Đâu rồi những bàn tay thợ?

nguyễn quang bình

(TBKTSG) – Xóm tôi ở xưa kia đúng là một xóm thợ. Đó là một khu vực quê không ra quê, phố chưa lên phố, một miếng đất lớn bị nằm kẹp y chang cái bánh mì sandwich giữa hai dòng sông Hương và sông An Cựu, thành phố Huế.

Bác Thục hành nghề lái xe từ thời nảo thời nao, cho đến khi đất nước thống nhất, bác vẫn còn cầm “vô lăng” (nói theo tiếng Pháp, nghĩa là tay lái). Được phân công lái xe cho một giám đốc sở, thường xuyên công tác xuyên Nam dọc Bắc, bác đều đi đến nơi về đến chốn an toàn. Hàng ngày, bác chăm sóc xe của cơ quan như chính căn phòng nhỏ của mình. Ngay việc thay nhớt thay xăng, bác cũng rất nghiêm túc theo lịch.

Dượng Thuận, dáng người cao, tóc trắng như tơ, là thợ điện. Dượng công tác ở “nhà đèn”. Khi về hưu, dượng là thợ chính “đi đường dây” cho cả khu vực. Nhìn tay dượng cuộn miếng băng keo dán kết chỗ nối hai mạch điện bằng đồng, người không biết gì về nghề cũng phải tin rằng đúng dượng là nhà nòi. Một hôm nhà tôi bị mất điện, tôi mời dượng đến sửa. Dượng, tay cầm kềm, ngắt hai đầu dây điện, nối chúng lại cẩn thận theo từng vết bấm cây kềm, tay cuốn băng keo chầm chậm. “Phải kỹ như thế thì lần sau mới khỏi “mô-ve” (nói theo tiếng Pháp, nghĩa là chập điện)”, dượng nói một cách khiêm nhường.

Trấn ngữ đầu xóm là thầy Toản dạy toán trường cao đẳng sư phạm, bấy giờ mới về hưu liền chuyển sang làm nghề hớt tóc. Vừa quét “tông đơ” lên đầu, thầy vừa “xúi” người ta học yoga… Chắc đóng vai thợ hớt tóc, thầy không lấy việc kiếm tiền làm chính mà là chọn cách sống thợ và tìm cách bày vẽ cái gì thầy biết cho đám khách trẻ… Hình như thầy đi đúng bài nên khách hớt tóc xếp hàng nườm nượp… Nếu nay thầy còn sống chắc phải nhận năm bảy “cây kéo vàng”…

Rồi nào là cô Tâm, chị Tư làm nghề chằm nón lá, cứ buồn chuyện trên trời dưới đất các chị đều đem ra kể… nhưng năng suất không hề giảm…

Những người thợ ấy rất đỗi đời thường nhưng rất chuyên nghiệp. Cuộc sống hàng ngày của con người lúc nào cũng phải cần đến họ. Nhưng giờ đây, vai trò ấy lu mờ đâu hết. Thời nay cũng có tài xế, cũng có thợ điện, cũng có bà đỡ đẻ…, nhưng dám nói chưa chiếm được mấy niềm tin của người tiêu dùng. Hay là do tiện nghi vật chất và phương tiện hành nghề quá hiện đại nên người ta ỷ y vào đó mà đặt nặng mục tiêu kiếm tiền hơn là trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp chăng?

Đáng ra khi phương tiện vật chất nhiều hơn, tốt và tiện nghi hơn, người tiêu dùng sẽ được quyền thụ hưởng sự an toàn hơn, nhưng nay chưa ai dám chắc điều ấy. Khi báo chí đưa tin có viên phi công chính của một hãng máy bay nọ ngủ suốt mấy tiếng đồng hồ trên hành trình, giao sinh mạng của mấy trăm hành khách cho phi công phụ, mới thấy thế giới càng văn minh bao nhiêu, rủi ro vẫn không có chỗ cho luật trừ. Máy bay thì có khác chi xe đò!

Không đúng vậy thì sao cứ vài ba ngày lại có tin một chiếc xe chở khách bị tai nạn. Người “hành nghề” tài xế bây giờ chỉ cần kiếm được cái bằng lái, chỉ cần qua một kỳ thi cấp tốc hay thậm chí chỉ cần mua bằng là có thể cầm tay lái quyết định sinh mạng hàng chục con người. Thất nghiệp là có nghề!

Nghĩ cũng lạ, tốc độ điện khí hóa mạnh bao nhiêu, số lần hỏa hoạn càng nhiều và mức độ thiệt hại càng lớn bấy nhiêu. Như trường hợp cháy tại Công ty TNHH Kwong Lung-Meko ở khu công nghiệp Trà Nóc 1, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, đến nay cả nước còn chưa hết bàng hoàng, nghe đâu nguyên nhân chính do chập điện… Cuộc sống thời nay mất an toàn hình như vì yếu tố con người hơn là do khiếm khuyết của nền vật chất tiện nghi.

Nhìn lại quê tôi, cả làng nay chẳng ai muốn làm thợ, chỉ chực đòi làm thầy, làm lãnh đạo. Thế mới căng! Năm học vừa xong, nhiều gia đình hừng hực khí thế trưng bằng khen học hành xuất sắc toàn điểm 10 của con cháu mình lên mạng xã hội. Ái chà! Đáng lo cho ngày mai của các cháu rồi đây! Nhà trường không phân loại kỹ mà đánh đồng năng lực bằng các bằng khen xuất sắc như nhau, con cháu chúng ta đều giỏi cả. Nội chuyện đi xin việc mai này, nếu không có sự thân quen hay dựa bóng quyền thế, chuyện xìa tiền “cục” để được chỗ làm là đúng rồi. Vàng hóa thành bùn cả. Chính cha mẹ học sinh và nhà trường vạch đường cho các tiêu cực như hối lộ, vòi vĩnh, nhũng nhiễu… trong xã hội chứ ai!

Hình như xã hội chúng ta đang chạy theo một điều gì khác, hoang hoang tưởng tưởng, xa rời thực tại. Biết nhân loại có đến tận thế vẫn cần cái ăn cái uống, nhưng nhiều làng quê nay vắng hoe bóng thanh niên. Dù cuộc cách mạng kỹ thuật 4.0 đang dần hình thành nền kinh tế mới, bạn có tin cuộc sống hàng ngày của chúng ta không cần ông thợ máy, không cần người cày ruộng hay bác hớt tóc, cô y tá…?

Hình như xã hội hiện nay xem nhẹ tay nghề của người thợ vì ngại chân lấm tay bùn, quần dầu áo mỡ… Cứ kiểm kê các vật dụng trong nhà sẽ thấy hầu hết máy móc, dụng cụ phục vụ cái ăn cái mặc hàng ngày đều có xuất xứ nước ngoài. Nhiều người đon đả chạy theo ngành kinh tế tài chính, đút lót tiền cho con vào một chân làm ngân hàng, công ty chứng khoán… để làm giàu mau chóng nhưng quên rằng trong một xã hội tiêu thụ, nếu không phát triển tay nghề kỹ thuật, không chế tạo được cái mình cần sử dụng, thì muôn đời vẫn chịu phụ thuộc vào nước khác.

Nói thiệt với bạn, nay kiếm một người thợ có tay nghề vững vàng khó hơn kiếm tiến sĩ, thạc sĩ. Nói thế không đúng sao?

NGUYỄN QUANG BÌNH, TBKTSG 8-6-2016

Hits: 45