Đoán “vận” thị trường cà phê

Niên vụ cà phê 2019-2020 đang vào mùa thu hoạch rộ. Trong khi đó, thị trường cà phê vẫn tiềm ẩn nhiều biến động về giá cả, buộc nhà vườn và doanh nghiệp trong ngành phải theo dõi sát tình hình và có cách đối phó phù hợp.

Đợt tăng nhanh và bất ngờ mới đây trên sàn robusta London làm nhà vườn và doanh nghiệp ngành cà phê ngỡ giá đã chạm đáy.

Bẫy giá

Gần như cả năm 2019, không chỉ giá cà phê trên sàn giao dịch kỳ hạn theo chiều hướng đi xuống, mà giá trong nước cũng liên tục ở mức thấp 30-34 triệu đồng/tấn. Kể từ ba năm trở lại đây, nhà đầu tư nào mua trước bán sau trên sàn kỳ hạn cà phê London, họ phải chịu thua lỗ 35,08%. Chỉ riêng trong 11 tháng đầu năm 2019, nhà đầu tư kinh doanh theo cách mua bán ấy chịu lỗ đến 17,55%(1).

Giữa tháng 10-2019, giá cà phê kỳ hạn London – nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu – chạm đáy sâu nhất tính từ trên chục năm, tại mức 1.211 đô la Mỹ/tấn. Đến ngày 14-11, giá lên chạm đỉnh 1.441 đô la nhưng rồi đóng cửa phiên cuối tháng 11 xuống còn 1.385 đô la/tấn. Như vậy, mức độ phục hồi vẫn chưa có gì để gọi là “bền vững”.

Đã xảy ra tâm lý là sau từ ba đến năm năm liền thị trường trì trệ, đợt tăng nhanh và bất ngờ mới đây trên sàn robusta London làm nhà vườn và doanh nghiệp ngỡ giá đã chạm đáy. Nhiều người bắt đầu có suy nghĩ giữ lại hàng để đầu cơ giá lên, một thói quen kinh doanh chưa bỏ được của thị trường cà phê nội địa. Nhưng cách mua bán này thường nhận kết quả cuối cùng là giá cà phê bị giật sập bất ngờ.

Bài học ấy đã từng lặp lại trong ba mùa kinh doanh gần đây, nhiều doanh nghiệp thu mua năm nào cũng bị đưa vào thế bán chặn lỗ. Sở dĩ có hiện tượng này vì khi mua cà phê vào ở mức giá cao, sau đó giá kỳ hạn tuột dần nên buộc phải bán ngay để khỏi lỗ nặng thêm.

Đã xảy ra tâm lý là sau từ ba đến năm năm liền thị trường trì trệ, đợt tăng nhanh và bất ngờ mới đây trên sàn robusta London làm nhà vườn và doanh nghiệp ngỡ giá đã chạm đáy.

Không phải do cung cầu

Trên thị trường đang xuất hiện nhiều dự báo thế giới sẽ thiếu cà phê trong niên vụ này. Với ước đoán mức tiêu thụ toàn cầu vào khoảng 167,9 triệu bao (60 ki lô gam/bao), Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) cho rằng sẽ thiếu hụt gần nửa triệu bao để đáp ứng đủ nhu cầu. Còn theo hãng môi giới Marex Spectron (Anh) và tập đoàn kinh doanh cà phê Coex (Mỹ), mức thiếu hụt khoảng 4,7 triệu đến 6,6 triệu bao(2). Tuy nhiên trước đó, báo cáo nửa năm 2019 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) lại ước đoán thế giới thừa 1,2 triệu bao.

Dựa vào ước báo sản lượng của USDA và ICO, các chuyên gia cho rằng cung cầu cà phê thế giới trong vài năm tới chưa có gì căng thẳng. Đặc biệt, nguồn cung cà phê robusta càng lúc càng nhiều. Ba nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới là Brazil, Việt Nam và Colombia đang rất sẵn hàng để bán. Xuất khẩu cà phê tháng 10-2019 của Brazil và Colombia chưa thấy dấu hiệu giảm, còn cà phê Việt Nam niên vụ mới thì chuẩn bị ra thị trường. Brazil vẫn bán mạnh robusta từ nay đến giáp vụ 2020-2021 vào tháng 4 năm sau. Cũng cùng thời điểm với Brazil, Indonesia vào mùa với trên 10 triệu bao, trong đó 80% là robusta.

