Kinh doanh cà phê năm 2021: Thị phần trước, giá cả sau

Brazil Coffee Trees Posters by Dick Davis (source Google)

Bước vào năm mới 2021, nhiều nhà phân tích thị trường tài chính đặt rất nhiều kỳ vọng cho một cuộc hồi sinh trên các thị trường hàng hóa nông sản, trong đó có cà phê. Tâm lý tích cực sẽ là một yếu tố tác động tốt lên thị trường và giá cả của mặt hàng giao dịch, tuy vậy, thị trường cà phê có cách đi riêng.

Hiệu suất đầu tư liên tục âm

Cà phê là loại hàng hóa được giao dịch trên các sàn hàng hóa phái sinh lớn của thế giới với lượng hợp đồng và vốn đầu tư chỉ đứng sau dầu thô. Đây cũng là một loại hàng hóa được tiêu thụ phổ biến nhất. Giá cà phê trên các sàn phái sinh được xem là “kim chỉ nam” của thị trường, cho nên trong năm 2020 vừa qua, khi thế giới bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, giá các sàn này xuống thấp cũng là điều dễ hiểu.

Năm 2020, hiệu suất đầu tư trên thị trường cà phê đã tiếp tục âm. Sau 12 tháng tính đến ngày giao dịch cuối cùng của năm cũ, tính trên giá đóng cửa, sàn robusta London giảm 7,29% tức mất 109 đô la Mỹ/tấn (1.495-1.386 đô la/tấn). Sàn arabica New York cũng chẳng khá hơn, giảm 8,43% hay 11,80 cts/lb tương đương với mất 260 đô la/tấn (140,05 cts/lb-128,25 cts/lb). Đấy cũng là năm thứ ba liên tiếp thị trường cà phê có hiệu suất đầu tư âm.

Nếu con virus SARS-Cov-2 làm tình làm tội giá cà phê thế giới, thì một “bất ngờ” không ai mong đợi, cả thế giới đều than thiếu hụt containers rỗng vào các tháng cuối năm. Tình trạng này đã làm kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam một lần nữa mất mốc 3 tỷ đô la. Cả năm 2020, Việt Nam chỉ xuất khẩu 1,51 triệu tấn cà phê trị giá 2,7 tỷ Usd, giảm 8,8% về lượng và 7,20% về giá trị so với 2019. Riêng hai tháng cuối năm, Việt Nam chỉ xuất khẩu chừng 180.000 tấn, con số quá khiêm nhường giữa lúc thu hoạch và cận Tết Tân Sửu rơi vào các ngày 11 và 12-2-2021.

Như vậy, 2020 là năm thứ hai liên tiếp kim ngạch xuất khẩu cà phê giảm, không chỉ về lượng mà cả về giá.

Lo cái gì trước?

Giá cả là quan trọng. Nhưng trong tình hình mới, thiết nghĩ thị trường và thị phần cần được xem xét đưa lên hàng đầu. Nếu lấy thống kê xuất khẩu của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 10/2020, khối lượng xuất khẩu robusta toàn cầu là 2,95 triệu tấn thì của Việt Nam chiếm hơn một nửa, tăng 0,80%, trong khi đó lượng xuất khẩu cà phê các nhóm arabica trong kỳ đạt gần 4,71 triệu tấn giảm 6,40%.

Cà phê Việt Nam “vinh dự” đi đến bảy-tám chục quốc gia và vùng lãnh thổ, tuy nhiên đang chịu nhiều áp lực. Trong đó, áp lực đến từ các yếu tố chủ quan như là giá thành cao (chừng từ 28-30 triệu đồng/tấn), thiếu một đội tàu biển để tăng cường sức bán đồng thời tự nâng cao nội lực hàng xuất khẩu, thiếu quan tâm mở rộng kho, bến bãi tại các nước nhập khẩu để chủ động ứng phó với những bất ngờ một khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy…

Bước vào năm 2021, hình như cả thế giới đều phải chấp nhận “sống chung” với con virus SARS-Cov-2 dù chương trình tiêm phòng vaccin đang được đẩy mạnh. Không hay là con virus ấy lại “biến hóa” khôn lường. Vậy, cần thấy rằng dù có vaccin, tình hình dịch bệnh chưa chắc đã ổn để cho hột cà phê ra khỏi nước một cách bình thường. Trong bài phát biểu trên truyền hình chào mừng năm mới 2021 với quốc dân đồng bào vào ngày 31/12/2020, Thủ tướng Đức Angela Merkel: “Những ngày mới đây, những tuần gần đây là thời điểm khó khăn nhất với đất nước của chúng ta. Điều này còn kéo dài thêm một thời gian nữa. Mùa đông vẫn còn khó khăn, các thách thức mà đại dịch gây ra vẫn còn rất lớn”. Đấy cũng là một cảnh báo đối với những nhà kinh doanh và nông dân làm cà phê trong thời gian tới, rằng chuỗi cung ứng cà phê vẫn còn rất chập chờn dù thế giới đang cấp tập chích ngừa vaccin chống dịch.

Giá có chiều hướng tăng?

Thị trường đang bị tâm lý đối với việc Brazil được mùa cà phê. Cứ một khi giá cà phê rớt, các nhà kinh doanh cà phê thường được nghe giải thích rằng do vụ mùa cà phê 2019-2020 của Brazil bội thu đến xấp xỉ 4,1 triệu tấn và có thể xuất khẩu chừng 2,64 triệu tấn! Tuy nhiên, cũng cần biết rằng khi Việt Nam bắt đầu bán ra thị trường thì cà phê Brazil đã bán ra 70%. Tính quyết định lên giá của Brazil đang nhẹ dần và chuyển sang các nước khác như Việt Nam, Colombia, Honduras…

Phân tích như trên để thấy không hẳn là yếu tố cung cầu, mà là một số yếu tố khác quan trọng và mang tính quyết định hơn trên giá cà phê từng thời điểm và kể cả đường dài.

