Đọc sách: “Quản trị rủi ro giá cà phê như thế nào?”

Cầm trên tay cuốn sách “Quản trị rủi ro giá cà phê bằng hợp đồng tiêu chuẩn trên sàn ICE” của hai đồng tác giả ThS. Nguyễn Cảnh Thọ (chủ biên) và TS. Đặng Hữu Mẫn, vừa đọc vừa mừng.

Bìa sách “Quản trị rủi ro giá cà phê bằng hợp đồng tiêu chuẩn trên sàn ICE”

Thật ra, nhiều nhà vườn và giới kinh doanh cà phê lớn nhỏ không lạ gì với hai sàn giao dịch cà phê phái sinh robusta London và arabica New York. Bất kỳ ai dính dáng đến sản xuất kinh doanh hột cà phê tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, cũng đều phải dùng giá niêm yết trên hai sàn ấy để tham chiếu.

Mừng ở đây với ý nghĩa rằng tuy nhóm tác giả là những người của “học thuật”, nhưng sách hình như được viết không chỉ dành riêng cho người theo học ngành kinh doanh tài chính và hàng hóa thương phẩm, mà còn cho bạn đọc rộng rãi, những ai quan tâm đến sản xuất và kinh doanh cà phê và thương mại hóa mặt hàng này. Thậm chí không chỉ người làm cà phê chuyên nghiệp, mà những mặt hàng khác như lúa gạo, ca cao, đậu nành, bắp, kể cả vàng, dầu thô v.v…cũng có thể sử dụng các cơ chế hoạt động của sàn giao dịch cà phê phái sinh để áp dụng cho nghành nghề của mình.

Đúng như tên sách, tác phẩm này trang trải những kiến thức, kinh nghiệm thực hành để “quản trị rủi ro” vì chủ biên Nguyễn Cảnh Thọ hiện là Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh tiền tệ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Qua 12 năm kinh nghiệm nghề nghiệp về tư vấn các giải pháp giảm và phòng ngừa rủi ro lãi suất, tỷ giá vàng-ngoại tệ và các loại hàng hóa thương phẩm, ắt đã đủ “thấm” những cái được mất của nghề sản xuất và kinh doanh cà phê.

Cấu trúc chính của sách gồm có 10 chương chỉ trong 196 trang do Nhà Xuất bản Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh vừa mới in trong quý 1-2020.

Hai chương đầu tiên, các tác giả trình bày ngắn gọn tại sao các sàn phái sinh cà phê có mặt trên thị trường và người liên quan đến ngành này cần quan tâm, các yếu tố tác động lên giá cà phê của các sàn giao dịch và tại các nước sản xuất. Các phân tích về mối quan hệ giữa giá trị hạt cà phê với các yếu tố tiền tệ như đồng đô la Mỹ, reais Brazil. Thiết nghĩ, tác động qua lại giữa chính sách tiền tệ và hàng hóa hiện nay trở thành một phần rất quan trọng trong kinh doanh cà phê hàng ngày với tư cách thương phẩm (commodity).

Những điều thú vị nằm ở chương 3 khi các tác giả đưa ra những tình huống kinh doanh cà phê của các đại lý thu mua với khá đầy đủ chi tiết những thao tác giao nhận, kiểm định hàng hóa, ký hợp đồng bán “tiền tươi” (outright) hay bán tính trên chênh lệch giữa giá niêm yết của sàn với giá FOB (giao qua lan can tàu) hay người trong nghề thường gọi là hợp đồng “trừ lùi” hay “cộng tới” (differentials). Loay hoay với mua bán theo giá lên xuống trên thị trường nội địa và xuất khẩu chưa đủ…để rồi có lúc phải “vỡ nợ” hàng loạt.

Các chương từ 4 đến 9 trình bày cách vận hành, đặc biệt có phần “bắt tay chỉ việc” cho ai kinh doanh cà phê và muốn tránh rủi ro bằng các hợp đồng phái sinh gồm cả tương lai, kỳ hạn và quyền chọn. Các loại hợp đồng này vốn quen thuộc, nhưng những ngóc ngách hoạt động, quy định, “lối chơi” không phải ai cũng tỏ tường.

Chương cuối cùng là những tình huống thực hành cụ thể cho người kinh doanh hàng hóa giao dịch trên sàn phái sinh, đặc biệt các đại lý thu mua vốn thích làm theo thói quen. Trong phần này, các tác giả cũng đưa ra các bài toán và giải đáp đề nghị nhằm giúp chủ doanh nghiệp tính toán lời lỗ, phương án giảm thiểu rủi ro để bảo toàn vốn.

Với 10 chương gói gọn trong cuốn sách chưa đầy 200 trang, các tác giả đã khéo chắt lọc những thao tác cần thiết khi kinh doanh cà phê, khi không dùng sàn thì làm sao và khi đi với sàn phái sinh thì như thế nào.

Từ lâu, đối với giới kinh doanh cà phê cũng như một số hàng hóa khác chịu tác động bởi các sàn kinh doanh thương phẩm, họ thường dễ đi đến cực đoan mỗi khi thua hay trúng đậm.

Có nhiều vị lãnh đạo hiệp hội ngành nghề từng khuyên không nên bán hợp đồng cà phê “trừ lùi”, nhưng ngay lập tức bị hội viên phản ứng như “không bán phương thức ấy thì bán được cho ai”.

Đương nhiên, “Quản trị rủi ro giá cà phê bằng hợp đồng tiêu chuẩn trên sàn ICE” không phải là chìa khóa vạn năng. Nhưng những đóng góp bằng một cuốn sách khá đầy đủ kiến thức và thực hành như là cách tư vấn chung cho người kinh doanh cà phê và nhiều thương phẩm nông sản và mặt hàng khác đáng là tài liệu “gối đầu giường” gọn gàng và dễ hiểu nhất so với các cuốn sách cùng loại.

NGUYỄN QUANG BÌNH, đăng trên TBKTSG số 14-2020 ngày 2/4/2020

Hits: 164



2 Comments

  1. Cảm ơn Anh rất nhiều! một chuyên gia hàng đầu ngành hiện nay, chia sẽ để cùng lớn mạnh ạ

Comments are closed.