Căn cứ trên những đánh giá về sản lượng, có thể thấy tác động của đợt tăng giá mạnh và bất ngờ trên các sàn kỳ hạn cà phê vừa qua không phải là do thế giới thiếu cà phê.

Nói thêm một chút về giá arabica New York – nơi các nước như Brazil và Colombia dùng làm tham chiếu. Trong vòng ba tháng nay, giá trên sàn này đã tăng mạnh lại; lợi suất đầu tư trong kỳ lên 20,5%. Kết quả đóng cửa giá arabica New York phiên 29-11 tại mức 119,05 xu/cân Anh (cts/lb) đã giúp thị trường này có lợi suất 0,76%.

Giá arabica tăng mạnh, giá robusta lên yếu. Diễn tiến ấy cho thấy giá robusta theo hướng rẻ dần so với arabica. Trước đây, thị phần xuất khẩu robusta bị “o ép” do Brazil bán arabica quá nhiều và quá rẻ. Nay, với đợt tăng giá trên sàn arabica, cà phê robusta bắt đầu hấp dẫn người mua nhờ giá mềm hơn arabica.

Cũng cần hiểu rằng giá arabica tăng không phải do thế giới thiếu loại hàng này. Do chất lượng arabica mùa mới ở Brazil và Trung Mỹ “có vấn đề”, người mua chấp nhận trả tiền thêm để mua được cà phê đạt chất lượng họ cần.

Viễn cảnh thị trường

Trong 10 tháng đầu năm 2019, Việt Nam xuất khẩu chừng 1,35 triệu tấn cà phê với giá trị 2,33 tỉ đô la Mỹ, giảm 14,6% về lượng và 22,3% về giá trị(3).

Giá xuất khẩu cà phê loại 2, tối đa 5% đen bể của Việt Nam hiện đang quanh mức +80/+100 đô la/tấn. Lấy giá đóng cửa 1.385 đô la Mỹ/tấn của phiên cuối tháng 11-2019 cộng với bình quân 90 đô la, giá cà phê robusta xuất khẩu ở quanh mức 34,2 triệu đồng/tấn (lấy giá giao dịch 23.200 đồng/đô la). Tuy nhiên, giá này vẫn kén khách mua vì nhà nhập khẩu đang chờ sức ép bán từ vụ mùa mới để có giá rẻ hơn như +50 đô la hay tốt hơn là bằng giá niêm yết sàn London. Ví dụ, nếu các nhà xuất khẩu Việt Nam chấp nhận bán bằng giá London, mức giá xuất khẩu khi ấy sẽ chỉ còn 32,13 triệu đồng/tấn. Một số nhà nhập khẩu nước ngoài cho rằng giá cộng 90 đô la/tấn cao hơn giá niêm yết là không thể mua được nếu họ không thiếu hợp đồng giao hàng gấp đã cam kết. Mặt khác, cước vận tải từ Việt Nam đến Mỹ cao hơn 5-7 lần so với từ Brazil nên mức giá ấy càng thiếu cạnh tranh.

Như vậy, bên nhập khẩu chưa tích cực mua và đang chờ giá xuất khẩu dịu xuống. Nếu như từ nay đến cuối năm, giá sàn robusta có lúc tăng, có thể cũng chỉ đủ để làm giảm “sức nóng” giá cà phê trên thị trường nội địa. Nếu giá London tăng 3, giá cà phê trong nước chỉ tăng 1, chiều giảm cũng thế. Mỗi khi giá sàn London tăng, đó là cơ hội mua và người mua sẽ tìm cách hạ giá đầu vào. Cung cầu không căng, thị trường có nguồn robusta Brazil thay thế, nên dù Việt Nam có giảm xuất khẩu, thị trường vẫn không thiếu cà phê robusta.

Giá robusta nếu có cơ hội tăng, có lẽ nằm trong khoảng thời gian trước và sau Tết Âm lịch, tức từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 4-2020, khi cà phê robusta Brazil và Indonesia thu hoạch vụ 2020-2021. Tuy nhiên, do hiện nay giá cà phê nội địa cao hơn giá niêm yết, khó ai dám trữ hàng để chờ bán giá tốt như kỳ vọng vì thị trường trong nước sẽ không bắt kịp giá sàn phái sinh theo hướng lên.

