể trong từng phiên “sóng” đánh cũng rất dữ dội.
Theo cách nhìn như thế, hoàn cảnh mới không cho phép các nước sản xuất, cụ thể là nhà vườn và giới kinh doanh, rộng cửa để đầu tư lâu dài, đặc biệt đầu cơ giá lên (ghim hàng cả cà phê thực lẫn giấy) như lâu nay nhiều người vẫn làm.
Vẫn có thể tin mặt bằng giá nông sản nói chung sẽ còn tăng nhưng có lẽ sẽ không bền vững như xưa mà chỉ theo từng chặp. Không nhất thiết Trung Quốc phải thực hiện kế hoạch mua hàng nông sản Mỹ theo thỏa thuận giai đoạn 1 ký đầu năm nay, mà đợt mưa lũ trong các tháng 7 và 8/2020 tại Trung Quốc đã một phen đe dọa đập Tam Hiệp, buộc nước này phải nhập khẩu nhiều loại nông sản, thực phẩm để phục vụ cho tiêu dùng và sản xuất trong nước.
Cần thay đổi cách làm
Trước hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần 3, năm 2020 tổ chức vào ngày 28-9-2020 tại Đắc Lắk, nhiều nhà vườn cà phê sản xuất bền vững vẫn cho biết cảm thấy bơ vơ vì không biết theo chương trình chuyển đổi nông nghiệp bền vững rồi sản phẩm có bán được theo “tiền nào của nấy” hay vẫn phải chịu đồng giá với cà phê trồng đại trà!
Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) cho biết đến hết nửa đầu năm 2020, cả vùng Tây Nguyên đã có hơn 36 ngàn héc-ta cà phê canh tác bền vững. Dự án đã chi 380 tỷ VN đồng để nông dân chăm sóc vườn cà phê của họ theo cách bền vững. Như vậy tiền tỷ đã được chi cho mỗi héc-ta để chăm sóc cà phê bền vững. Đó là chưa kể tiền và công lao động người nông dân đổ ra vì mục đích ấy, chưa kể nhà vườn phải chịu thiệt thòi do sản lượng giảm khi thực hành đúng qui trình VnSAT.
Kỳ vọng của chương trình là đem lại cho nông dân 20% lợi nhuận tăng thêm. Trong kinh doanh cà phê, để đạt lợi nhuận 20% là điều hiếm thấy chỉ trừ gặp may như thế giới thiếu cà phê do thiên tai hạn hán…Cũng đã có rất nhiều chương trình cà phê bền vững khác, cũng hứa hẹn sẽ mua giá tốt cho nông dân nhưng chỉ “được chăng hay chớ”. Nếu không có một thị trường khác với lối mua bán cà phê hiện nay, thì người nông dân đành phải bán thành phẩm bền vững của mình qua thương lái và các nhà kinh doanh hàng thương phẩm. Những người này chỉ cần chất lượng chung chung và trả giá đồng hạng nên chất lượng bền vững bị đánh đồng, giá cả sản phẩm bị chèn ép.
Nhưng không phải không có đường ra!
Con đường ra ấy là dựa trên cà phê bền vững sẵn có, ngành cần dũng cảm đầu tư mạnh thêm để đi đến sản xuất cà phê ngon, đặc hữu, tiến đến xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng cà phê đặc sản cung cấp trực tiếp cho các chuỗi quán, nhà hàng, không chỉ dưới dạng cà phê rang xay, phục vụ theo ly mà còn dưới dạng cà phê đặc sản nguyên liệu. Nếu như giá cà phê “hàng chợ” hiện nay chừng 32 triệu đồng/tấn, một số chuỗi quán trong nước sẵn sàng mua với giá từ 70 đến cả 100 triệu đồng/tấn.
Brazil, Indonesia, Uganda…các nước sản xuất cà phê robusta lớn của thế giới đang đầu tư hàng trăm triệu đến hàng tỷ đô la Mỹ để tối ưu hóa ly cà phê robusta theo hướng đặc sản dựa trên nền sản xuất bền vững sẵn có. Thiết tưởng với tư cách là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta hàng đầu thế giới, ngành cà phê Việt Nam cần dũng cảm thay đổi cách nghĩ cách làm, mạnh dạn đưa ra một chương trình hành động để phát triển sản phẩm cà phê đặc sản robusta.
Chỉ bằng con đường này mới mong phát huy được thế mạnh đầy đủ của hột cà phê Việt Nam. Cũng chỉ có con đường này mới mong có được một thị trường cà phê bền vững.
==
Trong bài, có sử dụng tư liệu của các trang “barchart.com” và “investing.com”.
Nguyễn Quang Bình, đăng trên TBKTSG 1-10-2020
Hits: 23