Từ ngày vào nghề xuất khẩu nông sản, các đồng nghiệp nước ngoài của tôi thán phục đất nước mình không kịp thở. Có tay phải “mắt chữ ‘i’ mồm chữ ‘a’ ” liên hồi vì chưa kịp ngạc nhiên ở đây đã thấy điều kỳ diệu chỗ khác. Từ một nước không đủ gạo ăn, chỉ trong vài năm quyết tâm thay đổi, nước ta đã trở thành “anh nuôi” loại có cỡ của thế giới.
Mới cách đây chừng hơn mươi lăm năm, mình còn láo ngáo với cà phê không biết làm ra có ai uống không, thì nay trở thành nước xuất khẩu hạng nhì thế giới, chỉ sau Brazil, nhưng đứng cao xa hơn nước thứ ba nhiều. Tiêu, điều, cao su, tôm cá…đã không làm thì thôi, chứ một khi nông dân ta đặt tay vào làm là sản lượng tăng ngợp trời.
Sản lượng lớn, sản xuất nhiều cũng có lợi lắm. Như khi có ai đó cần hàng như gạo, cà phê, cao su… không thể không tìm đến nước ta. Song, chuyện đáng nói là khi làm được chuyện to tát rồi, người mình hay khinh suất điều tiểu tiết.
Tôi thường lên thăm nơi mình công tác năm xưa tại Tây nguyên. Một cái quán cà phê đơn sơ nằm ngay góc đường gần khu chợ nhỏ đã tồn tại từ trước giải phóng, đến nay vẫn còn đó. Cứ bốn giờ sáng, tiếng róc rách của nước pha và hương thơm mùi cà phê vẫn hấp dẫn nhiều cụ già cả vùng đến thưởng thức. Tuy bàn ghế chỉ là những chiếc đòn nhỏ bằng gỗ đã mòn, cô pha cà phê năm xưa nay đã có cháu nội, nhưng khách uống cà phê sáng vẫn tươi như ngày nào. Ly cà phê được pha ngày xưa sao, nay vậy; tình cũ thế nào, nay vẫn thế. Quá đổi đơn sơ mà chung thủy. Có người ác miệng bảo bà bán cà phê bỏ gì đó vào gây nghiện! Song, theo tôi, có chất nghiện nào bằng tấm lòng chân thật, đạo đức trong từng ly cà phê bà pha cho từng người khách.
Rõ ràng, bà bán cà phê chẳng hoa hòe hoa sói gì về cái thương hiệu của ly cà phê bà pha. Có chăng thương hiệu ly cà phê của bà đậm đặc đạo đức của đời thường hơn là doanh số hay cái gì gì khác.
Ngày nay, nhiều người hay khoe khoang chuyện thương hiệu không hề mỏi mồm nhưng với họ thương hiệu thường chỉ dừng lại tại doanh số đạt được bằng mọi giá. Chính vì vậy mà nhiều ông chủ đã bất chấp mọi mánh khóe để làm tăng trị giá gia tăng với lắm thủ đoạn.
Mấy bữa nay, nhiều báo đài rộn lên tin rằng một số người trộn đất, thạch cao vào cao su xuất khẩu. Cứ tưởng tin ấy chỉ nói hiện tượng mới bắt đầu… Song, giật mình khi điểm qua một vòng nông thủy sản xuất khẩu, hành vi ăn gian làm dối hầu như đã phổ biến quá nhiều trong hầu hết các sản phẩm nông sản xuất khẩu đến độ nguy cơ mất uy tín, thanh danh, dẫn đến mất thị trường xuất khẩu vốn nhiều thế hệ nông dân và doanh nhân cố gắng bồi đắp mới có được.
Cách đây chưa lâu, báo cũng đăng tin các loại gạo thường được “lên đời” thành gạo đặc sản để bán giá cao hơn.
Chưa hết, có hôm trong một tiệm ăn, một ông bạn “cắc cớ” của tôi mở gói hạt điều rang (đào lộn hột) ra. Ông đưa cho tôi một hạt rất đẹp, hỏi đấy là hạt bề hay hạt đầy. Do mắt nhập nhèm, tôi cho đó là hạt đầy nhưng không ngờ đó là hạt vỡ 3 mảnh. Nghe đâu, nó được dán lại bằng keo dán sắt hay keo 502 gì đó! Tôi hỡi ôi, không tin. Sau đó, đi hỏi lại người trong cuộc, họ xác minh chuyện ấy e là sự thật!
Phải nói, để kiếm thêm chút lợi, nhiều người đã tạo ra những “sáng kiến” thần kỳ khác như bơm tạp chất vào con tôm xuất khẩu để tăng từ 1kg lên 1,2 kg; hái cà phê non, luộc chín, trà trộn vào cà phê tốt…Nói chung, thương hiệu, an toàn vệ sinh thực phẩm, đạo đức kinh doanh… không bằng mấy đồng kiếm thêm bỏ túi.
Tôi mới nhớ có một câu chuyện vui được kể như sau:
Tại một làng nọ, có ba anh chàng rủ nhau đi nhậu. Cả ba người đều nhắc nhở nhau rằng mỗi người nhớ đem theo phần rượu của mình để trộn chung vào uống cho đậm tình bằng hữu. Đến hẹn, anh thứ nhất tự bảo: “Mình đem chai nước lạnh này đi, trộn vào rượu của hai thằng kia, ai mà biết!” Anh thứ hai cũng bới theo chai nước vì nghĩ rằng chắc hai ông bạn mình đem rượu mạnh, pha loãng cho vơi. Đến phiên anh thứ ba cũng đem chai nước thay vì rượu như đã hứa vì nghĩ chắc rằng hai anh kia đã đem rượu theo. Tại quán rượu, cả ba anh hồ hỡi pha chung ba chai “rượu”.
Khai tiệc, ba anh cụng ly, khà một tiếng, và…đều khen “rượu chúng ta ngon thật”!
Hiện nay, nhiều người giữ uy tín, thương hiệu của mình bằng cách đem “rượu” đi uống chung ấy và quên mất rằng khách hàng sẽ đi nơi khác ngay khi họ có thể tìm được thị trường thay thế.
Là một nước đã, đang và sẽ sống nhờ nông nghiệp, thị trường xuất khẩu là lẽ sống của nông sản. Nên chăng, ta phải có bộ luật chất lượng nông sản xuất khẩu thật chi li và nghiêm ngặt, phạt thật gắt các hiện tượng ăn gian làm dối để còn giữ được đường ra lâu dài cho hàng hóa của nước ta.
Nguyễn Quang Bình
tháng 12-2011 trên TBKTSG online
Hits: 553