Nhìn đường dài, năm 2020 là năm bầu cử tổng thống Mỹ. Thời gian này Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khó có thay đổi lãi suất như mới đây họ đã từng ba lần hạ lãi suất cơ bản đồng đô la. (Giảm lãi suất đồng đô la mới giúp cho các nhà kinh doanh giảm chi phí tài chính và tạo thêm sức mua hàng hóa). Trong khi đó, đồng tiền Brazil (Brl) đang theo chiều hướng mất giá. Vừa qua, có lúc 1 đô la Mỹ ăn 4,28 Brl, tương đương với các mức thấp nhất từ 25 năm nay. Đồng Brl giảm giá so với đô la Mỹ, nông dân Brazil sẽ tranh thủ bán mạnh do thu nhập tính trên đồng nội tệ tốt hơn. Đấy là áp lực đáng ngại nhất lên giá cà phê, đặc biệt là robusta.

Một chủ trương mua bán liền tay, mua đâu bán đấy, xem ra là cách khả dĩ hữu hiệu cho năm kinh doanh cà phê mới.

TƯ LIỆU SỬ DỤNG TRONG BÀI

(1) https://www.barchart.com/futures/quotes/KCH20/performance và https://www.barchart.com/futures/quotes/RMF20/performance

(2) http://vinanet.vn/nong-san/vi-the-cua-ca-phe-viet-tren-thi-truong-the-gioi-va-du-bao-gia-tuan-cuoi-thang-102019-719571.html

(3) http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2019-11-03/tu-nay-den-cuoi-nam-gia-ca-phe-se-con-suy-giam-78463.aspx

NGUYỄN QUANG BÌNH trên TBKTSG bản in ra ngày 5/12/2019

Hits: 354



23 Trackbacks / Pingbacks

  1. 20/1/2020 Giá cà phê London chưa muốn rớt sâu? - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ
  2. 21/1/2020 Không có New York, giá robusta London đóng cửa giảm. Vì sao? - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ
  3. 23/1/2020 Thị trường cà phê: Giá robusta tăng nhẹ và arabica giảm không nhiều - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ
  4. 24/1/2020 Thị trường cà phê: Sàn robusta tiếp tục tăng mạnh kéo arabica theo. - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ
  5. 25/1/2020 (Mồng 1 Tết Canh Tý)- Thị trường cà phê: Cú lừa đêm giao thừa - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ
  6. 28/1/2020 Thị trường cà phê bị virus corona hành? - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ
  7. 30/1/2020 Giá cà phê phái sinh giảm mạnh - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ
  8. 31/1/2020 Thị trường cà phê: Giá phái sinh cầm cự ở thế yếu - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ
  9. 1/2/2020 Giá sàn robusta tăng mạnh, New York chạy theo - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ
  10. 4/2/2020 Thị trường cà phê: Giá cà phê nhóm đỏ theo con virus nCoV - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ
  11. 5/2/2020 Giá cà phê không đứng được dù đầu phiên tăng mạnh - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ
  12. 6/2/2020 Giá cà phê phái sinh tiếp tục giảm. Yếu tố nào đằng sau? - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ
  13. 7/2/2020 Giá cà phê robusta phục hồi khá mạnh, arabica chưa chịu vào cuộc. - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ
  14. 8/2/2020 Giá 2 sàn cà phê ngược chiều. Coi chừng trò "dụ khị"! - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ
  15. 11/2/2020 Thị trường cà phê: tin sáng 11/2/20 - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ
  16. 12/2/2020 Giá cà phê phục hồi nhẹ sau nhiều ngày giảm lê thê - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ
  17. 13/2/2020 Tin cà phê 13/2/20 - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ
  18. 15/2/2020 Sàn arabica tăng gấp 5 lần robusta - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ
  19. 18/2/2020 Sàn robusta hoạt động một mình, sức mua chậm giá vẫn tăng - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ
  20. 20/2/2020 Giá robusta kéo arabica xuống nhưng cuối phiên phục hồi - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ
  21. 26/2/2020 Giá cà phê tăng ở mức độ vừa phải - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ
  22. 28/2/2020 Dịch Covid-19 làm giá cà phê mắc...dịch. - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ
  23. 29/2/2020 Giá cà phê 2 sàn phái sinh đi ngược chiều, robusta sao lại giảm? - THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ

Comments are closed.