Giá trị đồng Reais Brazil (BRL) trong cặp tỷ giá USD/BRL yếu đã khuyến khích nông dân cà phê Brazil bán mạnh trong thời gian qua. BRL mất giá đến 29,29% so với đồng đô la Mỹ đến cuối năm ngoái. Có lúc đồng nội tệ nước này xuống 5,99 Brl ăn 1 đô la Mỹ. Tuy nhiên, giá trị BRL đã tăng dần để cuối năm chốt tại 5,19 BRL. Thị trường phát hiện một khi BRL xuống mức 5,6-5,8, đều có sự can thiệp từ ngân hàng trung ương Brazil. Các nhà phân tích thị trường tiền tệ đoán rằng giá trị Brl trong cặp tỷ giá UsdBrl sẽ lên quanh mức 4,50-4,80 trong năm 2021. Đồng nội tệ Brazil được giá giúp giảm áp lực bán dù sản lượng cà phê có thể lớn (1).

Chỉ số giá trị đồng đô la Mỹ (DXY) mới đây đã giảm xuống mức thấp nhất tính từ 2018. Mỹ và các nước tiêu thụ tiếp tục in tiền để cứu vãn nền kinh tế. Nhiều nhà phân tích thị trường ngoại hối cho rằng nếu DXY có tăng chăng, chỉ vào dịp chuyển giao Nhà trắng qua tay ông Joe Biden. Giữa bối cảnh phải nâng đỡ nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, biện pháp cung ứng vốn mạnh là không tránh khỏi. Nếu như hiện nay đang ở mức 90 điểm, khả năng DXY về 85 thậm chí dưới 80 điểm là cao hơn về trên 95 điểm. Một khi đồng đô la mất giá, đó là cơ hội cho các nhà kinh doanh hàng hóa cà phê đặt cược mua để giá tăng.

Đổi mới, đòi hỏi cấp thiết

Từ khủng hoảng do đại dịch Covid-19, thế giới chuyển sang thời kỳ sống chung với nó. Sức tiêu thụ cà phê giảm trong năm 2020 và có thể còn tiếp tục yếu vào năm 2021. Do tính chất đặc thù của ngành hàng, yêu cầu đổi mới cách nghĩ cách làm càng bức bách.

Đổi mới trong ngành cà phê trước mắt là làm sao cho khách hàng thấy cách mình sản xuất, trữ và đóng hàng, chẳng hạn ứng dụng AI (trí thông minh nhân tạo). Thực hiện truy xuất nguồn gốc là một bắt buộc, và phải “kết nối”. Thời buổi này không nên lo ngại lộ “bí mật” do công bố sản lượng và các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa. Bạn hàng chỉ cần lên Google Earth, tìm địa điểm và thời gian, là có thể biết được diện tích cà phê của một vùng là bao nhiêu, số lượng xe hàng nhập kho trong ngày là mấy chuyến…

Người kinh doanh và nông dân làm cà phê nước ta nghĩ thì nhanh nhưng làm thì thường chậm. Không thể trách, vì đầu tư cho công nghệ kết nối tìm bạn hàng để nhập vào chuỗi cung ứng uy tín và ổn định cần đầu tư rất lớn. Đòi hỏi nhà kinh doanh và sản xuất nhỏ làm điều này có thể là phi thực tế.

Vì vậy, Chính phủ cần đặt ra yêu cầu cho hiệp hội từng ngành hàng, nhất là cà phê, thiết lập cho được hệ thống truy xuất nguồn gốc và kết nối, đặt chỉ tiêu một tỷ lệ lớn doanh nghiệp phải đi vào chuỗi cung ứng bền vững. Bằng cách nào? Sử dụng phí xuất khẩu đã đóng góp thay vì dùng tiền ấy để đi tiếp thị và tham quan như thường làm.

Nhiều tập đoàn kinh doanh cà phê thương phẩm quốc tế đang lập thêm nhánh kinh doanh hàng “ngách”, đặc sản, để mở rộng dần các hoạt động liên kết với nhà vườn cà phê, dần dần tiến đến công việc truy xuất nguồn gốc như là một chuyện bình thường trong sản xuất và kinh doanh. Nhiều nhà kinh doanh nước ngoài đã trích hàng trăm ngàn đô la Mỹ chỉ vì chuyện này. Các chuỗi quán cà phê tại thị trường Việt Nam đang đi đầu trong công tác này, dù quy mô còn manh múc và rất nhỏ.

Tóm lại, thị trường cà phê đang tích tụ nhiều yếu tố tích cực, nhưng không dành cho người đầu cơ giá lên. Tại sao? Vì diễn biến giá cả sẽ chịu chi phối bởi yếu tố cung cầu ít hơn áp lực đồng vốn. Thị trường cà phê chắc vẫn còn thất thường, có những lúc rất cực đoan, không dành cho người ít vốn và yếu tim trong năm 2021 nếu không tìm cho mình một cách sản xuất và kinh doanh hợp thời.

Nguyễn Quang Bình

Bài đã đăng trên TBKTSG bản in số 2-2021 ra ngày 7-1-2021

==

  • USD/BRL to plunge below 5.00 in 2021 – CIBC đăng ngày 25-11-2020 trên “fxstreet.com”

Hits: 67