Bỏ ưu tiên là tạo cơ hội

(TBKTSG) – “Dị chết đi được!”. Người miền Trung thường nói với nhau như thế mỗi khi mình hay ai đó làm điều gì khác người, không hợp với đạo đức, phong tục, lề thói, cũng như tự cái bụng mình còn thấy hành vi không được thì huống chi là bụng của người khác. Nhiều người xứ khác hay giải thích “dị” là “mắc cỡ”. Không đâu, cấp độ tu từ của “mắc cỡ” làm sao sánh với “dị” được!

Cho đến nay, trên nhiều trang mạng vẫn còn treo đoạn “clip” – như cái “bia miệng… ngàn năm còn trơ trơ” về một nhóm bà con tranh giành thức ăn tại một nhà hàng phục vụ bữa ăn tự chọn (buffet) ngay giữa chốn thành đô sang trọng, một nơi từng làm mấy ông tây bà đầm “lác mắt” phong cho cái tên “hòn ngọc viễn đông”. Không dị sao được!

Còn nhớ trước đây, trong một sự kiện ngay cửa một tòa đại sứ nước ngoài, anh em mình đã chen chúc, giành giật cho được cái áo mưa quảng cáo. Không dị sao được! Đâu chỉ thế, cả ở những chốn tôn nghiêm bà con cũng không tha! Trong một đại lễ trai đàn chẩn tế tại một ngôi chùa lớn nhất nhì ở TPHCM, thay vì cung kính “trang nghiêm bình đẳng giác” dự lễ chùa, bà con ta bươn đạp xô đẩy chửi bới nhau để giành suất đứng trên.

Kỳ dị thật!

Một số người tìm cách chống chữa, bênh vực, khuyên người khác nên biết thông cảm cho những sự việc mà chính do sự túng thiếu sinh ra. Hình như ở xứ mình, khi làm những điều sai trái và cứ vin vào nghèo khổ là rất dễ dàng được tha thứ! Ngày xưa, thời cha ông ta đâu có thiếu người nghèo nhưng mấy ai chịu hèn. “Đói cho sạch rách cho thơm”. Đã có một thời người làng xóm với nhau sống chan hòa tử tế, nhường nhịn nhau không hết.

Nay nhiều bậc nhân sĩ trí thức vẫn trách cảnh đời “bát nháo” do dân trí thấp. Đâu có! Nhiều người có bằng cấp chức danh, “giấy chứng nhận trình độ” dân trí cao cũng hành xử bát nháo không kém. Có vị tiến sĩ quản lý một trường tư ở thành phố nọ, chẳng hiểu quen biết thế nào với cấp trên mà “tậu” được chiếc xe hơi cũ biển số xanh. Một hôm, đoàn công tác khởi hành trễ vì cuộc họp trước đó tan muộn, ông ngồi xe biển số “đặc quyền” nên cứ phang ngang bất kể luật lệ, rồi còn điện thoại liên hồi thúc giục chú tài xế lái chiếc xe biển trắng đi chung đoàn ở phía sau phải chạy nhanh cho kịp chiếc xe ưu tiên ông đang ngồi. Nhưng tài xế “xe dân” không dám vi phạm luật giao thông nên nhóm ngồi xe biển trắng đến đích trễ gần nửa tiếng đồng hồ, mặc cho vị quản lý quở trách.

Giải thích cho nạn đua chen, tranh giành, chụp giựt, có người đưa ra giả thiết do xã hội ta cấp quá nhiều đặc quyền đặc lợi cho một số nhóm người, tạo ra tâm lý bồn chồn trong số đông dân thường, họ sợ mất vị trí, sợ mất quyền lợi, nên lại đua nhau tranh giành quyền hưởng trước.

Thời bao cấp ở nước ta, phương tiện giao thông còn hạn chế, Nhà nước phát hành thẻ ưu tiên mua vé tàu xe nhanh cho thầy cô giáo công tác ở các tỉnh khó khăn, được gọi là thẻ “ưu tiên giáo viên miền núi, hải đảo”. Nhưng thẻ chỉ phát huy tác dụng lúc ban đầu, về sau, do tình trạng ưu tiên bị “lạm phát” nên đặc quyền của chiếc thẻ giảm mạnh, những thầy cô cần vé khẩn đôi khi trình thẻ lại không “hiệu quả” bằng việc trả thêm tiền ngoài; còn nếu không thì phải lo xếp hàng từ một hai giờ sáng mới có vé xe đi trong ngày!

Ừ thì cứ xếp hàng theo luật, dẹp bỏ ưu tiên là có trật tự ngay! Cứ nhìn cảnh xếp hàng trật tự để mua hàng ở xứ người mà không khỏi phát thèm.

Hồi iPhone 7 mới ra thị trường, nghe đâu những người có tiền từ một nước châu Á qua tận Mỹ vật lộn, giành giựt xếp hàng mua trước. Chắc họ nghĩ cứ có tiền là có quyền tranh mua, bất kể thói quen người nước sở tại là phải đứng xếp hàng theo luật – xếp hàng trước vào mua trước.

duc

Mới đây, một ông bạn trẻ “post” lên mạng xã hội bức ảnh cảnh kẹt xe tại một trục giao thông ở Đức. Thấy mà nể khi cả ngàn chiếc xe tránh vào hai bên đường, để rộng khu chính giữa cho những trường hợp cần kíp hơn, như xe cứu thương chẳng hạn. Ở xứ ta, dù đường đã đông, xe kẹt cứng, xe lớn xe nhỏ vẫn cố tràn hết lối đi để chen lên trước. Chắc đã có không ít người cần cấp cứu đã phải lìa đời về nơi chín suối vì không kịp đến bệnh viện do anh em bà con bít nghẹt lối đi, không cách chi “mở đường máu”!

Mở thêm đường, xây thêm tuyến chắc không bao giờ đủ, nếu như cả xã hội và từng người không sẵn sàng hy sinh quyền ưu tiên, dẹp ngay đặc quyền đặc lợi.

Tác giả NGUYỄN QUANG BÌNH

đăng trên tuần báo TBKTSG số 8-2017 ra ngày 23-2-2017

tại “http://www.thesaigontimes.vn/157203/TBKTSG-so-8-2017-Siet-dau-tu-nuoc-ngoai-vao-ban-le.html”

Hits: 80