Khởi hành từ Buôn Ma Thuột khi sương mai còn mờ mờ. Sau hai tiếng rưỡi đồng hồ, xe đã đến thành phố Gia Nghĩa, thủ phủ của tỉnh Đăk Nông. Không tìm trung tâm, tôi nhờ anh lái xe ghé chỗ quen ở xã Đăk R’Moan, cách khu phố thị chừng bảy tám cây số.
Đã hai năm, dù qua lại nhiều lần trên đoạn quốc lộ 14 này, tôi chưa có dịp ghé lại chỗ ấy. Bấy giờ dễ chừng 7 giờ 30 sáng, sương vẫn mù cả vùng, ủ lại cái lạnh quanh hồ thủy điện Đăk Tít. Thơ mộng và hấp dẫn không thua gì Đà Lạt thời đất nước mới thống nhất.
Sương trắng mù đặc. Xe đi chậm tìm địa chỉ nhà anh Thành. Ở cái vùng cao thôn sâu thế này, địa chỉ chẳng qua là cách nói cho nó sang trọng. Nhớ cái nhà lợp tôn, cổng ngoài được ráp bằng mấy cây nứa, gian bếp thò ra phía trái gian nhà chính và cũng là nơi tôi từng ngồi uống trà và “đàm đạo” với Đặng Tiến Thành, một người dân tộc Tày từ Thái Nguyên di cư tự do vào đây đã gần ba chục năm. Nhưng đặc điểm để nhận ra nhà anh ta chính là hàng chè thẳng tắp được trồng hai bên cổng.
“Chào! Năm rồi, pá Tiến Đức* làm ăn thế nào?”. Đang lui cui pha trà, anh Thành ngạc nhiên với vị khách bất ngờ sau Tết.
“Khó khăn thì khó khăn rồi đó, nhưng biết thế nào!”. Giọng nói bằng tiếng Kinh trầm ấm, có chút lơ lớ trong vài âm sắc, anh kể: “Đã hai mươi bảy năm, gia đình tôi và vài bà con di dân tự do vào đây. Bấy giờ khó khăn lắm, còn bây giờ có cái ăn cái mặc, con cái được học hành, con gái du học ở Singapore vừa mới ăn Tết xong đã sang lại bên ấy, thế là thỏa cái bụng rồi”.
“Thời ấy, ở ngoài quê Thái Nguyên, đất đai không tốt bằng ở đây. Đất vùng này, trồng cây gì thấy nó lên rõ cây ấy. Củ khoai, củ sắn, con gà… cái gì cũng mỡ màng. Thế là bọn tôi quyết định không đi đâu nữa, sống chết ở đây”, anh tiếp tục câu chuyện.
“Nhưng vườn anh nay có khác”, tôi đưa ra nhận xét.
“Đúng rồi. Trước đây mình tập trung trồng tiêu và cà phê nhưng nay chuyển dần, mỗi thứ trồng một ít. Lại nữa, gia đình nay chỉ còn tôi và mẻ Tiến Đức(*), hai cháu có ở đây đâu! Thằng con trai học xong ở lại TPHCM làm việc rồi”.
Cả cánh vườn chừng hơn một héc ta, nay anh Thành trồng xen giàn bầu, vài bụi chuối, mấy cây ớt, dăm cây sầu riêng và mít, chứ không “chuyên canh” như xưa chỉ có hồ tiêu và cà phê. “Chuyển thành vườn tạp ấy mà tiện. Khi cần ra ngắt quả ớt, quả bầu, bắt con gà…, nhà không thiếu cái ăn”, anh nói.
“Cà phê mới thu hoạch trước Tết chừng một tháng. Nghe báo chí nói thế giới mất mùa, trong bụng thấy mừng, 33.000 đồng một cân không bán. Nghĩ để đợi khi người ta thiếu hàng căng thẳng thì lúc đó mình bán. Nhưng tối qua nghe đâu chỉ còn chưa đến 31.000 đồng. Thôi thì để luôn vậy. Cũng đâu cần vội vì cái ăn đủ rồi, tiền hai ông bà già đâu chi tiêu mấy, tôi cứ để đấy”.
“Còn giá tiêu sao căng thế bác?”, anh Thành quay sang hỏi rồi kể chuyện cây hồ tiêu nhà mình. “Có được cái nhà thế này là nhờ hồ tiêu đấy. Những năm trên hai trăm, rồi một trăm, đến tám chục ngàn đồng mỗi cân, tiền dành dụm được bao nhiêu bọn tôi làm nhà và để tiền cho con cái đi học hết. Trước đây, cả hơn nửa thửa đất này toàn trồng hồ tiêu. Tiền tươi thu từ hồ tiêu mát cả cái tay! Nay giá xuống liên hồi, tôi hạ bớt cọc, trồng xen sầu riêng, mít…, bây giờ còn chừng hơn trăm bụi.
Chè bác uống đây không phân gio hóa học gì, nước uống bác thấy có ngòn ngọt trong cổ không? Cây tiêu, cây cà phê nhà tôi cũng thế, chỉ bón phân chuồng và phân xanh, chúng tốt thế đấy! Nhưng bây giờ giá tiêu đen chỉ còn ba sáu ba bảy ngàn mỗi cân, giá tiêu sạch hay tiêu bẩn đồng loạt như nhau, người thu mua chẳng thèm phân biệt cái gì ra cái gì. Thế mà lúc nào cũng họp ra chủ trương, động viên khuyến khích sản xuất hồ tiêu bền vững… Tiêu thơm, tiêu sạch mà giá chẳng ra làm sao!”.
Bước vào phía sau, anh Thành vốc ra một bụm hột tiêu đen đưa cho tôi ngửi và đề nghị cắn thử vài hột. Đúng là hồ tiêu anh trồng có mùi thơm thanh dịu, vị không cay xé như mấy nơi trồng khác.
Hớp một ngụm trà, mắt anh Thành nhìn ra mấy hàng hồ tiêu, lá vẫn xanh mơn. Không biết anh có nghĩ đến bệnh dịch do virus nCoV đang làm điêu đứng nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam không; không biết anh có biết năm 2019 Trung Quốc nhập khẩu gần 60.000 tấn hồ tiêu, nay đang ngừng mua vì con virus quái ác ấy không…
NGUYỄN QUANG BÌNH, trên TBKTSG bản in số 7-2020
Phần mình, tôi miên man, tiêu thơm thì thơm thật, nhưng giá sao vẫn cứ “cay” như thế!
(*) Người Tày thường dùng tên đứa con đầu lòng ghép lại để gọi thay tên cha. “Pá” Tiến Đức được hiểu là “bố Tiến Đức” tức anh Thành; “mẻ” là mẹ.
Hits: 33