Từ trước đến nay, khi ai đó công bố sản lượng cà phê tăng là ít nhiều bị đổ tội…gây giá rớt. Nhiều người thường thích áp ý và kỳ vọng giá cả của mình vào các đánh giá về sản lượng. Nhiều cuộc trao đổi về sản lượng cà phê thế giới và của một nước nào đó đã cho thấy không ít bạn thích cãi vả để giành phần thắng được/mất mùa về mình. Nhưng…đánh giá sản lượng không phải là yếu tố duy nhất làm nên giá thị trường. Sau đây là một cuộc chuyện trò trên mạng được lấy lại làm chuyện vui khi mới đây (31-3-2017) Cooxupe, hợp tác xã cà phê lớn nhất thế giới trước đây cho mình mất mùa, nay thì nói “không mất mấy”.
Chào các bạn!
Theo tôi, đã “tám thì tám cho tới”.
Tôi xin tám như vầy: Không có một dự báo sản lượng nào là đúng cả. Đặc biệt, dự báo về cà phê thì lúc nào cũng sai, lúc nào cũng có thêm có bớt. Nên, khi tin vào dự báo, phải tin vào một nơi biết nghiên cứu đàng hoàng, các số liệu có vẻ gần đúng liên tục. Chứ đừng thấy số này cao, số kia thấp, rồi theo thị trường giá lên xuống mà tính…thì sai này sẽ dẫn đến sai khác.
Có một thứ đúng nhất…đó là số liệu xuất khẩu. Tuy nước ta, số liệu xuất khẩu xuất ra từ nhiều nguồn, theo tính toán bằng nhiều cách, nhưng rồi cuối cùng cũng gần giống nhau khi tổng kết. Nên, tạm gọi con số xuất khẩu sẽ nói hết những gì thị trường cần biết và cần nói.
Kể cả các công ty lớn, mua hàng năm vài ba trăm ngàn tấn…vì “chua thêm” ý riêng của mình khi nhìn thị trường vào dự báo mà sập tiệm, các công ty ấy tây có ta có nhiều lắm.
Bây giờ, ảnh hưởng của chuyện này sẽ thế nào? [Tất cả con số sau đây đều giả sử để tính toán chứ không nói đúng thực t. Giả sử, lúc đầu ta dự báo sản lượng 2011/12 sẽ đạt 19 triệu bao tức chừng 1,14 triệu tấn. Nhưng qua 8 tháng, ta xuất khẩu 1,1 triệu tấn. Vị chi ta còn 40.000 tấn. Khi xây dựng kế hoạch mua bán, các công ty (nếu họ tin vào dự báo này – có sai lệch đôi chút sẽ không sao), họ đều có phương án giá của mình. (Thì dễ thôi, bà bán rau trong chợ cũng phải còn tính toán thiệt hơn để làm sao ngày này hàng ít sẽ bán giá nào, hàng nhiều bán giá nào…). Cái gì đã xảy ra: theo tính toán của dự báo ấy, thị trường đã có giá của nó, người mua chấp nhận giá của nó bằng cách mua giá trừ lùi thí dụ như trừ 30 USD chẳng hạn so với trừ 100 USD như các năm trước. Giá nội địa cũng quay quẩn chủ yếu quanh mức 38-42000 đồng. ĐÓ LÀ SỰ PHẢN ÁNH HOÀN TOÀN MANG TÍNH VẬT CHẤT CỦA THỊ TRƯỜNG TÍNH THEO DỰ BÁO. Anh nói số lượng ấy, cân đối cung cầu tôi mua giá ấy. Nhưng nếu bây giờ, số liệu xuất khẩu vượt qua các dự báo, thị trường sẽ tức khắc phản ứng. Cái phản ứng đầu tiên của người mua hàng bán trong thời gian dài là (thí dụ) họ sẽ ngưng mua, đợi giá xuống để bù vào những hợp đồng giá cao mua trước đây…Nếu đứng ngoài mà nhìn vào, đây như một luật bù trừ không hơn không kém.
Khi xuất khẩu qua con số dự báo, các tháng sau đó con số xuất khẩu càng nhiều thì giá càng thấp vì do thị trường điều chỉnh.
Còn nếu xuất khẩu mà ít hơn con số dự báo nhiều, ắt giá tăng mạnh lên thôi. Điều này, không ai làm được, không thằng tây con ta nào làm được, mà hoàn toàn đầy yếu tố vật chất hoạt động của thị trường.
Xin hết tám.
NGUYỄN QUANG BÌNH
Hits: 111